Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Du lịch Cà phê – Định hướng trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam
27 | 03 | 2021

Nguồn: vntrip.vn

Theo nhóm tác giả ThS. Lê Thị Hồng Thúy và NCS.TS Lê Ngọc Quang, việc có một quy hoạch chiến lược cho du lịch cà phê sẽ mở đường về mặt cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho đặc sản cà phê Việt vượt ra khỏi ranh giới không chỉ một cây công nghiệp có hiệu quả kinh thế cao.

Lời giới thiệu: Sản lượng và sản xuất của cà phê Việt Nam luôn nằm ở top cao trên thế giới trong nhiều năm qua. Sự tăng trưởng đó không chỉ thể hiện ở chất lượng mà còn thương hiệu cà phê Việt. Với tiềm năng phát triển loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao này, cà phê Việt bên cạnh lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu nó còn có giá trị trong việc phát triển một sản phẩm du lịch mang tên – “Du lịch cà phê”.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết: “Du lịch Cà phê – Định hướng trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam” của nhóm tác giả ThS. Lê Thị Hồng Thúy, Khoa Du lịch, ĐH Đông Á, Việt Nam; NCS.TS Lê Ngọc Quang, ĐH Khon Kaen, Thái Lan.

Nghiên cứu này nhằm giới thiệu và cung cấp một hướng tiếp cận chuyên ngành du lịch trong bối cảnh yêu cầu về tính đa dạng của sản phẩm đã trở nên cấp thiết. Nghiên cứu được bố cục theo năm phần. Cụ thể, bài viết đã đề cập đến những tiềm năng để phát triển du lịch cà phê tại Việt Nam, hơn nữa, một số điển hình tốt trên thế giới cũng được cập nhật và phân tích. Từ những điển hình tiên tiến, tác giả đã đúc kết thành bài học kinh nghiệm và hướng phát triển du lịch cho cà phê Việt Nam. Một số khuyến nghị qua cái nhìn cảm quan của hai nhà nghiên cứu sẽ được đề cập ở phần cuối cùng.

1. Mở đầu

Du lịch – một ngành công nghiệp không khói với sự phát triển mạnh mẽ và là chìa khóa quan trọng trong sự thu hút đầu tư, ngoại tệ, việc làm và giải quyết các vấn đề sinh kế của địa phương.

Trên thế giới cũng như Việt Nam, các loại hình du lịch ngày càng được sáng tạo và phát triển đa dạng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Phát triển sản phẩm du lịch hiện nay dựa trên nguyên tắc liên ngành và đa ngành, trong đó, nông nghiệp là một trong các ngành tiềm năng có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ theo xu hướng thế giới như “du lịch bền vững” hay “du lịch trách nghiệm”,…

Cà phê là một trong các mặt hàng nông sản có giá trị cao trên thế giới. Cà phê Việt Nam là mặt hàng nông nghiệp nổi tiếng thế giới về chất lượng và cả số lượng xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giai đoạn 2020-2030 diện tích trồng cà phê ở Việt Nam có thể đạt đến 600.000 ha và kim ngạch xuất khẩu dự kiến từ 5-6 tỷ đô la. Việt Nam là một trong mười quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong niên vụ 2017-2018 sản lượng cà phê nước ta đạt 30,4 triệu bao, trong đó lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới là 27,9 triệu bao tương đương 1,55 triệu tấn chỉ xếp sau Brazil và là quốc gia có sản lượng cà phê robusta lớn nhất thế giới.

Tất cả điều trên cho thấy cà phê đã và đang là cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam. Cùng với danh tiếng về chất lượng và các đồn điền cà phê lớn, giá trị của cây cà phê không chỉ dừng lại ở mức độ thương mại hay xuất khẩu, mà nó hoàn toàn có thể được áp dụng nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, cụ thể là Du lịch cà phê.

Theo thống kê, có 400 tỷ ly cà phê được tiêu thụ hằng năm trên toàn thế giới, trong đó 140 tỷ ly cà phê được người Mỹ tiêu thụ trong 1 năm và hơn 60% người Mỹ đến tham quan các cửa hiệu, cơ sở sản xuất hoặc đồi cà phê một lần/tháng. Ngày nay cả du khách quốc tế và Việt Nam, nhiều người xem việc đi du lịch là một cách để làm giàu thêm vốn tri thức.

Cụ thể, du khách lồng ghép việc đi du lịch với sự học hỏi về nông nghiệp, về cà phê với kiến thức liên quan đến thực hành canh tác, điều kiện tự nhiên, cách thức sản xuất,…để áp dụng trong hoạt động canh tác của họ.

Ngoài ra, cà phê là thức uống yêu thích của hầu hết mọi người, vì vậy tạo ra một môi trường thưởng thức, tìm hiểu văn hóa cà phê của một địa danh bên ngoài cũng chính là một nhu cầu thực sự đáng kể.

Du lịch cà phê cũng giúp các địa phương thúc đẩy phát triển các sản phẩm cà phê như quà lưu niệm và các loại đồ uống khác nhau để nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách. Thưởng thức cà phê tại không gian bản địa không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn giúp nâng cao danh tiếng và sự tiêu thụ cà phê địa phương tại Việt Nam sau khi du khách trở về nhà.

Mặc khác, cây cà phê Việt Nam được trồng trọt tại các tỉnh đặc thù ở Tây Nguyên – nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú cả về tự nhiên và văn hóa. Đây chính là cơ sở tiền đề để phát triển mạnh sản phẩm du lịch cà phê với các sản phẩm đi kèm. Tài nguyên thiên nhiên của Tây Nguyên vô cùng đa dạng với hệ thống các cao nguyên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, cảnh sắc phong phú với hệ thống thác nước, sông suối, biển hồ,…

Cùng với đó, sự đa dạng trong văn hóa cũng tạo cho vùng đất đỏ bazan trở nên sống động và thu hút. Tây Nguyên là nơi cư ngụ của 47 dân tộc anh em, mang đậm các giá trị văn hóa của người dân vùng cao như kiến trúc, nét sinh hoạt và các tập tục đặc sắc.

Hơn nữa, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005, đây là một điểm sáng để khai thác trong việc phát triển loại hình du lịch cà phê tại vùng cao nguyên này.

Đồng thời, hoạt động du lịch cà phê có thể tận dụng các cơ sở sản xuất, đồn điền cà phê và nguồn lao động bản địa hay tạo thêm nhiều cơ hội việc làm nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương.

2. Du lịch cà phê – nhìn từ thế giới

Du lịch cà phê là hình thức du lịch dựa vào sự khai thác các giá trị của cà phê như hương vị, sản phẩm và cả những giá trị lịch sử và văn hóa bản địa. Du lịch cà phê có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trên thế giới.

Tuy nhiên tại Việt Nam loại hình du lịch này mới chỉ phát triển ở giai đoạn sơ khai và cần sự quan tâm từ nhiều phía (nhà nước, doanh nghiệp và người dân) để “kích hoạt” loại hình du lịch này phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Cà phê được phát hiện lần đầu tiên vào năm 850 sau công nguyên tại Ethiopia, châu Phi. Với hương vị hấp dẫn và đặc trưng riêng, cây cà phê bắt đầu được trồng trọt ở các thuộc địa Ả Rập, sau đó được mở rộng ở nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sự tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ và sản phẩm cà phê, cùng với các vùng quy hoạch trồng trọt và sản xuất cà phê, đã thúc đẩy hình thành một loại hình du lịch lạ với thị trường khách hàng không giới hạn – Du lịch cà phê.

Từ những năm 1920-1930 hoạt động du lịch tại Châu Âu được thúc đẩy phát triển, một số “old coffee house” tại Viên nước Áo đã ra đời như một điểm tham quan cho du khách yêu thích hoặc mong muốn kinh doanh cà phê. Sau đó, với nhu cầu tham quan du lịch tăng cao, một số Bảo tàng và Công viên giải trí cà phê đã được xây dựng để phục vụ nhu cầu thị trường.

Tại Châu Âu, một số bảo tàng cà phê nổi tiếng như Bảo tàng Burg Coffee ở thành phố Hamburg, Đức và Bảo tàng Chicco d’Oro Coffee ở thành phố Balerna ở Thụy Sĩ. Các bảo tàng này đều thu hút phần lớn hai đối tượng du khách chính là người sưu tập, yêu thích cà phê và các doanh nhân muốn kinh doanh sản phẩm cà phê.

Trong khi đó, tại Châu Mỹ, Công viên cà phê quốc gia Montenegro được xây dựng vào năm 1995 với tổng diện tích 125 hecta. Đây là công trình tổ hợp gồm bảo tàng cà phê và các hoạt động vui chơi ngoài trời để du khách có thể tìm hiểu về lịch sử và văn hóa trồng trọt của cây cà phê.

Hiện nay, Công viên này vẫn là công viên cà phê lớn nhất thế giới và là địa điểm nổi tiếng thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi năm.Khi đề cập đến du lịch cà phê không thể không nhắc đến khu Tam giác cà phê Colombia (Coffee Triangle region), được mệnh danh là loại cà phê tốt nhất thế giới với số lượng xuất khẩu nằm trong top 5 của thế giới.

Vì sao du lịch cà phê Colombia phát triển thành công?

Điều kiện thời tiết, khí hậu và đất đai nơi này là điều kiện thuận lợi cho việc trồng trọt và sản xuất cà phê cũng như phát triển dịch vụ – du lịch liên quan đến nó. Đồng thời, Colombia đã thúc đẩy nhận thức của cộng đồng và văn hóa trồng cà phê, sản xuất và uống cà phê trở thành đặc trưng bản sắc riêng của người dân xứ này. Điều đó, tạo nên một thương hiệu cà phê nổi trội và bền vững trên chính nền văn hóa bản địa. Quan trọng hơn chính phủ Colombia đã đưa ra các chính sách để xây dựng kế hoạch, thực hiện và kiểm soát trong việc phát triển loại hình du lịch cà phê theo hướng bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Văn hóa và Du lịch Colombia đã phân loại du lịch cà phê là du lịch sinh thái, đồng thời lồng ghép văn hóa cà phê bản địa trong tất cả các chương trình du lịch khi khách đến vùng Coffee Triangle. Chính quyền khuyến khích người dân tham gia hoạt động du lịch, đặc biệt nông dân được khuyến khích tham gia hướng dẫn các chương trình tham quan đồn điền đồng thời giới thiệu văn hóa cà phê bản địa đến du khách. Bộ kinh tế, Bộ Văn hóa – Du lịch và Hiệp hội trồng cà phê nước này đã liên kết chặt chẽ với nhau khi quảng bá Sản phẩm cà phê – Du lịch ra thế giới thông qua các kênh truyền thông và lễ hội.

Thưởng thức các loại cà phê tại Bali, Indonesia. (Nguồn: Jojo Bali Tour).

Thưởng thức các loại cà phê tại Bali, Indonesia. (Nguồn: Jojo Bali Tour).

Trong khi đó, một số quốc gia xuất khẩu cà phê lớn tại Châu Á như Thái Lan, Indonesia đã và đang định hướng du lịch cà phê trở loại hình du lịch đặc trưng. Ở Indonesia, loại hình du lịch cà phê đã trở thành một sản phẩm tour chuyên biệt không thể bỏ lỡ khi du khách đến với “quốc gia vạn đảo”.

Một số điểm du lịch cà phê có thể kể đến như Takengon, Lampung, Ambarawa, Bali, Toraja, Manggarai…Những địa danh này chính là các thủ phủ của cây cà phê tại Indonesia, với các điều kiện địa lý khác nhau đã tạo ra hương vị cà phê đặc trưng riêng của từng vùng.

Nhân tố này đã giúp “quốc gia vạn đảo” phát triển mạnh loại hình du lịch cà phê như hiện nay. Những hoạt động du lịch điển hình như tham quan quy trình sản xuất cà phê truyền thống và hiện đại, tự tay tham gia vào quy trình tạo ra cà phê từ lúc tự tay trồng cây non cho đến tự pha chế một ly cà phê thành phẩm.

Thưởng thức các loại cà phê tại Bali, Indonesia. (Nguồn: Jojo Bali Tour).

Thưởng thức các loại cà phê tại Bali, Indonesia. (Nguồn: Jojo Bali Tour).

Thế mạnh của du lịch cà phê tại Indonesia là sự đa dạng về hương vị và văn hóa cà phê. Với lãnh thổ hơn 13.000 hòn đảo lớn nhỏ và 300 sắc tộc khác nhau đã hình thành quốc gia đa văn hóa, khí hậu và thổ nhưỡng. Do đó, các chủng loại cà phê được trồng trọt đa dạng và mang nhiều hương vị khác nhau. Trong đó cà phê chồn là một trong các sản phẩm đặc trưng của cà phê Indonesia.

Tuy nhiên, du lịch cà phê Indonesia phát triển không chỉ dựa vào các yếu tố trên mà chính phủ nước này đã có nhiều chính sách thúc đẩy cho sự phát triển của loại hình du lịch này. Cụ thể, Indonesia chú trọng sự đa dạng các sản phẩm đi kèm của du lịch cà phê như loại hình lưu trú bao gồm homestay, villa, hostel hay khách sạn,… trong đó, sự đa dạng của loại hình homestay là nhân tố quan trọng trong việc thu hút số lượng lớn đối tượng khách, đặc biệt là giới trẻ, muốn tận hưởng văn hóa địa phương, gần gũi thiên nhiên.

Các cửa hàng cà phê cũng được đầu tư ấn tượng, độc đáo để du khách vừa thưởng thức cà phê vừa đắm mình trong khung cảnh núi rừng bát ngát với đầy đủ mọi hương vị cà phê của địa phương. Indonesia đã xây dựng cho mình thương hiệu du lịch gắn liền với các tài nguyên tự nhiên như núi rừng và biển đảo, do đó khi nhắc đến du lịch cà phê của Indonesia, du khách sẽ hình dung đến khung cảnh thưởng thức cà phê ở giữa núi rừng. Thương hiệu này giúp ngành du lịch định vị được bản sắc độc đáo riêng, từ đó dễ dàng đạt được những thành công nhất định trong loại hình du lịch mới này.

Tại nước láng giềng Thái Lan, với sự hỗ trợ từ chính phủ, các chiến lược thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cà phê với cộng đồng đang được nhân rộng. Điển hình một số địa danh du lịch cà phê nổi tiếng ở vùng phía Bắc Thái Lan như Làng du lịch cà phê cộng đồng Doi Chang, Doi Tung ở tỉnh Chiang Rai, Doi Ang Khang ở tỉnh Chiang Mai, Baan Huya Hom ở tỉnh Mae Hong Son, tỉnh Lampang…

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Thái Lan năm 2018, tại làng du lịch Mae Kampong tại tỉnh Chiang Mai số lượng du khách tham gia du lịch cộng đồng cà phê là gần 10.000 du khách/năm và hơn 80% lượng du khách sử dụng thêm dịch vụ lưu trú.

Tại đây, các hộ nông dân trồng cà phê và người dân địa phương cùng tham gia vào các hoạt động du lịch càng tạo nên sự đa dạng trong các chương trình tour. Sự liên kết chặt chẽ giữa người dân địa phương với các công ty lữ hành đã tạo ra sản phẩm chương trình tour hài hòa và đồng nhất.

Tại làng du lịch Mae Kampong, Chiang Mai, sau khi công ty lữ hành đưa khách đến làng, thì chính người dân sẽ thực hiện các hoạt động tiếp theo bao gồm đưa khách đi tham quan tìm hiểu về canh tác đồn điền, thưởng thức cà phê và tìm hiểu văn hóa bản địa. Có thể nói, lao động phục vụ du lịch chiếm 80% là người dân địa phương, đây cũng là chính sách khuyến khích từ nhà nước.

Ngoài ra, chính phủ cũng quy định sự đầu tư du lịch vào Baan Mae Kampong phần lớn từ chính quyền và người dân địa phương, hạn chế nhận đầu tư từ các doanh nghiệp bên ngoài và có chính sách đặt biệt để hạn chế việc chuyển giao quyền sử dụng đất của địa phương ra bên ngoài. Các chính sách này đảm bảo tránh sự cạnh tranh cơ hội việc làm và thu nhập của người dân, đồng thời đảm bảo chặt chẽ việc quản lý các nguồn tài nguyên du lịch phát triển một cách bền vững.

Những người phụ nữ Akha thu hoạch cà phê tại Doi Chaang, Thái Lan. (Nguồn: Chiang Rai Times).

Cùng với đó là chính sách truyền thông mạnh mẽ của chính phủ Thái Lan, ngoài hoạt động truyền thông trên các kênh du lịch nổi tiếng, truyền hình, tạp chí… Hoạt động du lịch này cũng được truyền thông thông qua các hoạt động học tập, kiến tập hay các chuyến đi thực tế của học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế về mô hình du lịch cộng đồng. Đây có thể được xem là chính sách truyền thông hiệu quả cả về chiều sâu và chiều rộng.

Sinh viên đang thưởng thức và tham quan đồi cà phê tại Mae Kampong, Thái Lan. (Nguồn: Tác giả).

3. Hướng phát triển cho du lịch cà phê Việt Nam

Du lịch cà phê Việt đã bắt đầu phát triển trong những năm gần đây, du khách được thưởng thức và trải nghiệm không gian cà phê, hòa mình vào văn hóa cà phê tại các trung tâm cà phê lớn.

Một vài doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã bắt đầu xây dựng những tuyến du lịch trên cơ sở lấy cà phê làm trung tâm, không gian cà phê làm điểm đến như “coffee tour”. Một điểm du lịch độc đáo liên quan đến cà phê có thể kể đến như Làng du lịch cà phê Trung Nguyên. Làng du lịch này là một điểm đến mang phong cách Tây Nguyên có sự đan xen giữa những giá trị văn hóa lịch sử bản địa cũng như mang lại trải nghiệm cho du khách với nhiều phong cách cà phê thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia, Italia, Nhật Bản, Brazil…

Tuy du lịch cà phê đã ít nhiều nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và cả du khách, nhưng mức độ phát triển của loại hình du lịch mới chỉ dừng lại ở cấp độ “khởi điểm”.

Hiện tại vẫn chưa có bất kỳ một thống kê cơ bản nào về số lượng du khách (trong nước và quốc tế) cũng như số lượng điểm, tuyến điểm du lịch liên quan đến cà phê đã được triển khai. Để phát triển loại hình du lịch này và biến nó trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi giá trị du lịch Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng, vậy ngành du lịch cần phải làm gì để thúc đẩy và phát triển du lịch cà phê?

Để du lịch cà phê phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Các bên liên quan (stakeholders) việc đầu tiên cần nhận thức đúng đắn và thấu đáo về loại hình này trong mối tương quan và có kế thừa từ những điển hình tốt trên thế giới.

Từ kinh nghiệm thực hành phát triển và nghiên cứu về du lịch cà phê trên thế giới và tại Việt Nam, các tác giả đã đưa ra một số hướng phát triển cho du lịch cà phê trong ngắn hạn và dài hạn như sau:

Ngắn hạn: xây dựng được nhận thức “đại đồng” về du lịch cà phê. Tức là trong giai đoạn ngắn hạn tầm 5 năm đến, đại bộ phận người dân tại khu vực chuyên canh cà phê và doanh nghiệp cần có nhận thức thấu đáo về loại hình du lịch này.

Họ có thể thấy được vai trò và đặc thù khi triển khai du lịch cà phê. Nhận thức này sẽ dần được phổ quát và lan tỏa đến những bộ phận, hoạt động du lịch khác để tạo sự cộng hưởng trong chuỗi cung ứng du lịch.

Kinh nghiệm từ du lịch cộng đồng (community tourism) tại một số quốc gia cho thấy nếu mức độ nhận thức cộng đồng cao về sản phẩm du lịch thì hiệu quả kinh tế và tác động tích cực của nó đến cộng đồng sẽ tỷ lệ thuận theo đó.

Với mục tiêu ngắn hạn, cơ chế phát triển đặc thù cần được xem xét khi quy hoạch tổng thể cho loại hình du lịch này. Nhà nước cần phối hợp với các viện, trường đại học và những tổ chức nhằm nghiên cứu, đánh giá tổng thể hiện trạng để tìm ra những bằng chứng thực tế cung cấp cho đơn vị hoặc cá nhân hoạch định và quy hoạch chính sách.

Trong giai đoạn này, bước đầu xây dựng những chương trình du lịch (tours) lấy cà phê và giá trị cà phê làm trọng tâm. Khác với trước đây địa điểm liên quan đến cà phê chỉ là điểm dừng chân, hoặc điểm phụ trong một chương trình du lịch.

Dài hạn: Đây là giai đoạn trọng yếu để có thể chuyển tiếp du lịch cà phê hướng đến việc phát triển bền vững. Về mặt nhận thức, du lịch cà phê cần hướng đến việc xác thực nhận thức xã hội hóa với loại hình du lịch này. Cộng đồng du lịch ở cấp độ liên vùng hoặc quốc gia có thể đã nhận thức rõ về du lịch cà phê và giá trị mà nó mang lại. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết liên vùng, du lịch cà phê trở thành điểm/tuyến du lịch quan trọng ở khu vực Tây Nguyên và vùng phụ cận.

Tạo thương hiệu riêng biệt chương trình du lịch cà phê, có thể tham khảo như: Độc đáo Cà phê Việt, Hương vị Cà phê Việt Nam… Kết nối với những chuỗi sản phẩm du lịch đã có thương hiệu trong khu vực lân cận như Con đường Di sản miền Trung để tạo tính đa dạng của chuỗi cung ứng. Truyền thông mạnh mẽ những điểm đến đặc thù như bảo tàng cà phê, hoặc sự kiện, triển lãm, hoặc nghiên cứu về cà phê Việt. Sự đặc thù sẽ giúp định vị được sản phẩm du lịch cà phê trong bản đồ du lịch Việt Nam hoặc trong sự cạnh tranh với các nước đã và đang phát triển du lịch cà phê như Thái Lan hay Indonesia.

Sự khẳng định những thương hiệu cà phê Việt Nam như Trung Nguyên… có vai trò nòng cốt để phát triển song hành giữa công nghiệp và du lịch cà phê. Những sự kiện thương mại quảng bá của những thương hiệu lớn phải nên lồng ghép nhằm quảng bá sản phẩm du lịch. Nếu Thái Lan hay Indonesia tập trung vào khai thác quy trình sản xuất để tạo điểm nhấn trong phục vụ du khách thì Việt Nam nên tối đa hóa các giá trị của thương hiệu và lịch sử mà cà phê mang lại. Đây cũng là cách mà nhiều trung tâm du lịch cà phê lớn ở Châu Âu đang áp dụng.

4. Khuyến nghị

Dưới đây, các tác giải sẽ đề xuất những khuyến nghị nhằm đưa ra một cơ sở khoa học tham khảo cho sự phát triển của du lịch cà phê tại Việt Nam.

Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý về du lịch: Đây là đề xuất ở cấp độ vĩ mô khi vai trò của nhà nước và nhà hoạch định chính sách là vô cùng quan trọng. Hiện nay vẫn chưa có một cơ chế đặc thù cho du lịch cà phê cũng như cơ chế liên kết của nó với các loại hình du lịch khác với các nhóm ngành công nghiệp. Cơ chế đặc thù sẽ cho phép mở đường cho quy hoạch liên vùng và liên ngành, tạo thuận lợi về thị trường, thuế và đầu tư.

Như đã trình bày ở trên, việc có một nhận thức đại đồng trong toàn xã hội sẽ tạo động lực để xã hội hóa du lịch cà phê. Tạo một cơ chế đồng thuận từ giữa ba nhà: Nhà nước-doanh nghiệp-người dân trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù này. Bên cạnh đó, khác với những sản phẩm du lịch khác.

Cây cà phê chỉ được trồng tại một số vùng tiêu biểu tại Việt Nam như Tây Nguyên nên yếu tố liên kết vùng du lịch trong chuỗi giá trị và cung ứng cũng cần phải đặc thù. Đề xuất này cần có sự “dẫn lối” của những cơ quan hoạch định chính sách như Bộ VHTTDL và các Sở ban ngành có liên quan. Nhằm đưa du lịch cà phê nằm trong chỉnh thể quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch ở các địa phương mà có sản lượng và xuất khẩu cà phê lớn ví như tỉnh Đắk Lắk…

Việc có một quy hoạch chiến lược cho du lịch cà phê sẽ mở đường về mặt cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho đặc sản cà phê Việt vượt ra khỏi ranh giới không chỉ một cây công nghiệp có hiệu quả kinh thế cao.

Thứ hai, đối với Hiệp hội Du lịch và Doanh nghiệp: Cần kết nối đa ngành, đa lĩnh vực trong chuỗi cung ứng du lịch cà phê ví dụ đơn vị kinh doanh lữ hành, điểm đến, vận tải, lưu trú và có thể bao gồm cả doanh nghiệp cà phê Việt. Tính kết nối phải đảm bảo nguyên tắc đồng bộ để tạo ra một gói sản phẩm du lịch hài hòa mang phong vị riêng của cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó, không gian lãnh thổ du lịch cần được xem xét nhằm cho phép du lịch cà phê liên kết chặt chẽ với chuỗi tuyến-điểm du lịch và các khu vực lân cận. Doanh nghiệp du lịch cần tranh thủ sự ủng hộ của chính sách để mở rộng đầu tư nhằm tập trung hơn cho du lịch cà phê.

Thứ ba, đối với cộng đồng khoa học: Sở dĩ ý kiến từ góc nhìn khoa học được đề cập tại đây vì khi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia thì họ đã có những nghiên cứu thực chứng bài bản từ các học giả về du lịch cà phê. Nghiên cứu về nó, hiểu về nó để đưa ra những bằng chứng học thuật trong sự đối sánh với các khảo sát thực tiễn sẽ cho chúng ta có một cái nhìn đa chiều và phổ quát. Giá trị nghiên cứu liên quan sản phẩm du lịch này như là công cụ bổ trợ trong việc giúp nhà chính sách đề xuất những quy hoạch du lịch ở cấp chiến lược.

Thứ tư, đối với cộng đồng địa phương: Như trình bày ở trên, người dân trong không gian tổ chức lãnh thổ du lịch cà phê cần lan tỏa giá trị và nâng cao nhận thức, hướng đến một nhận thức đại đồng cho loại hình du lịch đặc thù này. Cộng đồng địa phương cũng là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện sản phẩm du lịch, bên cạnh doanh nghiệp du lịch. Địa phương và cả doanh nghiệp du lịch nên phối hợp mở những lớp học tập cộng đồng về khai thác, phổ biến kiến thức về du lịch cà phê.

5. Kết luận

Du lịch cà phê sẽ là gom màu sáng trong bức tranh tổng thể của du lịch Việt trong thời gian tới. Một bức tranh có sự thống nhất trong đa dạng của sản phẩm, loại hình và cả quy hoạch du lịch. Việc khai thác và phát triển loại hình du lịch này thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào nghiên cứu và hiểu biết sâu sắc về nó. Vì vậy, bài viết có thể coi như một tham khảo thú vị về du lịch cà phê trong sự đối sánh và phát hiện với các trung tâm du lịch trong khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anbalagan, K., & Lovelock, B. (2014). The potential for coffee tourism development in Rwanda–Neither black nor white. Tourism and hospitality Research, 14(1-2), 81-96.

2. Lyon, S. (2013). Coffee tourism and community development in Guatemala. Human Organization, 72(3), 188-198.

3. Martínez, N. M. (2016). Towards a network place branding through multiple stakeholders and based on cultural identities. Journal of Place Management and Development.

4. Setiyorini, H. D. (2019). Coffee Tourism Development Potential: Benefit and Consequences. Paper presented at the 3rd International Seminar on Tourism (ISOT 2018).

5. Smith, N., Suthitakon, N., Gulthawatvichai, T., & Karnjanakit, S. (2019). Creating a coffee tourism network in the north of Thailand. Local Economy, 34(7), 718-729.

6. TCTK. (2019). Niên giám thống kê Việt Nam 2018. doi: https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&idmid=5&ItemID=19298

7. Woyesa, T., & Kumar, S. (2020). Potential of coffee tourism for rural development in Ethiopia: a sustainable livelihood approach. Environment, Development and Sustainability, 1-18.

Theo Minh Anh / Travelmag

 

 



Báo cáo phân tích thị trường