Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
'Hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sĩ'
01 | 05 | 2020
“Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Từ ngàn xưa, cha ông ta đã coi trọng nông nghiệp và nhận biết vai trò to lớn của nông nghiệp.

Điều đó đặc biệt đúng mỗi khi khủng hoảng xảy ra. Ngàn xưa sao, thì có vẻ như bây giờ vẫn vậy.

Theo số liệu điều tra năm 2019, dân số nước ta là hơn 96 triệu người. Trong số đó, có đến hơn 63 triệu người sống ở nông thôn, chiếm 65,6%.

Đây là những người làm nông nghiệp hoặc làm một số ngành nghề khác nhưng không tách rời khỏi nông nghiệp và con em của họ.

Số liệu này cho thấy chúng ta vẫn đang là một nước nông nghiệp, và đa số người dân đang làm nghề nông. Hay nói cách khác, nông nghiệp đang cung cấp nhiều việc làm nhất cho xã hội.

Ở nước nào cũng vậy, chính sách kinh tế quan trọng nhất là chính sách về việc làm. GDP có cao đến thế nào đi chăng nữa mà nhiều người dân không có việc làm thì GDP cũng mất hết ý nghĩa. Không có việc làm thì khó lòng có được an sinh xã hội.

Đến lượt mình, không có an sinh xã hội, thì khó có được ổn định và an toàn xã hội. Đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Rồi sẽ đến một ngày nào đó, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa sẽ diễn ra nhanh hơn, thu hút nhiều lao động từ nông thôn ra thành thị hơn.

Lực lượng cư dân ở nông thôn lúc đó chỉ còn là thiểu số. Tuy nhiên, cho đến lúc đó thì nông nghiệp vẫn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong bảo đảm việc làm cho lực lượng lao động đông đảo của nước ta.

Thứ hai, nông nghiệp bảo đảm an sinh. Nông nghiệp không chỉ nuôi sống phần lớn dân cư đất nước, mà còn là van an toàn của hệ thống.

Cho dù hàng triệu lao động đã di cư từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp tập trung, về cơ bản họ vẫn không đánh mất mối quan hệ chặt chẽ với nông thôn. Rất nhiều cặp vợ chồng ra thành phố làm việc, nhưng vẫn để con cháu lại cho ông bà ở nông thôn nuôi dạy.

Nhiều gia đình vợ ra làm việc tại thành thị, nhưng chồng ở lại làm việc tại làng quê và ngược lại. Đó là chưa nói tới một lực lượng lao động rất lớn di cư vào các đô thị làm việc theo mùa. Cứ nông nhàn là họ lại kéo nhau vào các thành phố tìm kiếm việc làm để có thêm thu nhập.

Hết nông nhàn, họ lại trở về quê làm việc trên những cách đồng, mảnh vườn của mình. Mỗi khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, tất cả những người lao động di cư và di cư theo mùa đều có thể trở về nông thôn kiếm sống bằng nghề nông.

Do tính chất tự cung, tự cấp của đời sống làng quê, chúng ta khó lòng tính được đầy đủ tỷ lệ phần trăm GDP ở đây.

Tuy nhiên, hàng triệu người có thể nương náu qua khỏi cảnh đứt bữa, đói ăn là nhờ nông nghiệp là hoàn toàn chắc chắn.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay, hàng triệu lao động mất việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp hoàn toàn có thể trở về ẩn náu ở nông thôn.

Ở đây họ chắc chắn sẽ được chia sẽ việc làm một cách tự nguyện. Bởi vì họ gắn bó máu thị với những người dân quê.

Và thực ra, rất nhiều nếu như không phải là tuyệt đại đa số những người lao động này cũng đã chia sẽ sự thành đạt cho dù còn rất khiêm tốn của mình với những người ở lại.

Về quê, họ còn có thể trồng thêm miếng rau, nuôi thêm con gà và sống ổn thỏa qua thời kỳ khủng hoảng.

Thứ ba, nông nghiệp dễ vượt qua khủng hoảng. Cho dù đại dịch Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào khủng hoảng, làm cho tổng cầu của thế giới đang bị giảm mạnh, thì vẫn có những thứ cầu sẽ không bao giờ giảm. Đó là cầu về lương thực, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Kiểu gì thì hàng tỷ người trên thế giới vẫn phải ăn để sống. Hơn thế nữa, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, cầu về các sản phẩm nông nghiệp lại có xu hướng tăng.

Lý do đơn giản là vì khủng hoảng kích hoạt tâm lý tích trữ. Lượng đơn đặt hàng mua gạo của nước tăng cao trong thời gian này cho thấy rất rõ điều này. Đây quả thực là cơ hội vàng cho nông nghiệp Việt Nam.

Tất nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, chúng ta cần phải quan tâm đến an ninh lương thực của mình trước tiên.

Thế nhưng, khi an ninh lương thực của đất nước đã được bảo đảm, thì cần đẩy mạnh xuất khẩu để giúp cho những người nông dân bớt bị thiệt thòi.

Bởi vì rằng, bảo đảm an ninh lương thực bằng cách hạn chế xuất khẩu, có thể làm cho giá lương thực giảm mạnh. Mà như vậy, thì chúng ta đang bảo đảm an ninh lương thực bằng cách hy sinh lợi ích của người nông dân.

Cuối cùng, nông nghiệp hoàn toàn có thể giúp chúng ta trở nên giàu có. Xét từ góc nhìn địa kinh tế, nước ta có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, để làm giàu từ nông nghiệp, điều kiện tự nhiên thuân lợi là chưa đủ. Điều quan trọng hơn là chúng ta phải bảo đảm được chất lượng nông sản và phải xây dựng được thương hiệu.

Ví dụ, gạo ST25 của Việt Nam được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Đây là một thương hiệu và là một tài sản lớn.

Vấn đề là chúng ta cần có một chiến lược dài hạn để bảo vệ và bổ sung giá trị cho thương hiệu này. Gạo ngon nhất thế giới thì có thể bán giá cao nhất thế giới! Đã có thương hiệu thì bao giờ cũng có khách hàng.

Thực ra, hiện nay rất nhiều người Việt Nam đang muốn tìm mua loại gạo này mà mua không được. Sau gạo ST25, còn sản phẩm nông nghiệp gì chúng ta có thể phấn đấu để nhất thế giới nữa không?

Ngoài ra, để làm giàu từ nông nghiệp, thì sản phẩm nông nghiệp phải hỗ trợ bởi văn hóa ẩm thực. Văn hóa ẩm thực Việt Nam có vẻ đang nổi tiếng hơn nhiều so với nông nghiệp Việt Nam. Phở Việt Nam, nem Việt Nam… đang nổi tiếng trên thế giới hơn bất kỳ một công trình khoa học, nghệ thuật nào của người Việt.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Philip Kotler, cha đẻ của marketing hiện đại gợi ý rằng Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới.

Khi bán nem, bán phở ở nước ngoài, chúng ta đang và có thể bán cả bánh nem, bánh phở, các loại rau thơm, gia vị…

Cách làm ở đây là văn hóa ẩm thực đi trước, các sản phẩm nông nghiệp theo sau. Đây cũng là cách làm rất thành công của Hàn Quốc: điện ảnh, âm nhạc đi trước, mỹ phẩm thời trang theo sau.

Đại dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế nước ta và nền kinh tế của cả thế giới vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Tất cả mọi quốc gia đều đang tìm cách cứu vãn nền kinh tế của mình. Việt Nam chúng ta cũng không phải là ngoại lệ.

Để vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững, phát huy vai trò của nông nghiệp là rất cần thiết đối với đất nước của chúng ta.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn: https://nongnghiep.vn/het-gao-chay-rong-nhat-nong-nhi-si-d263131.html

 



Báo cáo phân tích thị trường