Giá gạo 5% tấm của nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới được giao dịch ở mức 480 - 485 USD/tấn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3 và giảm từ 515 - 546 USD/tấn vào tuần trước.
Một nhà kinh doanh gạo có trụ sở tại Bangkok cho biết: "Chúng tôi bắt đầu thấy nguồn cung mới được đưa vào thị trường trong tháng này và dự báo về những cơn mưa làm giảm lo ngại về nguồn cung nói chung".
Một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ đã gây áp lực cho nguồn cung, khiến giá tăng vọt lên mức cao nhất trong 7 năm vào tháng 4.
"Nhu cầu vẫn ảm đạm nhưng xuất hiện hi vọng rằng người mua ở những nơi như Philippines có thể quan tâm đến gạo Thái Lan khi giá giảm, mặc dù cạnh tranh từ Việt Nam rất mạnh", một nhà buôn gạo khác ở Bangkok chia sẻ.
Trong khi đó, nguồn cung thấp đã kéo giá gạo 5% tấm từ Việt Nam lên mức cao gần một năm là 450 - 460 USD/tấn.
"Giới thương nhân đang gấp gáp thực hiện các hợp đồng đã kí trước lệnh cấm xuất khẩu (được đưa ra vào tháng 3), trong khi chính phủ cũng đang mua gạo từ nông dân cho chương trình dự trữ quốc gia", một thương nhân có trụ sở tại An Giang cho biết.
"Nguồn cung từ vụ thu hoạch sắp tới sẽ không tăng mạnh vì hoạt động thu hoạch sẽ diễn ra chậm, kéo dài hơn hai tháng".
Việt Nam đã nối lại hoàn toàn hoạt động xuất khẩu gạo từ tháng 5, sau lệnh cấm vào tháng 3 để đảm bảo nguồn cung đầy đủ trong thời gian chống đại dịch COVID-19.
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy gần 150.000 tấn gạo sẽ được tải lên các tàu tại cảng TP HCM trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến ngày 17/5, trong đó phần lớn gạo sẽ được chuyển tới Philippines.
Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thé giới tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 8/2019, đạt 380 - 385 USD/tấn trong tuần này.
Nhu cầu tốt hơn so với năm ngoái vì gạo Ấn Độ đưa ra mức chiết khấu tốt hơn so với gạo từ Thái Lan và Việt Nam, theo ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết.
Sự sẵn có của xe tải và công nhân, nguyên nhân hạn chế xuất khẩu trong tháng 4, đã được cải thiện, ông Rao nói thêm.
Các nhà xuất khẩu cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ đồng rupee yếu hơn, theo đó giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu.
Ở những nơi khác, Bangladesh sẽ mua thêm 200.000 tấn thóc trong mùa thu hoạch hiện tại để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ, một quan chức của Bộ Lương thực cho biết, trong bối cảnh đại dịch -19 đã lây nhiễm ở 18.863 người và giết chết 283 người ở quốc gia Nam Á hôm 14/5.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng