Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tin vui từ các cánh đồng lúa xuân 2008
18 | 03 | 2008
Tính đến giữa tháng 3/2008, sản xuất lúa đông xuân Miền Bắc cơ bản gieo cấy xong, sản xuất lúa đông xuân miền Nam rất thuận lợi. Lúa lai đang được đẩy mạnh khai thác và gieo trồng trên các diện tích phù hợp để cùng tham gia giúp đảm bảo sản lượng lúa cả năm 2008 đạt mục tiêu đề ra, 35-36 triệu tấn.
Trước diễn biến thời tiết đang ấm dần lên, ngày 4/3/2008, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện chỉ đạo các địa phương từ Quảng Bình trở ra tranh thủ thời tiết đang ấm dần lên để tập trung gieo trồng vụ Đông Xuân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNN yêu cầu chính quyền cấp huyện, xã đôn đốc để đảm bảo việc cấy giống nhanh và cấy hết diện tích trong thời vụ cho phép; Các địa phương cần huy động tối đa lực lượng lao động để cấy lúa. Ngoài việc thường xuyên báo cáo nhanh tình hình sản xuất, tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân, Bộ cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê, tổng hợp thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp nông dân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.

Đến ngày 15/3/2008, sản xuất lúa ĐX ở miền Bắc cơ bản gieo cấy xong, tại thời điểm này, theo đánh giá của các chuyên gia Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, có thể dự đoán năng suất, sản lượng không bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên do vụ ĐX bị muộn, lượng thóc giống bị thiệt hại trên 20 nghìn tấn, lúa giống sẽ khan hiếm cho vụ Mùa và Hè Thu và còn khó khăn khác trong việc triển khai sản xuất.

Tính đến 11/3/2998, diện tích lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiễm rầy nâu giảm mạnh, chỉ còn 66.225 ha, giảm hơn 119.000 ha so thời điểm trung tuần tháng 2/2008. Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VLLXL) không còn xuất hiện. Diện tích lúa nhiễm rầy giảm mạnh là nhờ sự tham gia của nhiều bên từ trung ương đến địa phương và người dân. Các ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh VLLXL trên lúa từ tỉnh đến huyện, xã hoạt động hiệu quả, góp sức cùng nông dân kiểm tra đồng ruộng, theo dõi bẫy đèn và diễn biến các lứa rầy, không để rầy nâu gia tăng mật số, di trú cao; phổ biến các chủ trương, biện pháp diệt rầy nâu, bệnh VLLXL theo phương pháp khoa học đến đông đảo quần chúng để người dân nắm bắt và dập tắt dịch bệnh hiệu quả. Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác đến các tỉnh ĐBSCL hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL trong công tác diệt rầy.

Tính đến 15/3/2008, lúa ĐX 2008 miền Nam đã thu hoach gần 50%, năng suất khá cao, trung bình đạt 60 tạ/ha, cao nhất có nơi đạt 80-85 tạ/ha. Kết quả sản xuất này sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, do giá lúa, gạo trên thị trường ĐBSCL đang đạt mức cao. Tính trung bình 15 ngày đầu tháng 3, giá lúa tẻ thường Tp.HCM đạt cao nhất, 4650 VND/kg, đứng thứ 2 là Nam Định với 4.600 VND/kg, Đồng Nai, Đà Nẵng với 4550 VND/kg, Cần Thơ 4.500 VND/kg, đã giúp giá lúa thường vào 4.000 đồng/kg… Giá lúa chất lượng cao đạt mức bình quân 4.800 đồng/kg.

Nguồn: Trung tâm Thông tin PTNNNT, Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT (www.agro.gov.vn)

Các sáng kiến sản xuất lúa đông xuân 2008 tại Kiên Giang

Vụ đông xuân 2007-2008, lần đầu tiên một mô hình liên kết sản xuất lúa tại Kiên Giang được thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế khả quan cho bà con nông dân. Mô hình liên kết sản xuất lúa được triển khai tại 3 huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng và Hòn Đất (Kiên Giang) trên diện tích gần 144 ha với 72 hộ tham gia. Giống lúa sử dụng là các giống xác nhận (OM 2517, IR 50404, OM 4668...) được gieo sạ hàng hoặc sạ thưa từ 100 đến 120 kg/ha. Năng suất lúa trong mô hình đạt khoảng 7,4 tấn/ha, giá thành là 1.414 đồng/kg lúa, cao hơn lô đối chứng (bên ngoài mô hình) hơn 275 kg/ha và giá thành 1 kg lúa cũng giảm hơn 152 đồng/kg. Như vậy, nông dân tham gia mô hình thu lãi được hơn 22 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn gần 2,8 triệu đồng/ha/vụ so các diện tích ngoài mô hình.

Mô hình này được triển khai trên cơ sở áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật như "3 giảm-3 tăng", cơ giới hóa và hợp tác trong sản xuất nhằm giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp: (1) nhà khoa học chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho nông dân, các hộ nông dân tham gia mô hình đều được tập huấn về kỹ thuật canh tác (kỹ thuật làm đất, giống, phương pháp sạ hàng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh; (2) doanh nghiệp tiếp cận quảng bá sản phẩm vật tư nông nghiệp cho nông dân; (3) nhà khoa học chuyển giao khoa học kỹ thuật và (4) nhà quản lý sẽ định hướng cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Theo Giám đốc Trung tâm khuyến nông Kiên Giang, mô hình này dễ làm, dễ áp dụng vì vậy có khả năng nhân rộng ra trong toàn tỉnh. Tuy nhiên do là vụ đầu tiên thực hiện hợp tác trong xây dựng mô hình và thời gian chuẩn bị cho dự án này quá ngắn nên việc phối hợp thực hiện giữa các đơn vị chưa thật tốt, cần khắc phục trong sản xuất vụ hè thu 2008. Trong đó, chú trong khâu bón phân cân đối giảm bón lần cuối, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa khâu sau thu hoạch, phơi sấy, bảo quản.

Lúa lai ở Kiên Giang
Trong bối cảnh thời tiết đầu năm không thuận lợi, Bộ NN&PTNT chỉ đạo tăng cường sử dụng giống có ưu thế lai để đảm bảo duy trì sản lượng 35-36 triệu tấn, tuy nhiên lúa lai chủ yếu phát triển ở vụ đông xuân tại miền Bắc, vụ mùa bị hạn chế do sâu bệnh. Diện tích lúa lai hiện nay khoảng 650 nghìn ha hàng năm.

Lâu nay, việc sản xuất hạt lai F1 vẫn được coi là khó khăn đối với các doanh nghiệp bởi chi phí lớn, rủi ro cao trong khi cơ chế hiện tại mức hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn họ đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy Cty cổ phần Giống cây trồng miền Nam đã chọn Tân Hiệp để đầu tư sản xuất hạt lai F1 là bước đột phá. Lần đầu tiên huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đưa vào khảo nghiệm, trình diễn 2 loại giống lúa lai F1: PAC 807 và HR 641, do Cty cổ phần Giống cây trồng miền Nam cung cấp, đạt được kết quả cao. Đây là các giống lúa khu vực hóa có ưu thế vượt trội, đạt NS 9 - 10 tấn/ha/vụ, cao hơn NS trà lúa hiện tại của địa phương. Với thời gian sinh trưởng 85 – 90 ngày, lúa lai PAC 807 và HR 641 có khả năng chống chịu sâu – rầy – bệnh hại cao, cứng cây phù hợp với sinh thái – thổ nhưỡng các huyện vùng tây sông Hậu. Lượng giống gieo sạ ít, chỉ cần 4 kg/1000 m2, lượng giống ít, Tuy nhiên, do đặc tính của dòng hạt lai, sau thu hoạch không sử dụng làm giống cho vụ sau được, vì bị phân ly tính trạng. Tân Hiệp phấn đấu trong tương lai gần sẽ là một trọng điểm sản xuất lúa lai của Kiên Giang và ĐBSCL. Sử dụng giống lúa lai F1 ở những vùng sinh thái phù hợp, mỗi năm nông dân Kiên Giang sẽ tăng thu nhập thêm hàng chục tỷ đồng.

Hiện nay, một số tỉnh ĐBSCL bước đầu đã đưa giống lúa lai B - TE1 vào gieo trồng trên 7 ngàn ha, kết quả NS tăng hơn lúa thuần từ 1,5 – 2 tấn/ha, chất lượng gạo cao, mở ra những triển vọng mới. Thực tế cho thấy, canh tác bằng giống lúa lai F1 và thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật, thì bình quân tiết kiệm được 100 – 120 kg giống/ha. Tỷ lệ hạt chắc của lúa lai F1 là 150 – 200 hạt/bông, các giống lúa thường chỉ đạt 80 – 120 hạt chắc/bông.

-----------------------------------------------------------------------
Để biết thêm những phân tích và dự báo thị trường gạo, mời quý vị đăng ký đặt mua Bản tin gạo tuần của AGROINFO theo mẫu dưới đây

Tải mẫu đăng ký đặt mua Bản tin gạo tuần tại đây

Liên hệ đặt mua Bản tin theo địa chỉ:
Trần Lan Phương, e-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn, ĐT: 04 8219859, ĐTDD: 0904 302 158



Hoàng Ngân (agroinfo)
Báo cáo phân tích thị trường