Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự báo cung – cầu gạo thế giới năm 2019/20
07 | 05 | 2020
Trong báo cáo công bố tháng 4/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo về sản lượng gạo niên vụ 2019/20 của Myanmar, Campuchia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

USDA hạ dự báo về sản lượng gạo toàn cầu xuống 496,1 triệu tấn, giảm 3,2 triệu tấn so với dự báo tháng 3, và thấp hơn 0,5% so với sản lượng vụ 2018/19.

Các nước xuất khẩu thuộc khu vực Đông Nam Á chiếm hơn 80% trong tổng mức giảm sản lượng dự báo cho năm 2019/20, do bị hạn hán. Sản lượng của Trung Mỹ và Caribê dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Sản lượng của khu vực Đông Nam Á giảm cũng là lý do khiến USDA hạ dự báo về xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2020.

Tiêu thụ và thất thoát gạo trên toàn cầu niên vụ 2019/20 dự báo ở mức 490,2 triệu tấn, giảm 2,1 triệu tấn so với dự báo tháng 3 và giảm gần 1% so với mức cao kỷ lục của năm trước. Brazil, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria và Thái Lan chiếm phần lớn mức điều chỉnh giảm dự báo về tiêu thụ, trong đó của Nigeria dự báo giảm 300.000 tấn xuống 6,3 triệu tấn do nguồn cung ít đi. Tiêu thụ của Hàn Quốc được điều chỉnh giảm 0,35 triệu tấn xuống 4,1 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 1968/69. So với niên vụ trước, tiêu thụ và thất thoát ở Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam dự báo sẽ tăng lên; trái lại, tiêu thụ dự báo sẽ giảm ở Nhật Bản và Hàn Quốc do xu hướng đa dạng hóa lương thực. Tiêu thụ ở Mỹ dự báo giảm 7,5% do nguồn cung ít đi.

Thương mại gạo toàn cầu năm 2020 dự báo đạt 42,8 triệu tấn, giảm gần 2% so với dự báo tháng 3 và giảm 5% so với năm 2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thương mại gạo thế giới sụt giảm, do nhập khẩu của các nước Bangladesh, Trung Quốc và Nigeria giảm sút.

Xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm 2020 sẽ tiếp tục bị hạn chế bởi lệnh cấm và những hạn chế xuất khẩu gần đây ở một số nước Đông Nam Á để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19. Nguồn cung từ những nước xuất khẩu này dự báo cũng sẽ giảm đi do tác động tiêu cực của thời tiết như hạn hán. Ấn Độ mặc dù không cấm xuất khẩu nhưng hàng tháng phong tỏa (từ 25/3) và tình trạng thiếu nhân lực lao động cũng ảnh hưởng tới việc vận chuyển và bốc xếp gạo ở các nhà máy và cảng biển, khiến các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới trong thời gian đó.

Nguồn: VITIC/USDA



Báo cáo phân tích thị trường