Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giúp nông dân sản xuất cà-phê kết hợp giữ rừng
21 | 04 | 2021

(Nhandan.com.vn)_Trong gần hai năm qua, Dự án Café-REDD đã cấp miễn phí hàng trăm nghìn cây giống cà-phê và các cây trồng xen cho các hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở Lạc Dương (Lâm Đồng) để thực hành mô hình cà-phê nông-lâm kết hợp, vừa nâng cao giá trị vừa phát triển bền vững.

Ngày 26-3, tại sự kiện quảng bá sản phẩm cà-phê Lạc Dương tại Đà Lạt, đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), trong gần hai năm qua, Dự án “Cà-phê Nông-Lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng cho REDD+ ở tỉnh Lâm Đồng” (Café-REDD) đã tiến hành các hoạt động xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị cà-phê thông qua việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất và kết nối doanh nghiệp liên kết. Thông qua các chuỗi cà-phê, giá bán cà-phê của các nông dân Lạc Dương đã tăng từ 17,5% đến 171,4% so với trước đây.

Dự án Café-REDD đã cấp hàng trăm nghìn cây giống cà-phê và các cây trồng xen như cây mắc-ca, cây hồng... cho hàng nghìn hộ gia đình ở Lạc Dương để thực hành mô hình cà-phê nông-lâm kết hợp. Dự án cũng cung cấp các khóa đào tạo về sản xuất cà-phê bền vững, truy xuất nguồn gốc cũng như các máy móc và trang thiết bị cho các tổ hợp tác.

Bên cạnh đó, Dự án cũng tổ chức những hoạt động nhằm quảng bá thương hiệu cà-phê Lạc Dương chất lượng cao, cũng như kết nối các doanh nghiệp để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cà-phê cho người dân.

Các hoạt động đều hướng tới mục tiêu quan trọng là sản xuất cà-phê bền vững mà không làm mất rừng, đồng thời kết hợp với các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cà-phê.

Tính đến nay đã có 15 tổ hợp tác cà-phê bền vững được thành lập và một hợp tác xã cà-phê với hàng trăm hộ gia đình tham gia. Hệ thống truy xuất nguồn gốc tích hợp các công nghệ thông tin, kỹ thuật số tiên tiến đang được áp dụng cho phép người tiêu dùng có thể truy xuất các thông tin từ trang trại tới sản phẩm cà-phê cuối cùng.

Dự án Café-REDD do Tổ chức Sáng kiến Khí hậu quốc tế (ICI) thuộc Bộ Môi trường, bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân (BMU) Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV.

 
 


Báo cáo phân tích thị trường