Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng mạnh trong tháng 5 nhưng xuất khẩu cao su ngắn hạn vẫn được dự báo khó thoát cảnh u ám
12 | 06 | 2020
Sau nhiều tháng liên tiếp sụt giảm cả lượng và giá trị, xuất khẩu cao su tháng 5/2020 đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dần quay về quĩ đạo sau thời gian "tránh" dịch COVID-19.

Theo vietnambiz.vn

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5 đạt 70.000 tấn, trị giá 84 triệu USD, tăng 65,8% về lượng và tăng 56,6% về trị giá so với tháng 4.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 340.000 tấn, trị giá 470 triệu USD, giảm 30,7% về lượng và giảm 29,6% về trị giá so với cùng kì năm 2019, giá xuất khẩu bình quân tăng 1,6% so với cùng kì năm 2019 lên mức 1.380 USD/tấn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM, cho biết sự phục hồi trong tháng 5 một phần nhờ vào việc một số thị trường tại châu Á đã xuất khẩu bình thưởng trở lại sau thời gian tạm ngưng vì dịch COVID-19, tuy nhiên còn nhiều đối tác châu Âu, Mỹ vẫn chưa "ăn" lại như trước đây.

"Các sản phẩm săm lốp xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản đã ổn định trở lại. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nhựa - cao su dần quay về, các đơn hàng đặt trước đang được giao dịch bình thường khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại. 

Nhưng ở Mỹ hiện vẫn chưa mở cửa nhiều, châu Âu cũng chỉ mở cửa một ít vì dịch bệnh vẫn còn phức tạp", ông Quốc Anh chia sẻ. 

Dù vậy số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy đã có một số tín hiệu lạc quan cho các sản phẩm cao su xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều tăng so với cùng kì năm 2019, trừ SVR 20.

Trong đó, tăng mạnh nhất là cao su tái sinh, tăng đến 50,8% so với 4 tháng của năm 2919,  đạt 779 USD/tấn. Tiếp theo là cao su tổng hợp, tăng 20,8% so với cùng kì năm ngoái, đạt 2.081 USD/tấn.

Theo Ủy ban Cao su Malaysia (MRB) nhận định, doanh số bán lẻ ô tô tháng 4 tại Trung Quốc đã tăng tới 4,4% so với cùng kì năm 2019, sau khi liên tiếp tăng trưởng âm do dịch COVID-19. Nhu cầu tăng lên của thị trường này sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ giá cao su trong tháng 6.

Thêm vào đó, sản lượng cao su tự nhiên năm nay được dự báo giảm khoảng 2,3% so với năm trước, xuống mức 13,43 triệu tấn do các lệnh phong tỏa tại Malaysia.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng tình hình phục hồi cụ thể trong những tháng tới vẫn rất khó dự báo vì nó phụ thuộc về tình hình mở cửa trở lại của thế giới sau dịch bệnh.

Thực tế, trên thị trường thế giới, giá cao su tháng 5 ở mức thấp do nhu cầu giảm. Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cao su có thể sẽ giảm khoảng 10-15% trong quí II/2020 vì mùa thu hoạch cao su ở các nước Đông Nam Á thường vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, trong khi nhu cầu cao su tự nhiên ở các thị trường chủ chốt, nhất là Mỹ và châu Âu dự báo sẽ ở mức thấp trong nhiều tháng nữa. 

Hiện một số nhà máy sản xuất lốp xe tại châu Âu và tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn đóng cửa, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, giá dầu thô ở mức thấp cũng sẽ tác động tới thị trường cao su tự nhiên, do giá cao su tổng hợp sẽ ở mức thấp và cạnh tranh mạnh mẽ với cao su tự nhiên. 

"Những doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cao su, nhựa cung cấp cho các các dây chuyền lắp ráp ô tô, sản xuất máy móc ở nước ngoài đang gặp khó khi nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia có nhà máy, xưởng sản xuất ở Trung Quốc hoặc có nhập khẩu linh kiện của Trung Quốc tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Do đó, họ chỉ có thể sản xuất cầm chừng cho đến khi đối tác hoạt động trở lại vì việc tìm khách hàng mới trong điều kiện hiện nay hầu như không khả thi bởi qui trình để một sản phẩm linh kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu rất khó khăn và mất nhiều thời gian thỏa thuận", Chủ tịch hội cao su - nhựa TP HCM cho hay. 

Trong khi đó, Hiệp hội các hãng sản xuất lốp ô tô Ấn Độ (ATMA) cảnh báo, các qui định hạn chế nhập khẩu cao su hiện hành của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành lốp ô tô nước này. 

Bất chấp nhu cầu lớn, hiện nhập khẩu cao su vào Ấn Độ vẫn đang phải chịu mức thuế nhập khẩu cao, bên cạnh hàng loạt các điều khoản hạn chế nhập khẩu ngặt nghèo do chính phủ quy định nhằm bảo hộ thị phần cho các doanh nghiệp nội địa.

Doanh số bán ô tô tháng 4 tại Ấn Độ gần như bằng 0 vì chính sách phong tỏa toàn quốc kéo dài từ ngày 25/3/2020 - 17/5.

Bên cạnh đó, số ô tô bán ra trong tháng 4 tại Anh giảm 97,3% so với tháng trước, đạt 4.321 chiếc, mức thấp nhất kể từ năm 1946. 

Riêng việc tiêu thụ ô tô ở Trung Quốc trong cùng thời gian này đã khả quan hơn, doanh số bán ô tô Trung Quốc trong tháng 4 đạt gần 2 triệu chiếc. 

Mặc dù vậy, trong 4 tháng đầu năm 2020, tiêu thụ ô tô của Trung Quốc đạt 5,8 triệu chiếc, giảm 31% so với cùng kì năm 2019 và dự báo cả năm 2020 sẽ giảm 15-20%.

Trước đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh số bán ô tô trên toàn cầu giảm 26% so với cùng kì năm 2019, xuống còn 17,42 triệu chiếc.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngắn hạn, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19 lan khắp thế giới, mối lo ngại về sự suy thoái toàn cầu đang diễn ra, làm giảm cơ hội mở rộng thị trường của cao su Việt Nam.

Bên cạnh đó ngành sản xuất xe hơi suy giảm, dẫn đến sự đình trệ của sản xuất lốp xe, cùng với giá dầu ở mức thấp sẽ gây áp lực lên giá cao su.



Theo vietnambiz.vn
Báo cáo phân tích thị trường