Nguồn: baodaklak.vn
Tái canh cà phê đang là việc làm cấp bách để nâng cao chất lượng cà phê Đắk Lắk. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh về các giải pháp cũng như chính sách phù hợp với thực tế.
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất vùng Tây Nguyên, với gần 210.000 ha, trong đó có khoảng 30% diện tích cây cà phê già cỗi cần tái canh. Để "giải cứu" cà phê trước nguy cơ già hóa, tỉnh đã ban hành Kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2014 – 2020 và đã đạt một số kết quả tích cực.
Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất và chất lượng cà phê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Chương trình tái canh cà phê đã đem lại một số hiệu quả như: trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi, góp phần đưa sản lượng từ trên 390.500 tấn năm 2014 lên 476.424 tấn vào năm 2020. Riêng diện tích cà phê tái canh được quản lý tốt về giống và kỹ thuật nên năng suất đạt bình quân 27,96 tạ/ha, tăng khoảng 2,97 tạ/ha so với năng suất cà phê hiện có.
|
Vườn cà phê tái canh của hộ dân ở xã Cư Suê (huyện Cư M'gar). |
Tuy nhiên, diện tích tái canh cà phê không đạt so với kế hoạch của tỉnh, do phần lớn diện tích cần tái canh là của nông hộ, vườn cây là nguồn thu nhập chính do đó việc tái canh một lần sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của các nông hộ trong thời gian dài. Chính vì thế, các hộ dân chưa mạnh dạn thực hiện tái canh cà phê. Bên cạnh đó, với giá cả của một số loại cây ăn quả tăng cao như bơ, sầu riêng thì người dân cũng không mặn mà thực hiện tái canh trên diện tích cà phê bị nhổ bỏ, mà sẽ chuyển sang trồng sầu riêng, bơ và một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn. Theo số liệu của Sở NN-PTNT, tổng diện tích cà phê trồng tái canh của tỉnh đến năm 2020 là 35.408 ha, đạt 85,14% (kế hoạch đến năm 2020 là 41.587 ha). Riêng trong niên vụ cà phê 2019 - 2020, thực hiện 4.492 ha, đạt 61,3%.
Thực hiện Chương trình tái canh cà phê, Đắk Lắk cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, với 7.655 kg hạt giống cà phê lai TRS1 và 110.400 cây giống. Ngoài ra, thông qua Chương trình Hợp tác Công tư (PPP) Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ 50% về chi phí cây giống cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tái canh; Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các đơn vị sản xuất giống trên địa bàn đã hỗ trợ 26.955.829 cây giống cho các huyện, thị xã, thành phố.
|
Đơn cử huyện Cư M’gar là địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh với khoảng hơn 37.800 ha, trong đó nhiều diện tích được trồng từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Giai đoạn 2010 – 2020 trên địa bàn huyện Cư M’gar có khoảng hơn 16.000 ha cà phê cần được chuyển đổi và tái canh, trong đó khoảng 4.700 ha cà phê cần chuyển đổi sang trồng nhóm cây khác do đất đai không phù hợp, độ dốc cao, thiếu nước tưới. Đến nay, huyện mới tái canh được 5.700 ha, đạt 57% kế hoạch.
Hay như TP. Buôn Ma Thuột, tổng diện tích cà phê trên địa bàn hơn 11.311 ha, trong đó diện tích kinh doanh trên 10.819 ha, sản lượng 27.611,2 tấn. Từ năm 2014 – 2020, thành phố thực hiện tái canh, cải tạo cà phê được khoảng 2.317 ha, đạt 86,98% kế hoạch tái canh của tỉnh giao.
Tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" tín dụng
Đối với gói tín dụng cho vay tái canh đã có 13 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cho vay tái canh cà phê theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7-9-2018 của Chính phủ) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay tái canh cà phê đạt 1.736,94 tỷ đồng với 7.594 khách hàng còn dư nợ; tổng diện tích tái canh 7.714 ha. Ngoài ra, cho vay tái canh cà phê theo chương trình Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) của Ngân hàng Thế giới, dư nợ năm 2020 là 69.254 triệu đồng, diện tích tái canh 797 ha.
Mặc dù được hỗ trợ nhưng trên thực tế, người dân vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng về tái canh. Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, nguyên nhân là do nguồn vốn giải ngân theo chu kỳ cây trồng rất nhỏ lẻ. Bình quân mỗi héc-ta cà phê được vay 150 triệu đồng, nhưng chia 3 - 4 lần vay. Trong khi đó, nhu cầu của nông dân lại rất lớn vì vừa tái canh vừa phải chi tiêu. Do đó, để tái canh cà phê hiệu quả, Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh chính sách tín dụng ưu đãi cho phù hợp với thực tế nhằm giảm bớt gánh nặng cho nông dân trong khoảng thời gian tái canh cho đến khi cây cho thu hoạch.
|
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ ba từ phải sang) thăm vườn cà phê tái canh ở xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc). |
Sở NN-PTNT cũng đánh giá, việc khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi là vì tài sản của một số doanh nghiệp chủ yếu là đất thuê của Nhà nước trả tiền hằng năm, trong khi lại chưa có đăng ký tài sản là vườn cây cà phê nên việc đăng ký giao dịch bảo đảm không thực hiện được. Hoặc một số doanh nghiệp nhà nước có vốn tự có thấp, không đáp ứng được quy định về hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu. Cùng với đó là hiện nay giá một số cây ăn quả như bơ, sầu riêng… ở mức cao nên nông dân không muốn tái canh cà phê mà có khuynh hướng trồng xen và cải tạo dần.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Sở NN-PTNT cũng kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng đặc thù cho tái canh cà phê, trong đó ngoài việc ưu đãi hơn về cơ chế lãi suất còn có các cơ chế như: mức cho vay lên đến 80% nhu cầu vốn, thời gian cho vay, thời gian ân hạn trả gốc, trả lãi đủ dài... để tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích hộ dân trồng cà phê tham gia thực hiện trồng tái canh cà phê.
Minh Thuận