Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thành công với cà phê hữu cơ
26 | 05 | 2020
Nâng cao giá trị hạt cà phê bằng phương thức canh tác mới đã giúp chàng trai trẻ Lê Văn Vương thành công trong việc thay đổi tư duy canh tác bao đời của người trồng cà phê

Năm nay 36 tuổi, Lê Văn Vương lớn lên cùng với vườn cà phê tại một xã thuộc TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Có lẽ, cây cà phê đã gắn liền với tuổi thơ của Vương và cũng nuôi dưỡng những ước mơ khởi nghiệp của chàng trai Tây Nguyên này.

Bỏ phố về rừng

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3 tại TP HCM, Vương bắt đầu rong ruổi với những dự án cầu đường và các công trình xây dựng. Ngành xây dựng tuy vất vả nhưng đã rèn luyện cho Vương ý chí vươn lên mạnh mẽ bởi áp lực về thời gian thi công, áp lực về bảo đảm chất lượng công trình và khả năng kết nối các bộ phận dự án đã giúp Vương khẳng định được khả năng làm việc của mình. Nhận thấy mình đủ chín chắn để khởi nghiệp, Vương bắt đầu dự án riêng của mình, song nhanh chóng thất bại. Mất đi nhiều vốn liếng sau nhiều năm dành dụm nhưng điều đó không khiến Vương chán nản, trái lại càng khiến anh quyết tâm hơn.

Lớn lên tại thủ phủ cà phê của cả nước, nơi bạt ngàn cà phê và cũng được đánh giá cao về tiềm năng, sau va vấp đầu đời, Vương quyết định tìm cơ hội ngay trên mảnh đất quê hương. Đầu năm 2012, Vương trở về Đắk Lắk và làm nhân viên kinh doanh cho 2 hãng cà phê tại địa phương để học hỏi kinh nghiệm và thâm nhập thị trường. Khi đó, thị trường cà phê cũng lên xuống thất thường bởi người trồng luôn phải phụ thuộc vào thương lái. "Tôi thấy chất lượng thu hoạch chưa ổn và việc quá phụ thuộc vào thương lái đã làm cho người trồng cà phê khó làm giàu trên mảnh đất của mình. Tại sao mình không làm cà phê chất lượng cao, cà phê organic để nâng giá trị nông sản này" - Vương đặt câu hỏi. Sau một thời gian dài tìm hiểu thông tin liên quan đến cây cà phê và thị trường cà phê, Vương quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Vương Thành Công. Vương kể nhiều người tò mò cái tên công ty nhưng Vương chỉ nói đại khái đó là cái đích mà mình phải đến.

Thành công với cà phê hữu cơ - Ảnh 1.

Lê Văn Vương (thứ 2 từ trái sang) chụp hình với các bạn quốc tế đến tìm hiểu cà phê hữu cơ

Cà phê vì sức khỏe

Vương cho rằng để cạnh tranh về quy mô thì mình không thể bởi thị trường đã có nhiều "ông lớn" trong ngành "ôm" hết. Vương dành nhiều thời gian đi đến các vùng cà phê nổi tiếng để học hỏi cách trồng, chăm sóc, tìm hiểu thổ nhưỡng... Nhiều vùng cà phê nổi tiếng đã in dấu chân Vương và "một báo cáo" chi tiết chính mình soạn cho mình để mở hướng riêng. Đó là hướng xanh và sạch. "Đây cũng là xu hướng tiêu dùng không chỉ dành cho người có nhiều tiền mà đang là sự lựa chọn của người tiêu dùng thông thái. Tôi quyết định len chân vào thị trường ngách, nơi có những khách hàng thích cà phê hữu cơ, tốt cho sức khỏe của họ. Tôi biết đó là một quyết định mạo hiểm bởi nhiều bài học nhãn tiền đi theo hướng này đã thất bại. Tôi không nghĩ mình sẽ bị cuốn vào vết xe đổ đó" - Vương khẳng định.

Để có sản phẩm sạch, trước tiên cần vùng nguyên liệu sạch. Để có được sản phẩm hữu cơ, trước tiên đất trồng cũng phải hữu cơ trong khi thói quen bón phân hóa học đã tàn phá thổ nhưỡng tại nhiều vùng chuyên canh cây cà phê. Vương đi tìm các chủ vườn cà phê có thổ nhưỡng tốt, có địa thế theo tiêu chuẩn để làm cà phê sạch theo hướng hữu cơ. Đi gặp nhiều nhưng chủ vườn từ chối cũng không ít. Họ không hiểu nhiều về khái niệm hữu cơ và cũng chẳng quan tâm đến giá trị nông sản hữu cơ bởi họ lo làm như thế năng suất sẽ không cao. "Cuối cùng tôi cũng thuyết phục được một chủ vườn tham gia chuỗi trồng cà phê hữu cơ của mình. Mừng lắm, khi đó, tôi biết mình đã thành công được một nửa. Nếu mình kiên trì theo đuổi, ánh sáng sẽ đến ở cuối đường hầm" - Vương nói.

Sau một năm kiên trì thể hiện tâm huyết, nỗ lực của Lê Văn Vương cùng người nông dân cũng được đền đáp xứng đáng ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên. Sản lượng thu hoạch tương đương với cách trồng cà phê thông thường. Chủ vườn nhận thấy vườn cà phê của mình còn xanh tốt hơn trước đây. Nhân cà phê thu hoạch có giá bán cao hơn 40% so với cách canh tác thông thường. Thành công ban đầu đó giúp Vương có thêm nhiều đối tác là chủ vườn xin được hợp tác. Từ 1,4 ha ban đầu, hiện cà phê Vương Thành Công phát triển nguồn nguyên liệu trên diện tích 10 ha. Năm 2019, công ty của Vương đạt sản lượng 8 tấn thành phẩm cà phê hữu cơ, mang về nguồn doanh thu đáng kể. Cả người trồng và Vương đều vui mừng với thành quả đó và họ hiểu quả ngọt này bắt đầu từ những giọt mồ hôi của Vương.

Để tìm đầu ra, vị giám đốc trẻ tham gia nhiều sự kiện, triển lãm nông sản organic, quảng bá sản phẩm trên các kênh trực tuyến, bên cạnh mở rộng phân phối qua các đại lý, công ty rang xay. Vương cho biết sản phẩm của công ty hiện tiêu thụ tại hơn 50 tỉnh, thành trong nước nhưng số lượng còn nhỏ giọt. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn tiến phức tạp như hiện nay, hoạt động của công ty Vương vẫn ổn định bởi lượng khách hàng đặt online gia tăng. Đây cũng là kênh bán hàng mà Vương sẽ đẩy mạnh thời gian tới nhằm đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Mới đây, một công ty ở Đức đến tận nơi tìm hiểu, khảo sát và ngỏ ý thu mua cà phê nhưng Vương chưa đủ đáp ứng được đơn hàng. Do đó, Vương mong muốn có nhiều đơn vị cùng hợp tác phát triển cà phê hữu cơ để xuất khẩu nhằm khẳng định giá trị nông sản của hạt cà phê Việt Nam.

Trong năm 2020, mục tiêu của Vương là mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng, đồng thời nghiên cứu các sản phẩm mới như trà, rượu vang làm từ cà phê organic để gia tăng giá trị của hạt cà phê do mình sản xuất.

 



Theo nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường