Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vùng mía Phủ Quỳ - Nghệ An: Dịch chồi cỏ "nuốt trôi" 33 tỷ đồng
08 | 12 | 2008
Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến 4/12/2008, dịch bệnh Phytoplasma (chồi cỏ) trên cây mía tại 2 huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã lên tới con số kỷ lục 4.639/4873 ha bị nhiễm bệnh, chiếm gần 1/4 tổng diện tích mía vùng nguyên liệu Phủ Quỳ của Công ty liên doanh mía đường NAT&L Nghệ An.

Thế nhưng, theo nhận xét của một số cán bộ huyện, số liệu thống kê nói trên có thể vẫn chưa phản ánh hết số diện tích mía đã bị nhiễm bệnh ở các xã có dịch. Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An đang hết sức lo lắng. Theo ông, nếu các cấp, các ngành không thực sự vào cuộc, không xử lý một cách triệt để và quyết liệt thì vụ mía năm tới diện tích nhiễm bệnh có thể tăng lên gấp đôi và sẽ gây tác động rất lớn đến lợi ích của hàng nghìn hộ dân trồng mía.

Một thực tế đã chứng minh: Một khi mía nhiễm nhẹ bệnh chồi cỏ là năng suất và sản lượng mía cây bị giảm rõ rệt. Khi cây mía không đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng mía thì họ sẽ chuyển sang trồng cây khác và diện tích vùng nguyên liệu mía dù đã được quy hoạch sẽ bị thu hẹp lại theo đó Cty liên doanh mía đường NAT&L có thể sẽ phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của bệnh, tiến tới triệt tận gốc mầm bệnh chồi cỏ trên vùng mía Phủ Quỳ, theo quan điểm của Cục BVTV, tỉnh Nghệ An phải lập tức thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh chồi cỏ do Giám đốc Sở NN-PTNT làm Trưởng ban, các huyện và các xã có dịch cũng phải thành lập Ban chỉ đạo để trực tiếp cùng với bà con nông dân triển khai công việc phòng trừ.

Do bệnh chồi cỏ mới xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam, các cơ quan chuyên môn chưa nghiên cứu sâu về loại dịch bệnh này, trong khi dịch bệnh lây lan nhanh và diễn biến phức tạp nên quan điểm của Cục BVTV là sau khi thu hoạch xong toàn bộ số diện tích bị nhiễm nhẹ (1.968 ha) phải chỉ đạo bà con đào toàn bộ số gốc nhiễm bệnh để tiêu hủy (chôn hoặc đốt). Số diện tích bị nhiễm nặng và trung bình (2.905 ha) sau khi thu hoạch xong phải xử lý hủy gốc để trồng lại bằng giống sạch bệnh.

Ông Lê Mậu Toàn, Phó cục trưởng Cục BVTV bày tỏ quan điểm một cách dứt khoát: Nếu không có giống mía sạch bệnh từ nơi khác đưa về để trồng thì kiên quyết không cho bà con trồng mới trên diện tích mía đã bị thiêu hủy. Cục BVTV đã giao cho Chi cục BVTV Nghệ An phối hợp với các địa phương điều tra về sự có mặt của rầy xanh (đối tượng được xem là môi giới truyền bệnh chồi cỏ) để xử lý một cách triệt để.

Tuy nhiên, do diện tích mía vụ 1 và vụ 2 bị nhiễm bệnh chồi cỏ tại Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp là khá lớn cho nên việc thực hiện ý muốn trên của Cục BVTV sẽ rất khó khăn. Bởi chi phí đầu tư để trồng lại trên diện tích bị thiêu hủy quá lớn sẽ trở thành một gánh nặng cho người dân nên việc tuyên truyền, vận động bà con hủy bỏ diện tích mía bị nhiễm bệnh sẽ khó khả thi nếu không có sự hỗ trợ kinh phí từ phía Công ty NAT&L và Nhà nước.

Theo tính toán của Cục BVTV, để xử lý triệt để bệnh chồi cỏ trên toàn bộ diện tích mía bị nhiễm bệnh hiện nay, Nghệ An cần phải có nguồn kinh phí trên 33 tỷ đồng. Chủ yếu là để mua giống sạch bệnh từ nơi khác về để trồng lại (trên 29 tỷ đồng), hỗ trợ mua 18.000 lít thuốc trừ cỏ Glyphosate để diện tận gốc mầm bệnh (2,7 tỷ đồng) và hỗ trợ mua 9 tấn thuốc Bassa 50EC để diệt trừ rầy xanh (gần 1 tỷ đồng). Theo quan điểm của Cục BVTV thì riêng khoản tiền hỗ trợ mua giống mía sạch bệnh nên phân chia theo tỷ lệ doanh nghiệp và người trồng mía chịu 50%, số còn lại xin hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: Ngày 2/12/2008, Sở NN&PTNT đã có văn bản trình UBND tỉnh đề nghị công bố dịch chồi cỏ hại mía trên địa bàn toàn tỉnh. Bệnh chồi cỏ cũng giống như bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa tại đồng bằng sông Cửu Long cho nên việc công bố dịch là tối cần thiết nhằm huy động nguồn lực để kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu sự lây lan, gây hại của bệnh ra diện rộng. Sở NN-PTNT Nghệ An đồng tình cao với phương án xử lý dịch bệnh chồi cỏ của Cục BVTV và sẽ nỗ lực thực hiện bằng được các phương án.

Trước mắt, lãnh đạo Sở sẽ làm việc với Tổng giám đốc Công ty liên doanh mía đường NAT&L để thống nhất cách đầu tư, hỗ trợ các vấn đề như diệt bệnh, trồng mới, giống và vốn phục vụ cho kế hoạch trồng mới thay thế diện tích mía bị hủy bỏ. Giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã, cán bộ khuyến nông, nông vụ phải thường xuyên bám sát dân, cung cấp máy phun động cơ cho các địa phương vừa tổ chức vừa chỉ đạo bà con thực hiện các biện pháp diệt trừ một cách triệt để các vùng đất bị nhiễm bệnh.

Giao cho Công ty NAT&L chịu trách nhiệm chuẩn bị giống mía sạch bệnh cung cấp đủ cho bà con trồng lại. Sở NN&PTNT và UBND tỉnh sẽ trình Bộ NN&PTNT xin hỗ trợ chênh lệch giống mía sạch bệnh, thuốc trừ cỏ Glyphosate, thuốc Bassa 50EC. "Chúng tôi đã giao trách nhiệm cho Ban tư vấn 10 ngày hội ý một lần để nắm tình hình và báo về Trưởng ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện 1 tháng họp một lần, báo cáo về Trưởng BCĐ phòng chống dịch cấp tỉnh để có hướng chỉ đạo sát với tình hình dập dịch tại cơ sở. Riêng phần kinh phí dành cho công tác dập dịch "chồi cỏ" chúng tôi dự kiến Cty liên doanh NAT&L và người trồng mía phải tự lo 14.555 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 18.445 triệu đồng", ông Cảnh nói.



Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường