Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam - Hà Lan: Hướng đến quan hệ bình đẳng về kinh tế
18 | 03 | 2008
Hà Lan định hướng quan hệ với VN theo hướng bình đẳng hơn về kinh tế, thương mại khi VN đang dần gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình.

Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Frank Heemskerk cho biết như thế trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn hai bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển kinh tế Hà Lan sang VN.

Trong cuộc gặp tại Hà Nội ngày 17-3, Bộ trưởng Heemskerk khẳng định quan hệ thương mại hai bên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng cũng bày tỏ những lo ngại về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại VN và cho rằng điều này cần được các doanh nghiệp VN thực hiện một cách nghiêm túc vì đây sẽ là rào cản lớn cho các nhà đầu tư Hà Lan.

Tại cuộc gặp, ông Dolf van den Brink, lãnh đạo đoàn doanh nghiệp Hà Lan, cũng nêu các vấn đề khó khăn mà các tập đoàn Hà Lan như Unilever, KLM, Shell, TNT đang hoạt động tại VN đã gặp phải. Các vấn đề này đều được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời và đưa ra giải pháp, trong đó có việc ủng hộ KLM xem xét cùng tham gia với các hãng hàng không khác khai thác tuyến bay giữa VN - Hà Lan.

Thiếu công nhân chất lượng cao

Cản trở chính vẫn là việc thiếu những công nhân chất lượng cao. Đang rất cần việc đào tạo nghề và những người có năng lực quản lý cấp trung trong các doanh nghiệp. Do có sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường VN, các nhân lực có trình độ cao đang rất thiếu.

Một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng ở VN. Do kinh tế phát triển nhanh, đường sá ở VN bị tắc nghẽn nặng nề. Điều này làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển nhiều.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp thuế cao khi xuất vào VN. Ngoài ra, có một số thay đổi trong luật định khiến các doanh nghiệp khó tuân thủ theo được. Đương nhiên, do mới vào WTO nên VN sẽ phải có những thay đổi về luật định và điều này sẽ cần có thời gian.

(Bộ trưởng Ngoại thương Frank Heemskerk giải thích về những trở ngại khi các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào VN)

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị phía Hà Lan vận động Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi thuế chung GSP cho VN trong giai đoạn 2009-2011, tác động đến Ủy ban châu Âu (EC) để sớm chính thức công nhận VN là nền kinh tế thị trường (hiện VN đã được EC công nhận 2/5 tiêu chí) cũng như ủng hộ VN không phải thực hiện những cam kết cao hơn trong lĩnh vực nông nghiệp tại vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Ngoài ra, bộ trưởng cũng đề xuất phía Hà Lan ủng hộ VN trong việc EU xem xét việc giày da VN có bán phá giá vào tháng mười tới. Vấn đề này đã được Bộ trưởng Heemskerk bày tỏ ủng hộ.

Trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Hà Lan Bert Koenders cũng có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc. Vào buổi chiều, cả hai bộ trưởng cùng có cuộc gặp với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Tối cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh và ông Bert Koenders đã cùng ký kết ý định thư về việc hợp tác xây dựng năng lực trong lĩnh vực cạnh tranh giữa VN và Hà Lan. Theo ý định thư, lĩnh vực hợp tác sẽ liên quan đến việc hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của VN.

* Hôm qua, 47 doanh nghiệp đi cùng đoàn hai bộ trưởng đã tham gia chương trình kết nối doanh nghiệp VN và Hà Lan do Phòng Thương mại và công nghiệp VN tổ chức. Danny den Hartog, giám đốc thương mại khu vực châu Á-TBD của Tập đoàn thiết bị gia dụng Brabantia, chia sẻ: "Lần đầu tiên tới VN, Brabantia đang tích cực tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở đây. Dù có những lo ngại về tình hình lạm phát ở VN nhưng chúng tôi đã nghe nhiều thông tin lạc quan từ các doanh nghiệp làm ăn tại đây và hi vọng sẽ sớm có những hợp đồng cụ thể trong thời gian tới".

Nhưng một người có lâu năm kinh nghiệm làm việc tại VN là ông Alfons van Gullick, chủ tịch Phòng Thương mại Hà Lan - VN kiêm giám đốc điều hành của Công ty Nedspice, công ty chuyên kinh doanh về gia vị tại VN, trấn an đồng hương của mình: "Mười năm tôi làm việc tại VN cho thấy các doanh nghiệp và Chính phủ ở đây có đầu óc rất thực tế. Ngày càng có nhiều công ty muốn theo chân chúng tôi vào làm việc tại đây. Tôi nghĩ các doanh nghiệp muốn thành công ở đây thì hãy làm việc với đầu óc cởi mở. Đừng đi đường tắt hay làm gì đó trái với luật pháp nước sở tại".



Nguồn: Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường