Nguồn: baodaklak.vn
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thay vì đi du Xuân cùng bạn bè, người thân thì nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar lại tất bật kéo ống, lắp bơm… để tưới cà phê.
Đêm 30 Tết, sau khi cúng giao thừa, bà Nguyễn Thị Văn (xã Cư Dliê M’nông) liền vội vã ra rẫy cách nhà gần 5 km để thay béc tưới (dạng ống tưới phun mưa). Bà chia sẻ, nhà có gần 3 ha rẫy, năm nay tranh thủ lúc nguồn nước đang dồi dào, gia đình bà quyết định tưới xuyên Tết.
Bởi sau những ngày nghỉ Tết, nhiều người cùng tưới thì lúc đó nước sẽ không về kịp, tưới được một lúc lại hết, làm tốn thời gian và chi phí cao hơn. Vì diện tích rẫy rộng nên bà đã đầu tư giàn béc tưới tự động, chỉ cần kéo ống, lắp béc tưới vào đúng vị trí và nổ máy cho nó tự hoạt động, khoảng 8 tiếng ra thay béc một lần. Tuy vậy, để an tâm bà cũng phải đi kiểm tra thường xuyên, xem ống có bị hở, lượng nước có nhiều, béc có hoạt động bình thường hay không… Vậy nên cả Tết năm nay bà bận rộn và nhiều nỗi lo hơn mọi năm.
“Tưới nước là công đoạn quan trọng nhất, quyết định sản lượng cà phê. Nếu không đủ nước hoặc tưới quá muộn, cây vượt giới hạn chịu đựng và khó phục hồi lại được trạng thái bình thường. Lúc này, cây không đủ khỏe để phân hóa mầm hoa, thậm chí có thể chết”.
Ông Trần Xuân Truyền, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar
|
Cũng không đón một cái Tết trọn vẹn, từ mùng 2 Tết, gia đình ông Trần Xuân Truyền (xã Ea Tar) đã phải kéo ống ra rẫy để lắp bơm tưới nước cho hơn 1.000 gốc cà phê của mình. Ông Truyền cho hay, ngày 29 Tết (âm lịch), trong vùng bỗng xuất hiện một cơn mưa khiến cho hoa cà phê cương lên, tuy vậy lượng mưa không đủ lớn để hoa bung nở, nếu không bổ sung nước kịp cho cây cà phê thì sẽ đối mặt với nguy cơ mất mùa. Vừa hết mùng 1 Tết, ra kiểm tra thấy rẫy cà phê không ổn nên sáng hôm sau ông vội kéo ống, lắp bơm để tưới nước cho vườn cây. Không chỉ ông Truyền, mà năm nay vì điều kiện thời tiết nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng phải trong tình cảnh vừa ăn Tết, vừa… tưới cà phê. Không khó để bắt gặp hình ảnh các chiếc xe công nông chở ống, máy tấp nập trên đường đi ra rẫy những ngày Tết. Bà Nguyễn Thị Huệ (xã Cư Dliê M’nông) ngậm ngùi: “Làm lụng vất vả cả năm trời, ai cũng muốn có một cái Tết thoải mái, trọn vẹn. Thế nhưng, nếu bỏ mặc vườn cây, dẫn đến mất mùa thì năm tới không những “mất Tết” mà còn không có gì ăn”.
Cà phê là loại cây có nhu cầu nước rất cao, vì vậy người trồng phải tốn nhiều công sức, chi phí tưới. Hiện nay, bên cạnh tưới bằng giàn béc quay tự động thì nhiều hộ nông dân vẫn duy trì cách tưới truyền thống là cầm vòi tưới trực tiếp vào cây (hay còn gọi là tưới dí), đặc biệt đối với những hộ có giếng đào cạn, lượng nước ít. Tưới cà phê bằng hình thức này vất vả hơn rất nhiều so tưới béc vì phải canh máy, tự kéo và ráp ống. Ông Thái Văn Hoan (xã Ea Tar) cho biết, gia đình ông tưới bằng giếng đào nên lượng nước có hạn, chỉ tưới được khoảng 6 - 7 tiếng/ngày. Mỗi lần chỉ tưới được khoảng 2 - 3 tiếng, ban ngày thường xuyên phải chờ nước nên ông tưới cả vào ban đêm.
|
Người dân xã Ea Tar tưới nước cho vườn cà phê. |
Bên cạnh đó, do đặc thù nhiều hộ cùng tưới chung một giếng hoặc một máy nên ai cũng phải tranh thủ tưới sớm để kịp cho những rẫy khác tưới. Như gia đình ông Nguyễn Cao Cương (xã Cư Dliê M’nông) có một giếng đào, nhưng 4 hộ xung quanh cùng tưới chung một máy bơm nên năm nào ông cũng phải tưới sớm để các hộ khác còn kịp tưới. Chưa kể, một số hộ không có giếng đào phải phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên ở các sông, suối; nhiều khu vực chưa kéo được điện lưới phải dùng máy nổ chạy bằng dầu, khi tưới ở suối lên, địa hình dốc mất rất nhiều thời gian và công sức để đặt máy, kéo ống. Bởi thế, nhiều năm hạn hán khốc liệt, sông suối cạn nhanh, người nông dân chỉ biết "khóc ròng" vì thiếu nước tưới.
Thông thường, mỗi năm người trồng cà phê tưới khoảng 3 đợt, năm nào hạn hán thì phải tưới từ 4 - 5 đợt. Cứ thế, dưới cái nắng cái gió của mùa khô Tây Nguyên, nước phun trắng xóa trên các triền đồi cà phê, âm thanh máy bơm nổ xình xịch. Người dân lại tất bật cho một mùa tưới với hi vọng sẽ có một vụ mùa bội thu.
Huyền Diệu