Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trừ cỏ bợ trên ruộng lúa
05 | 12 | 2008
Cỏ bợ có tên khoa học là Marsilea quadrifolia, thuộc họ Marsileaeae. Cỏ bợ là một loài cỏ lá rộng rất phổ biến trên ruộng lúa thuộc các nước trồng lúa vùng Đông Nam á. Ruộng lúa có nhiều cỏ rau bợ xâm lấn sẽ làm giảm đáng kể đến năng suất lúa.

Đặc điểm của cỏ bợ

Cỏ bợ không sinh sản bằng hạt mà sinh sản bằng bào tử và sinh sản dinh dưỡng. Cỏ bợ mang hai hàng hoặc những đám của túi bào tử được mang trên một vòng keo nhầy xếp đầy những quả bào tử. Mỗi túi bào tử này mang một hàng túi bào tử cái (túi đại bào tử) và nhiều túi bào tử đực (túi tiểu bào tử). Cỏ bợ là loài cỏ đa niên, sống phổ biến ở những ruộng lúa trũng luôn có nước hoặc độ ẩm cao. Khi thời tiết khô hạn, cỏ bợ chết tạm thời nhưng khi mưa xuống, có đủ nước cỏ bợ lại phát triển bình thường. Trong ruộng lúa cỏ bợ thường mọc thành từng đám sau đó sẽ loang dần ra khắp ruộng.

Cây con: chồi mới thường ngoi lên từ một thân rễ bò dài, mỏng mảnh và phân thành nhiều nhánh. Những chồi này sẽ phát triển thành cây cỏ bợ điển hình. Thân dài khoảng 2 cm, sẽ xuất hiện lá có nhiều lông tơ. Lá dần dần xuất hiện và cuộn không hoàn toàn. Khi thân bò dài 50 cm những lá trưởng thành hoàn chỉnh xuất hiện thành bốn lá nhỏ xếp thành vòng và tạo ra hai cặp. Cặp lá thứ nhất tại đỉnh của thân hình trụ nhẵn và cặp thứ hai mọc lên trong cặp thứ nhất, có một vài lông trong, mờ, nhọn và ngắn tại gốc của mỗi lá gần đỉnh của thân bò.

Với đặc điểm như trên cỏ bợ sinh sản bằng bào tử và sinh sản vô tính. Những bào tử của cỏ bợ sinh sản rất nhanh trong ruộng lúa và mỗi mắt của nó bị gãy trôi dạt có thể tạo thành một đám cỏ bợ lớn, bao quanh gốc lúa và cạnh tranh với lúa về chất dinh dưỡng, nước, chèn ép làm lúa kém nở bụi và chậm phát triển.

Cỏ bợ hầu như ít khi phủ kín toàn bộ mặt ruộng lúa mà chỉ che phủ thành từng đám nhất định ở những nơi thấp trong ruộng lúa. Những ruộng có cỏ bợ xuất hiện cần diệt ngay từ đầu. Để cỏ bợ lan rộng mới tiến hành diệt sẽ khó khăn và tốn kém. Cỏ bợ thuộc loại khó diệt vì những đặc điểm như: kháng được nhiều loại thuốc diệt cỏ lá rộng, mỗi mắt của cỏ bợ còn sót lại là lại có thể phát triển thành một đám lớn trong khoảng thời gian ngắn, khả năng phát tán của cỏ bợ rất dễ, rất khó làm cỏ bợ bằng tay vì rễ của chúng ăn sâu vào đất và rất dễ bị sót những đoạn cỏ.

Một số phương pháp phòng trừ

*Làm đất: Trước khi xuống giống cần cày ải đất và phơi khô, đất càng khô thì cỏ bợ càng chết nhiều. Lúc bừa trục đi lượm hết những đoạn thân, rễ, những đoạn gãy của cỏ bợ và gom hết lên bờ.

*Dùng thuốc cỏ để diệt cỏ bợ:

- Trước khi cày ải hoặc làm đất dùng thuốc triệt sinh như Lyphosim, Caphosate... Loại thuốc này có tác dụng diệt hết được cỏ bợ, những loài cỏ khác và lúa mọc sẵn trên ruộng.

- Dùng thuốc Sirius 10 WP (hay thuốc Star 10 WP), thuốc ở dạng bột, dễ hòa tan, có thể áp dụng bằng cách hòa nước phun hoặc trộn với phân bón để rải. Liều lượng dùng là 200-250 gr/ha. Đối với ruộng lúa có nhiều loài cỏ khác nữa như cỏ lồng vực, cỏ cháo, cỏ chác, cỏ lá rộng khác thì cần phun thuốc cho cả ruộng, còn nếu trên ruông chỉ có một loài cỏ bợ thì chỉ cần phun theo từng đám để giảm chi phí. Lúc phun hoặc rải thuốc cần rút bớt nước trong ruộng sao cho mực nước 2-3 cm là vừa.

- Dùng thuốc Ally 20 DF hoặc Almix 20 DF: thuốc được đóng thành gói 1,5 g, mỗi bình thuốc 16 lít cần pha 2 gói thuốc. Cách áp dụng tương tự như thuốc Sirius.

- Ngoài các loại thuốc trên có thể dùng thuốc Sindax 10 WP diệt cỏ bợ cũng cho hiệu quả cao.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường