Theo số liệu của ICO, niên vụ 2020 - 2021, sản lượng cà phê toàn cầu ước tính tăng 1,9% lên 171,9 triệu bao trong đó sản lượng arabica tăng 5,2% lên 101,88 triệu bao.
Tiêu thụ cà phê thế giới dự báo sẽ tăng 1,3% lên 166,63 triệu bao nhờ các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì, hạn chế tiêu thụ ngoài gia đình và nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm.
Niên vụ 2020 - 2021 dự kiến sẽ kết thúc với thặng dư 5,27 triệu bao do cung vượt cầu.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 4 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021
Xuất khẩu toàn cầu trong tháng một năm nay đạt 10,21 triệu bao, giảm so với 10,59 triệu bao vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021, xuất khẩu đã tăng 3,7% lên 41,88 triệu bao so với 40,38 triệu bao trong cùng kỳ niên vụ 2019 - 2020.
Giai đoạn tháng 10/2020 - 1/2021, xuất khẩu cà phê arabica tại các quốc gia khác ngoài Colombia và Brazil (Other Milds) giảm 11,9% xuống 5,84 triệu bao, tại Colombia giảm 3,4% xuống 5,1 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê robusta toàn cầu cũng giảm 2,6% xuống 14,88 triệu bao. Trong khi đó, xuất khẩu arabica của Brazil tăng 21,8% lên 16,06 triệu bao trong cùng kỳ.
Châu Phi
Xuất khẩu cà phê của châu Phi trong 4 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021 giảm 13% xuống 3,81 triệu bao do các lô hàng cà phê tại ba trong năm nước sản xuất lớn nhất của khu vực này giảm.
Uganda là nhà xuất khẩu lớn nhất của châu Phi với 1,73 triệu bao, tăng 6,8% trong 4 tháng đầu niên vụ 2019 - 2020, nhờ khối lượng xuất khẩu cà phê robusta xanh tăng bù đắp cho xuất khẩu cà phê arabica giảm trong chu kỳ hai năm một lần.
Ngược lại, xuất khẩu của Ethiopia giảm 31,6% xuống 798.000 bao, Côte d'Ivoire giảm 56,2% xuống 245.000 bao và Kenya giảm 13,1% xuống 185.000 bao, một phần do giá cà phê thấp hơn trong những năm qua.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Tanzania tăng 16,5% lên 458.000 bao nhờ thủ tục xuất khẩu được cải thiện.
Châu Á và Châu Đại Dương
Xuất khẩu cà phê của Châu Á và Châu Đại Dương giảm 3,9% xuống 12,19 triệu bao trong khoảng thời gian tháng 10/2020 - 1/2021.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam giảm 10,4% xuống còn 7,88 triệu bao, do sự chậm trễ trong thu hoạch và sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất robusta khác.
Xuất khẩu của Indonesia đã tăng 24,2% lên 2,47 triệu bao, do xuất khẩu robusta xanh của nước này tăng 39,7% bù đắp cho xuất khẩu arabica xanh giảm. Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê hòa tan của nước này đã tăng 13,8% lên 623.000 bao trong 4 tháng đầu niên vụ.
Xuất khẩu từ Ấn Độ, nước sản xuất lớn thứ ba của khu vực, giảm 7,1% xuống 1,31 triệu bao. Phần lớn sự sụt giảm này là do xuất khẩu cà phê chế biến nước này giảm 13,9% xuống còn 591.000 bao.
Trung Mỹ và Mexico
So với 4 tháng đầu niên vụ 2019 - 2020, xuất khẩu từ Mexico và Trung Mỹ giảm 17,5% xuống 2,62 triệu bao do các nước trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai cơn bão Iota và Eta.
Đáng chú ý, các lô hàng cà phê từ Honduras, nước sản xuất lớn nhất của khu vực, giảm 40% xuống còn 744.000 bao và từ Nicaragua giảm 20,2% xuống 450.000 bao.
Xuất khẩu của Guatemala giảm 15,7% xuống còn 461.000 bao. Ngược lại, xuất khẩu của Mexico trong khoảng thời gian tháng 10/2020 - 1/2021 đã tăng 22,8% lên 798.000 bao, một phần nhờ khối lượng cà phê sẵn có nhiều hơn so với các nước khác trong khu vực.
Trong khi xuất khẩu cà phê chế biến của Mexico vẫn ổn định ở mức 347.000 bao, thì xuất khẩu cà phê arabica xanh của nước này tăng 61,5% lên 415.000 bao.
Nam Mỹ
Trong 4 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021, xuất khẩu của Nam Mỹ tăng 15,5% lên 23,26 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu của Brazil đã tăng 24,3% lên 16,77 triệu bao.
Xuất khẩu arabica xanh của Brazil tăng 26,9% lên 14,03 triệu bao, xuất khẩu robusta xanh của nước này tăng 26,1% lên 1,43 triệu bao.
Xuất khẩu từ Colombia giảm 2,9% xuống 4,69 triệu bao trong khi sản lượng của nước này, theo ước tính của Liên đoàn người trồng cà phê Colombia, đã giảm 3,2% xuống còn khoảng 5,43 triệu bao trong bốn tháng đầu niên vụ 2020 - 2021.
Mặc dù xuất khẩu cà phê arabica xanh của nước này giảm 3,2% xuống 4,35 triệu bao, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến của nước này lại tăng 1,1% lên 332.000 bao.