Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Triển vọng ngành cao su Việt Nam 2008
02 | 01 | 2008
Chỉ tiêu tăng trưởng XK cao su đặt ra trong năm 2008 là 4% - một con số khá khiêm tốn so với nhiều mặt hàng XK chủ lực. Tuy nhiên, nếu dựa trên cơ sở XK cao su năm 2007 (giảm tới 3% về lượng so với kế hoạch) mới thấy, việc thực hiện chỉ tiêu XK trên xem ra không dễ dàng.
Theo báo cáo, trong khi nhu cầu thị trường thế giới về cao su ngày một tăng mạnh thì năm 2007, hầu hết các nước sản xuất cao su lớn đều sụt giảm về sản lượng.
Tại Thái lan, sản lượng giảm khoảng 1,5%, xuống 3 triệu tấn do mưa lớn và diện tích trồng cao su giảm; Indonesia, do mưa lớn và thời điểm cây cao su cho ít mủ, nên sản lượng cũng giảm tương đối nhiều…
Tại Việt Nam, sản xuất và xuất khẩu cao su có tốc độ phát triển mạnh trong những năm gần đây. Việt Nam đã đứng hàng thứ 4 thế giới về XK cao su, sau Thái lan, Indonesia và Malaysia.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, các DN rất cố gắng XK, cao su mới có thể chạm tới ngưỡng 760.000 tấn trong năm 2007, như vậy con số 780.000 tấn cao su đưa ra để phấn đấu đã không đạt được.
Mặc dù sản lượng cao su của Việt Nam năm nay vẫn đạt 600.000 tấn, tăng so với 553.500 tấn năm 2006, nhưng nguồn NK cao su từ các nước láng giềng giảm đi do nguồn cung bị hạn hẹp.
Được biết, Việt Nam XK 80% sản lượng mủ cao su sản xuất trong nước, còn lại phải mua cao su từ Thái lan, Campuchia và Indonesia để tái xuất.
Hiện Việt Nam XK cao su đến 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với thị trường XK lớn nhất là Trung Quốc (chiếm tới 64% lượng XK), tiếp theo là Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Hoa Kỳ...
Từ năm 1995, số lượng cao su thiên nhiên Việt Nam XK sang Trung Quốc khá lớn và có sự tăng vọt từ năm 2005 đến nay. Sở dĩ vì nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc là 1,7 triệu tấn/năm, trong khi sản xuất không đáp ứng nổi nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến.
Nhu cầu cao su của Trung Quốc năm nay tăng khoảng trên 40% so với năm 2006, lượng NK không dưới 70%. Vì vậy, chắc chắn hiện tại và sau này, Việt Nam vẫn là một trong những nước XK cao su lớn vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một thực tế là XK của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các sản phẩm cao su tự nhiên chưa được xử lý, với gần 60% là cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật và cao su tự nhiên ở dạng nguyên thủy.
Lý do: dù cũng được quan tâm đầu tư trong mấy năm gần đây, nhưng hình thức gia công quy mô sản xuất còn nhỏ, năng suất cũng chưa thực sự đạt được như mong muốn.
Vì vậy, những mặt hàng thị trường cần và có giá cao như cao su ly tâm, SVR 10, 20… thì Việt Nam sản xuất ít, trong khi đó các loại SVR 3L giá thấp, thị trường trên thế giới cần ít, ngoài Trung Quốc có nhu cầu NK nhiều nên Việt Nam bị phụ thuộc rất lớn vào thị trường này.
Một điểm yếu nữa của cao su Việt Nam là hầu như không có thương hiệu trên thị trường nên luôn phải bán với giá thấp hơn so với các nước khác.
Năm 2008, Bộ Công Thương đưa ra con số tăng trưởng khá khiêm tốn so với năm 2007: sản lượng XK tăng 4%, trị giá tăng 12,4%.
Đây là mức tăng trưởng không lớn nhưng với năng suất cây cao su cũng như diện tích không có gì “đột phá” nên việc duy trì và tăng trưởng sản lượng ngay trong năm 2008 là không dễ dàng.
Các cơ quan quản lý kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng ở giá trị XK, bởi dự báo giá cao su trên thế giới vẫn duy trì ở mức tăng cao, do sản lượng trên thế giới thâm hụt nhiều.
Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, để tránh việc bị chi phối do tập trung quá lớn vào thị trường Trung Quốc, các DN xuất khẩu cao su nên khai thác, đẩy mạnh XK sang các thị trường khác.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, XK cao su năm 2007 có mức tăng trưởng rất lớn vào thị trường Nga, đặc biệt về giá, ví dụ loại cao su SVR tăng tới 165 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ tăng trên 130 USD/tấn, tiếp theo mới là Trung Quốc khoảng trên 70 USD/tấn, Nhật Bản tăng 64 USD/tấn...


Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường