Với tựa đề "Ðẩy nhanh quá trình cải cách", bài báo viết: Năm 2005, nhờ các nguồn vốn đầu tư, kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng 8,4%, trong đó khu vực công nghiệp tăng 10,6%, dịch vụ tăng 8,5% và nông nghiệp tăng 4%. Mặc dù tỷ lệ lạm phát tăng do biến động mạnh của giá dầu thô thế giới và một số sản phẩm nhập khẩu, song con số này vẫn thấp hơn so với năm 2004, khi dịch cúm gia cầm hoành hành kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng lương thực. Chênh lệch cán cân thương mại của Việt Nam đã giảm còn 4,65 triệu USD, do kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6% và giá trị xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đã tăng đáng kể nhờ giá dầu trên thị trường tăng cao.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Thái-lan. Các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh khác của Việt Nam như đồ may mặc, giày dép, thủy sản... đang đối mặt những biện pháp bảo hộ mậu dịch hoặc các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, Việt Nam cũng đang đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế như đồ gỗ, sản phẩm điện tử láp ráp, đồ thủ công mỹ nghệ ... Mặc dù là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về cà-phê vối (robusta) nhưng do việc xuất khẩu cà-phê giảm khoảng 13% trong năm 2005 vì giá cả trên thị trường quốc tế biến động, Chính phủ Việt Nam đã linh hoạt chuyển hướng sang mặt hàng ca-cao có hướng tiêu thụ thuận lợi hơn. Năm 2005, nguồn thu từ du lịch của Việt Nam (chiếm khoảng 4% GDP) tăng trưởng 17%. Với các thế mạnh về du lịch, Việt Nam đã thu hút khoảng 4,43 triệu khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam trong năm 2005.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những nước nhận được nhiều nguồn tài trợ từ bên ngoài nhất trên thế giới. Năm 2005, nhận khoảng 3,3-6 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm nay, các nhà tài trợ nước ngoài đã cam kết sẽ tài trợ Việt Nam 4,4 tỷ USD trong khuôn khổ các chương trình phát triển. Ngoài ra, còn phải tính tới các khoản kiều hối do 2,5 triệu người Việt Nam sống, làm việc ở nước ngoài gửi về; năm ngoái, riêng các giao dịch chính thức (thông qua hệ thống ngân hàng, bưu điện) đã lên tới 3,8 triệu USD. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng rất chú trọng khuyến khích các khoản đầu tư từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào trong nước. QH Việt Nam đã thông qua 14 bộ luật mới chỉ trong năm 2005, bao trùm các lĩnh vực như đầu tư, quyền dân sự, sở hữu trí tuệ ... nhằm tạo ra môi trường bình đẳng giữa khu vực tư nhân và Nhà nước, quốc gia và quốc tế, tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...
Chính sách chủ yếu hiện nay của Việt Nam là tạo các điều kiện thuận lợi cho phát triển thông qua việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, chú trọng vào hệ thống sản xuất cũng như cung cấp điện. Lượng điện tiêu thụ tại Việt Nam tăng khoảng 15%/năm với tính năng động của nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam hoạch định chính sách cơ cấu vùng miền, tập trung phát triển các vùng sâu, vùng xa với việc xây dựng các sân bay, xây dựng nhà máy lọc dầu... Dự kiến năm 2006, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 8% nhờ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước và nguồn thu từ du lịch.
* Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Viện Nghiên cứu kinh tế LG (Hàn Quốc) bình chọn việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một trong mười sự kiện trên thế giới sẽ ảnh hưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2007. Kết quả bình chọn công bố ngày 27-12 nhấn mạnh sẽ đón nhận nhiều vốn đầu tư nước ngoài sau khi gia nhập WTO năm nay, sẽ tăng cường mở cửa và cải cách nhằm tháo gỡ nhiều quy định liên quan đầu tư nước ngoài, do đó, đất nước với dân số đông và trẻ này đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư Hàn Quốc và các nước. Nhiều tín hiệu cho thấy sẽ có một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam nhằm khai thác nguồn lao động giá rẻ và thị trường tiêu thụ hơn 83 triệu dân. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc Việt Nam gia nhập WTO cũng sẽ giảm thiểu yếu tố bất ổn định về kinh tế tại thị trường mới nổi này.
Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại Hải ngoại Hàn Quốc (KOTRA), một trong những chuyển biến đáng chú ý là các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Posco, Samsung, Lotte, Kumho Asiana bắt đầu tăng cường đầu tư vào Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược ở châu Á.