Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững
15 | 03 | 2021

Nguồn:baokontum.com.vn

Chuyển đổi nông nghiệp bền vững hay còn gọi là Dự án VnSAT được triển khai trên địa bàn tỉnh ta từ năm 2016 với mục tiêu định hướng và hỗ trợ người dân thực hiện sản xuất cà phê bền vững. Qua 5 năm thực hiện, Dự án đã góp phần làm thay đổi nhận thức và thúc đẩy sản xuất của người trồng cà phê theo hướng canh tác bền vững, giảm sự tác động lên môi trường.

Ông Trần Văn Chương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc triển khai chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững nhằm mang lại sự chuyển biến tích cực trong tư duy và phương thức sản xuất của người nông dân. Tại tỉnh ta, Dự án được triển khai từ năm 2016 trên địa bàn 17 xã của 3 huyện là Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plông với nhiều nội dung như: Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững; hỗ trợ chi phí lắp đặt công nghệ tưới nước tiết kiệm; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, sân phơi, nhà kho, máy móc, thiết bị) cho các hợp tác xã, tổ hợp tác. 5 năm qua, Dự án đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, nhất là tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng cà phê và thu nhập của nông dân.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 năm qua, Dự án VnSAT đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho hơn 4.500 hộ dân với tổng diện tích cà phê trồng mới và tái canh trên 4.126ha; hỗ trợ lắp đặt công nghệ tưới nước tiết kiệm cho 40 hộ dân của Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Bình Minh (xã Hà Mòn) và Tổ hợp tác Liên kết Đăk Long (xã Đăk Long) của huyện Đăk Hà. Dự án cũng hỗ trợ cho một số hợp tác xã nâng cấp đường nội đồng, xây dựng sân phơi, nhà kho và thiết bị, máy móc cần thiết để hiện đại hóa sản xuất và có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, Dự án hỗ trợ xây dựng 3 vườn ươm giống cà phê đạt tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu tái canh và trồng mới của người dân trong và ngoài vùng dự án.

Người trồng cà phê ngày càng hiểu rõ lợi ích của việc canh tác bền vững. Ảnh: T.H

 

Được sự tiếp sức của Dự án VnSAT, những năm qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) đã mạnh dạn góp vốn đối ứng triển khai lắp đặt công nghệ tưới nước tiết kiệm. Nhờ đó, Hợp tác xã đã giảm được đáng kể chi phí sản xuất, tăng năng suất cà phê, mang lại thu nhập cao hơn cho các thành viên.

Ông Nguyễn Tri Sáu - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã tính toán: Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến giúp giảm được lượng nước tưới khoảng 30% so với phương pháp tưới truyền thống. Đây một trong những giải pháp quan trọng ứng phó với tình trạng thiếu nước tưới, đồng thời, tưới tiết kiệm cũng giúp giảm được lượng phân bón, giảm công làm cũng như về tiền điện, dầu bơm tưới.

Ông Đoàn Văn Chương - Tổ trưởng Tổ hợp tác Bình Minh (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Trước đây, người dân thường canh tác cà phê dựa vào kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau nên có khi tưới quá nhiều nước, bón nhiều phân vô cơ dẫn đến chi phí đầu tư lớn mà năng suất vườn cây không được nâng lên. Từ khi tham gia dự án, các thành viên của Tổ hợp tác đã hiểu và áp dụng đúng quy trình sản xuất bền vững, tưới nước đúng thời điểm, đủ lượng cần thiết, cân bằng giữa lượng phân vô cơ và hữu cơ, phun thuốc trừ sâu sinh học, thu hái cà phê đạt tỷ lệ quả chín cao… So sánh qua các vụ sản xuất, chúng tôi nhận thấy, từ khi áp dụng phương pháp sản xuất mới, lợi nhuận tăng hơn 15 - 20% so với trước đây.

Không chỉ trang bị kiến thức trong sản xuất, chế biến cà phê; 5 năm qua, Dự án VnSAT còn triển khai nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, hoạt động cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và khuyến khích, hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển chuỗi giá trị cà phê một cách bền vững.

Theo ông Trần Văn Chương, với những kết quả tích cực mà chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững mang lại trong thời gian qua, Chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện Dự án tới hết tháng 6/2022. “Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tập huấn trang bị kiến thức cần thiết về sản xuất cà phê bền vững cho người trồng, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, bảo quản cà phê. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung sâu vào việc hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị liên kết, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm hàng hóa ra thị trường. Kinh phí thực hiện ước tính khoảng 100 tỷ đồng”- ông Trần Văn Chương cho biết.

Có thể thấy, việc triển khai Dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh đã góp phần định hướng, nâng cao năng lực sản xuất cho người dân; thúc đẩy việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến cà phê. Qua đó, vừa giúp giảm bớt chi phí sản xuất, tăng thêm lợi ích cho nông dân vừa góp phần bảo vệ môi trường; góp phần thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững.      



Báo cáo phân tích thị trường