Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Nếu DN "chết" rồi ngân hàng "sống" với ai?”
17 | 03 | 2008
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, đồng đôla sụt giá dữ dội, những khó khăn của các DN xuất khẩu đã vượt quá phạm vi giải quyết của một Bộ Công thương. Đến giờ này mọi ánh mắt đang nhìn về Ngân hàng và Bộ Tài chính, chờ một giải pháp.

Chiều 14/3, hội nghị giao ban xuất khẩu phía Nam được tổ chức tại TP.HCM dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên. Cả hội trường với 300 doanh nghiệp nóng lên bởi hàng loạt vấn đề khó khăn đặt ra trong tâm trạng đầy sốt ruột và bức xúc.

Không thể đạt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 2008

Tất cả các DN đều cho rằng, hiện nay càng xuất khẩu càng lỗ, nên để giảm lỗ, chỉ có con đường duy nhất là giảm xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều cho biết, hiện nay do lạm phát nên chi phí để chế biến hạt điều tăng 40%, lãi suất ngân hàng tăng 30 - 40% các chi phí dầu, điện… đều tăng, khiến mỗi lô hàng đã ký hợp đồng trước đây bị lỗ 15 đến 20%. Rồi khi DN đem đôla về, quy đổi ra tiền đồng lại tiếp tục lỗ 2,5 đến 2,7 triệu đồng cho mỗi tấn nhân điều nữa. Như vậy là DN xuất khẩu bị lỗ kép.

cho.jpg

Cá ba sa ở An Giang. (Ảnh: AFP)

Tương tự, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê hiện nay cứ thu về 1 triệu USD bị lỗ 300 đến 400 triệu đồng.

Hiện nay các DN ngành điều đã ký hợp đồng xuất khẩu 730 triệu USD.  Ngành điều cũng như các ngành xuất khẩu khác đang rất lúng túng ở chỗ càng xuất khẩu thì càng lỗ, nhưng không thể không thực hiện, vì các hợp đồng đã ký.

“DN hiện nay đang uống liều thuốc độc để giải khát” - ông Nguyễn Trung Cang, vừa là Ủy viên HĐQT ngân hàng ACB vừa là giám đốc một DN, nói về thế tiến thoái lưỡng nan này.

Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu đưa ra các giải pháp, chung quy lại là thu hẹp xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết Hiệp hội đã có văn bản chỉ đạo hội viên khi ngừng không ký tiếp hợp đồng XK gạo trong tháng 3 nữa. DN muốn ký các hợp đống tháng Tư phải đạt các tiêu chuẩn: phải có tồn kho ít nhất 50% số lượng gạo, hợp đồng ngắn hạn chỉ trong vòng 2 tháng, lấy tiền bằng đồng euro càng tốt…

Theo đánh giá của DN, chắc chắn năm 2008 không thể nào đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 25% như chỉ đạo của Chính phủ nếu không có giải pháp nào khắc phục.

Trông chờ vào Ngân hàng Nhà nước

Hiện nay DN xuất khẩu đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn ập đến cùng lúc: lạm phát làm tăng chi phí đầu vào, lãi suất ngân hàng cao nhưng vẫn không có vốn để vay, đồng USD trượt giá khiến bị lỗ nhưng ngân hàng không mua.

Ông Nguyễn Trung Cang cho rằng với lãi suất lên tới 2%/tháng, chắc chắn sẽ phát sinh nợ quá hạn, đó là rủi ro cho ngân hàng. Ông kêu gọi ngân hàng hãy bắt tay với DN, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn: “Nếu DN "chết" rồi ngân hàng "sống" với ai?”.

cho1.jpg

Xuất khẩu gạo. (Ảnh: Bộ Công thương)

Thế nhưng theo phát biểu của ông Nguyễn Giang Nam, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Nam Việt (Navibank), thì ngân hàng cũng chẳng sung sướng khi cho vay với lãi suất cao. Với mức dự trữ bắt buộc 11%, có nghĩa vốn đầu vào của ngân hàng đã lên tới 13,3%, và đầu ra là lãi suất cuối kỳ 15%, không thể khác. “Biết là khó khăn cho DN đấy, nhưng chúng tôi cũng không được phép lựa chọn” - ông Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, trước áp lực quá lớn về lãi suất, các DN vẫn đề nghị 4 vấn đề: Ngân hàng Nhà nước xem xét lại mức lãi suất, ưu tiên vốn cho DN xuất khẩu, cân đối lại tỷ giá đồng USD và mua USD cho doanh nghiệp.

“Ngân hàng Nhà nước là hậu cần cuối cùng mà cũng từ chối mua USD, thì DN biết dựa vào đâu, biết sử dụng đồng tiền gì?” - ông Nguyễn Trung Cang kêu gọi.

Các DN chấp nhận tỷ giá đồng tiền nội địa và USD thay đổi đó là sự hiển nhiên, song đề nghị ngân hàng là nơi quy định phải cho DN biết sớm hơn và dự báo dao động đến mức nào để DN chủ động.

Vẫn chưa kết luận được về giải pháp

Không như trước, bối cảnh biến động của nền kinh tế khiến những khó khăn của DN xuất khẩu đã vượt ra phạm vi giải quyết của Bộ Công thương, nên cuộc họp giao ban lần này nói như ông Huỳnh Ngọc Lân là chỉ để “lắng nghe, tập hợp ý kiến của DN và trình lại cho Ngân hàng”. Và Ngân hàng cũng chưa chắc đã tự giải quyết được mà phải trình Chính phủ xin ý kiến.

Tuy nhiên theo gợi ý của các cơ quan quản lý, các DN cũng có thể giải quyết được một số vấn đề. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên gợi ý DN có thể đa dạng hóa quan hệ với các ngân hàng thương mại, đa dạng thị trường để đa dạng hóa đồng ngoại tệ, chấp nhận các đồng euro, đồng yên, đôla Singapore… để giảm bớt áp lực và rủi ro khi sử dụng duy nhất một loại đồng USD. Hoặc DN cũng có thể sử dụng công cụ chống rủi ro như bảo hiểm xuất khẩu.

cho2.jpg

Xăng tăng giá góp phần đẩy giá nguyên liệu đầu vào, khó khăn cho DN xuất khẩu. (Ảnh: Đặng Vỹ)

Bộ Công thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính mở rộng ưu tiên, dành cho DN xuất khẩu, từ việc trợ vốn, lãi suất đến việc mua USD và xác định tỷ giá hợp lý. Chẳng hạn như hiện nay BIDV đang cho vay với lãi suất 8,7% với hạn mức 5.000 tỷ, đối tượng được vay chủ yếu là hàng nông thủy sản. Ý kiến của Bộ Công thương là đề nghị Bộ Tài chính mở rộng cho các DN xuất khẩu đều được sử dụng nguồn này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, ngân hàng vẫn có thể điều hành tỷ giá theo cung - cầu, nhưng ưu tiên xuất khẩu. Lãi ngân hàng cũng chỉ ở mức1,2%, nếu vượt mức này sẽ quá sức chịu đựng của DN.

Theo ông Phạm Chí Dũng, Vụ trưởng vụ Xuất nhập khẩu Bộ Tài chính, thị trường trường thế giới năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi cho lĩnh vực xuất khẩu của DN Việt Nam. Các mặt hàng nông, lâm thủy sản, dầu thô là thế mạnh của Việt Nam không thiếu thị trường. Vì vậy, giải quyết được các vấn đề hiện tại, thì việc đạt được tăng trưởng xuất khẩu 25% không phải quá khó.



Nguồn: Tin Tức Online
Báo cáo phân tích thị trường