Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long: Loay hoay chuyện bón phân
01 | 07 | 2009
Có một nghịch lý hiện nay đang tồn tại ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi được xem là vựa lúa lớn nhất nước, người dân sống chủ yếu bằng cây lúa, nhưng lại chưa nắm bắt một cách thấu đáo kỹ thuật bón phân cho lúa. Nhiều nông dân trồng lúa ở vùng đất này vẫn còn loay hoay với việc bón phân như thế nào cho hiệu quả.

Thiếu kinh nghiệm
 
Người xưa có câu: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Việc xác định bón phân hợp lý, kỹ thuật bón phân (liều lượng, thời kỳ, cách bón), loại phân (lân nung chảy, lân super hay DAP…) rất có tác dụng trong việc tăng năng suất, hạ giá thành, giúp tăng thu nhập cho người trồng lúa. Hiện nay, năng suất lúa cao nhất ở ĐBSCL mà người nông dân có thể đạt được là từ 7 đến 8 tấn/ha (vụ đông xuân) và 5,5 đến 6,5 tấn/ha (vụ hè thu), nhưng thực tế năng suất lúa của đại đa số nông dân thường thấp hơn đáng kể so với mức này. Điều đó không chỉ do việc áp dụng những giải pháp khoa học công nghệ trong trồng trọt, chế biến, bảo quản… chưa tốt mà còn là việc sử dụng phân bón của nông dân chưa hiệu quả.

Loại phân được sử dụng nhiều nhất hiện nay là u-rê, SA, DAP, lân super, lân nung chảy, NPK, phân bón lá các loại. Tuy nhiên, nhiều hộ chỉ sử dụng u-rê và DAP trong suốt cả vụ, trong khi đây là 2 loại phân chỉ để bón thúc cây con và đẻ nhánh, còn khi bón đòng phải sử dụng NPK. Theo Tiến sĩ Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia): "Nếu chỉ sử dụng u-rê và DAP trong suốt cả vụ thì cây lúa chỉ được cung cấp đạm và lân. Cách bón này kéo dài sẽ gây ra hiện tượng một số chất dinh dưỡng cây lúa cần sử dụng nhiều nhưng không được bón vào sẽ dần cạn kiệt gây nên hiện tượng mất cân đối dinh dưỡng trong đất, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng phân bón, giảm năng suất và chất lượng lúa gạo. Đa số nông dân ở ĐBSCL chưa nắm bắt được tỷ lệ các chất dinh dưỡng nên sử dụng phân bón rất mất cân đối, trên 50% nông dân sử dụng thừa đạm, nhất là vào giai đọan đẻ nhánh, làm đòng khiến cho lúa thường bị nhiều sâu bệnh, lốp đổ, thời gian trổ bông kéo dài, chất lượng lúa gạo giảm". Ông Phụng đưa dẫn chứng, tại các tỉnh Đồng Tháp Mười, trên 50% nông dân bón thừa đạm, nhất là vào cuối vụ nên lúa bị sâu bệnh rất nhiều, yếu cây, hạt đen, lép, thất thu năng suất. Đặc biệt, vụ đông xuân (2008-2009) vừa qua, lượng phân đạm được nông dân ở đây sử dụng khá cao (109 - 112N), cá biệt có hộ bón tới 273 kgN/ha. Ngay cả 2 mô hình Tuyên Thạnh và thị trấn Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa, Long An), nơi được tập huấn ngay từ đầu vụ cho cán bộ kỹ thuật tham gia sản xuất, bà con nông dân vẫn có thói quen ham bón phân.

… Cần một định hướng

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: "Việc khuyến cáo bón phân giống nhau với cả vùng rộng lớn như hiện nay là không phù hợp cho việc nâng cao hiệu quả phân bón, bởi điều kiện đất đai, sâu bệnh, cỏ dại… rất khác nhau trong vùng rộng lớn này. Do đó cần phải chia ra những vùng nhỏ hơn, ở đó các điều kiện nêu trên là gần giống nhau, và khuyến cáo phân bón phải theo những điều kiện cụ thể trong những vùng nhỏ như thế mới nâng cao được hiệu quả đầu tư phân bón.

Như vậy, để xây dựng tiêu chí xác định tiểu vùng, trước hết tiểu vùng đó phải có điều kiện đất đai, cơ cấu cây trồng, chế độ tưới tiêu, nguồn nước cung cấp, cỏ dại thường gặp, thời tiết… giống nhau. Sau khi xác định tiểu vùng, việc tiếp theo phải xác định năng suất, mục tiêu. Đây là việc làm hết sức quan trọng, bởi nếu xác định sai mục tiêu chúng ta sẽ quyết định sai lượng phân cần bón.

Do đó, để giúp nông dân có điều kiện thực hiện bón phân theo phương pháp "4 đúng" (đúng phân; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách) một cách tốt nhất, các nhà khoa học phải xác định được các tiểu vùng hoặc các vùng đặc thù, đồng thời đưa ra các thông số về nhu cầu dinh dưỡng, lượng dinh dưỡng cung cấp từ đất, lượng phân cần bón…  



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường