Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng nhanh diện tích sạ lúa theo hàng đạt hiệu quả cao
09 | 02 | 2009
Qua 4 vụ xây dựng mô hình ứng dụng biện pháp canh tác mới "sạ lúa theo hàng bằng giàn kéo tay" có hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Hà Nội đang triển khai mở rộng diện tích sạ lúa theo hàng ra tất cả các huyện, thành phố.

Từ kết quả gieo sạ được 1.300ha vụ Xuân 2008, vụ Xuân 2009, các huyện đã đăng ký lên 6.500ha, gấp 5 lần, nhưng chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu canh tác nông nghiệp thời hội nhập.

Lợi nhuận 1ha từ 5,9 đến 6,2 triệu đồng

Kết quả mô hình sạ lúa theo hàng đã khẳng định những ưu điểm nổi trội. Thứ nhất, giảm chi phí sản xuất, nhất là công lao động, một giàn sạ chỉ cần 2 người, một ngày sạ được 2ha, trong khi đó nếu cấy và nhổ mạ 1ha phải 40 công lao động. Đối với những xã làng nghề, thiếu lao động thì đây là giải pháp tối ưu để cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Thứ hai, giảm hơn 1 nửa lượng giống, 1ha sạ hàng chỉ cần 30kg giống, nếu cấy tốn 70-80kg giống. Thứ ba, tranh thủ được thời vụ, khắc phục tình trạng cấy muộn gặp sâu bệnh, rút ngắn thời gian sinh trưởng cây lúa từ 7-10 ngày. Kết quả cuối cùng là năng suất lúa tăng và đạt hiệu quả kinh tế cao, 1ha lợi nhuận từ 5,9 đến 6,2 triệu đồng.

Nhận thấy kết quả từ các mô hình đã rõ, nhiều HTX đã tích cực tiếp thu kỹ thuật mới. TTKN Hà Nội đã dành gần 1,3 tỷ đồng mua 1.000 giàn sạ, mở 22 lớp tập huấn và in hàng ngàn tờ rơi, đĩa CD quy trình kỹ thuật phát cho các xã. Nhiều huyện như Chương Mỹ, Phúc Thọ dùng ngân sách hỗ trợ toàn bộ giống và thuốc trừ cỏ cho diện tích sạ hàng, chỉ đạo đơn vị dịch vụ cung ứng phân bón, giống và thành lập tổ chuyên đề chương trình sạ lúa theo hàng đạt kết quả. Huyện Quốc Oai hỗ trợ toàn bộ giống, thuốc trừ cỏ cho những HTX sạ theo hàng trên 10ha. Một số địa phương ngay vụ đầu đã mạnh dạn đầu tư cho cách làm mới này như xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm sạ toàn bộ 150ha, nông dân được hỗ trợ toàn bộ giống, thuốc trừ cỏ; xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm sạ 165ha, chiếm 65% tổng diện tích. Các huyện đều xác định đây là biện pháp hiệu quả trong sản xuất nên có cơ chế hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo thực hiện nhân rộng mô hình này.

Biện pháp để mở rộng

Mặc dù các mô hình đều khẳng định hiệu quả nhưng diện tích áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới còn ít do một số nguyên nhân: công tác tuyên truyền còn hạn chế, nhiều địa phương chưa quy hoạch đồng đất, thủy lợi tưới tiêu thành vùng tập trung, để các hộ tự phát nên có lẫn các ruộng cấy vào, gây khó khăn cho việc sạ lúa theo hàng. Kỹ thuật ngâm ủ giống nhiều nơi làm chưa đúng kỹ thuật, phải ngâm hạt giống no nước, dùng tro bếp hoai mục trộn với hạt giống, khi đã ra gai dứa điều khiển cho mầm dài hơn rễ, thấy mầm dài bằng 1/3 hạt thóc là đạt yêu cầu. Đặc biệt, phải thực hiện phun thuốc trừ cỏ, coi đó là yêu cầu bắt buộc, phun thuốc So fít 300EC sau khi bừa đất lần cuối 1-3 ngày. Thực tế có HTX, nông dân sạ quá dày nên phải tốn công tỉa dặm hoặc dùng thuốc trừ cỏ chất lượng kém, tốn công làm cỏ. Khắc phục những tồn tại này, TTKN đã phối hợp với nhà máy sản xuất cải tiến giàn sạ, bịt bớt lỗ để chỉ gieo 30-35kg giống 1ha và ký kết với Công ty Thuốc bảo vệ thực vật trung ương 1, bảo lãnh thuốc trừ cỏ chất lượng cho nông dân. Vụ Xuân 2009, TTKN đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, chuyển 1.000 giàn sạ, cử cán bộ kỹ thuật xuống các HTX giúp nông dân làm tốt kỹ thuật sạ lúa theo hàng bằng giàn kéo tay.

Từ kết quả mô hình của Hà Tây (cũ), đến nay đã có 20 tỉnh áp dụng kỹ thuật này trên diện tích hàng ngàn héc-ta. Năm 2008, Bộ NN&PTNT đã mở 2 hội nghị, tháng 4-2008 tại Ba Vì và tháng 6-2008 tại Hải Dương, khẳng định đây là tiến bộ kỹ thuật mới, là giải pháp đột phá trong sản xuất nông nghiệp để áp dụng cho Đồng bằng sông Hồng.

Thời tiết hiện nay đang rất phù hợp để các HTX mạnh dạn áp dụng kỹ thuật sạ lúa trong khung thời vụ an toàn nhất. Công cụ sạ hàng đơn giản, gọn nhẹ, rẻ tiền, thao tác đơn giản, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, tạo sự liên kết trong các khâu dịch vụ, thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa là điều kiện hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, rất cần được các địa phương quan tâm chỉ đạo và triển khai sản xuất đại trà hiệu quả.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường