Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người dân chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng
19 | 03 | 2021
Nguồn: baolamdong.vn
 
Lâm Đồng đang bước vào mùa khô và nguy cơ xảy ra hạn hán luôn thường trực đối với người dân các địa phương trong tỉnh. Năm nay, mùa khô đến muộn hơn những năm trước, nhưng các địa phương và Nhân dân trong tỉnh đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn cho cây trồng nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm.
 
Người dân xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) chủ động đào ao, hồ chống hạn trong mùa khô
Người dân xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) chủ động đào ao, hồ chống hạn trong mùa khô
 
Để cây trồng no nước
 
Ghi nhận tại các vùng cà phê trọng điểm như Bảo Lâm, Di Linh, người dân các địa phương đã và đang triển khai tưới đợt 1 chống hạn cho cà phê. Tại huyện Di Linh, ở các xã vùng xa như Sơn Điền, Gia Bắc, Hòa Bắc, Tân Thượng, Đinh Trang Thượng..., người dân đang triển khai các biện pháp phòng, chống hạn cho các loại cây trồng như cà phê, bơ và sầu riêng. Tuy chưa đến mức “khát nước”, nhưng thời điểm này các loại cây trồng đang trong giai đoạn làm bông, dưỡng trái. Để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, bà con đang chủ động tưới, cung cấp đủ nước. Theo đó, để các loại cây trồng no nước, mỗi gia đình luôn có từ 2 - 3 người thay nhau kéo ống, châm dầu để máy nổ hoạt động liên tục bơm nước tưới cho cây trồng. Cùng với đó, nhiều hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước cũng được bà con bật nhiều tiếng đồng hồ đảm bảo các vườn cây no nước.
 
Ông Nguyễn Văn Thông, ngụ xã Tân Thượng (huyện Di Linh), cho hay: “Cũng như bà con trên địa bàn xã, gia đình tôi đang tưới nước đợt 1 cho 3 ha cà phê và gần 1,5 ha bơ. Thời điểm này, nắng hạn chưa thật sự khốc liệt, nhưng cà phê và bơ của bà con đều đang làm bông, dưỡng trái nên rất cần nguồn nước. Nguồn nước các khe suối, ao hồ trên địa bàn đang đảm bảo, vì vậy bà con chủ động tưới sớm phòng, chống hạn. Theo dự kiến, khoảng 1 tuần tới, nông dân trên địa bàn xã chúng tôi sẽ kết thúc đợt tưới thứ nhất trong mùa khô. Trong thời gian tới, nếu nắng hạn kéo dài thì 15 đến 20 ngày, chúng tôi sẽ triển khai tưới đợt 2 và đây cũng là đợt tưới chống hạn chính của bà con”.
 
Theo ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cùng với các công trình hồ đập thủy lợi và sông suối thì toàn huyện đang có hơn 5.000 ao hồ nhỏ do người dân tự đào cung cấp nguồn nước chống hạn cho cây trồng. Qua kiểm tra của các ngành chức năng, hiện nguồn nước đang đảm bảo tốt cho người dân chống hạn. “Để chủ động nguồn nước chống hạn lâu dài cho cây trồng, địa phương đang vận động người dân tiến hành các biện pháp tiết kiệm nước như tích nước và phân phối nguồn nước hợp lý tại các công trình thủy lợi; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao hồ, phủ che gốc cây trồng đảm bảo độ ẩm và tưới nước tiết kiệm tránh lãng phí nguồn nước hiện có” - Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Đức Công cho biết thêm.
 
Cùng với huyện Di Linh, thời điểm này, người dân huyện Bảo Lâm đang chủ động triển khai các biện pháp tưới nước chống hạn cho các vườn cây. Ông Lý Công Bảo, ngụ Thôn 7, xã Lộc Ngãi, cho hay: “Nhờ chủ động được nguồn nước tưới, nên các loại cây trồng cơ bản đã no nước, đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt trong giai đoạn làm bông, dưỡng trái. Hy vọng rằng, sau đợt tưới này, nửa tháng tới nếu trời cho ít trận mưa thì bà con nông dân chúng tôi đỡ khổ. Trường hợp nắng hạn kéo dài, mỗi hộ dân phải chủ động nạo vét ao hồ và tận dụng triệt để nguồn nước sông, suối tự nhiên tưới chống hạn cho cây trồng, hy vọng về một vụ mùa bội thu trong năm”.
 
Không được phép chủ quan
 
Theo chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương, chống hạn luôn là biện pháp cấp bách và thường trực trong mùa khô. Mặc dù nguồn nước đang đảm bảo tốt cho bà con tưới chống hạn, nhưng về lâu về dài không được phép chủ quan.
 
Theo ông Đậu Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm), thời điểm này năm 2020 do nắng hạn gay gắt nên nhiều diện tích cà phê của bà con bị khô héo, rụng lá, khô bông làm ảnh hưởng đến năng suất cà phê trong năm. Năm nay, nguồn nước đảm bảo đúng vào thời điểm quan trọng khi các loại cây trồng đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển giúp bà con chủ động tưới cho cây trồng ngay từ đầu mùa khô. “Nguồn nước mặt và nước ngầm đang đảm bảo tốt cho người dân chống hạn trong thời điểm này và có thể kéo dài trong 1 tháng tới. Song, xã Lộc Lâm đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán cụ thể và triển khai về tận các thôn. Cũng như các địa phương khác trong toàn huyện, Lộc Lâm đã phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi và được đông đảo bà con hưởng ứng tham gia. Hiện tại, người dân đang chủ động nạo vét ao hồ, tích nước tại các khu vực trũng thấp, khe suối để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và chống hạn lâu dài” - ông Đậu Văn Xuân cho hay.
 
Tương tự, tại các huyện phía Nam như Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tích trữ nguồn nước hợp lý, đảm bảo chống hạn hiệu quả. Hiện, nguồn nước trên các sông, suối tự nhiên, công trình thủy lợi và các ao, hồ do người dân tự đào đang dồi dào. Nhờ vậy, việc tưới nước cho cây trồng của người dân đã và đang diễn ra thuận lợi. 
 
Ông Phạm Quang Chiến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, cho biết: “Hiện tại, địa phương đang có gần 3.000 ha sầu riêng, đây là cây trồng chủ lực của người dân. Việc chống hạn cho các loại cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng trong mùa khô luôn là bài toán nan giải được địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. Năm nay, qua kiểm tra cho thấy, việc đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất sầu riêng đã được người dân chú trọng đầu tư. Đặc biệt, phần lớn các vườn sầu riêng đã được bà con lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước. Cùng với đó, ngoài nguồn nước tự nhiên từ sông suối, các công trình thủy lợi và ao hồ nhỏ thì người dân còn đầu tư các hệ thống giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô. Đây thực sự là tín hiệu vui, là đòn bẩy giúp bà con nông dân ổn định sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng qua từng năm”. 
 
Nhìn chung đến hiện tại, hầu hết các địa phương đang đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng nên chưa xảy ra hạn hán. Tuy nhiên, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì trong khoảng 1 tháng tới, cây trồng của người dân tại nhiều địa phương sẽ phải đối diện với tình cảnh “khát nước”. Vì vậy, các ngành chức năng khuyến cáo người dân tiếp tục sử dụng những biện pháp tưới nước tiết kiệm, nạo vét ao hồ tích trữ nguồn nước; đồng thời, triển khai các biện pháp che phủ gốc đảm bảo độ ẩm cho cây trồng; hướng dẫn Nhân dân xây dựng, nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm đảm bảo nguồn nước chống hạn phục vụ sản xuất hiệu quả.


Báo cáo phân tích thị trường