Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Long An: Quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa
05 | 08 | 2007
Dựa vào đặc điểm, điều kiện về đất đai và thổ nhưỡng, hiện nay tỉnh Long An đã cơ bản hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa ở 14 huyện, thị xã trong tỉnh với hàng trăm ngàn héc ta đất.
Theo đó, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa tỉnh đã quy hoạch vùng lúa cao sản xuất khẩu, các giống lúa thơm với diện tích gieo trồng hàng năm 260.000 ha, sản lượng 1,3 triệu tấn/năm, sử dụng các giống lúa như VND 95-20, VD 20, Jasmine, nếp, phục vụ xuất khẩu hàng năm hơn 300.000 tấn gạo. Khai thác vùng ngập mặn ven biển, ven sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây sản xuất lúa đặc sản Nàng Thơm, Tài Nguyên, Huyết Rồng với gần 90.000 ha, sản lượng khoảng 450.000 tấn/năm, tập trung ở các huyện Cần giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa.

Tại vùng đất xám bạc màu, nhiễm phèn ở các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa và Đức Huệ nằm dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, tỉnh Long An đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng đê bao ngăn lũ theo sông Vàm Cỏ Đông tràn vào phục vụ vùng chuyên canh cây mía và đã quy hoạch mở rộng 20.000 ha mía đến năm 2010 (hiện nay hơn 15.000 ha mía), hàng năm cung cấp hơn 1 triệu tấn mía nguyên liệu cho 2 nhà máy đường Hiệp Hòa và Bến Lức. Vùng sản xuất nuôi tôm sú ở các xã vùng hạ ngập mặn thuộc các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ, khai thác vùng nước và áp dụng mô hình nuôi tôm theo phương thức quảng canh cải tiến, nuôi công nghiệp, đến năm 2010 đưa diện tích nuôi tôm sú sẽ đạt 7.700 ha, sản lượng trên 13.000 tấn. Tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Cần Đước tỉnh khai thác hệ thống thủy lợi nội đồng, ao hồ trữ nước ngọt, khai thác nước ngầm giải quyết nguồn nước tưới mùa nắng, đến năm 2010 mở rộng 30.000 đến 35.000 ha hoa màu các loại theo mô hình chuyên canh và xen canh 1 vụ lúa + 2 vụ màu hoặc 2 vụ lúa + 1 vụ màu./.



Hội nông dân
Báo cáo phân tích thị trường