Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vào WTO, tiền lương xác định trên cơ sở nào?
20 | 07 | 2007
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, việc duy trì 3 mức lương tối thiểu giữa 3 loại hình doanh nghiệp như hiện nay là thể hiện sự phân biệt đối xử.

Có ý kiến cho rằng còn quá nhiều việc phải làm để điều chỉnh chính sách tiền lương hiện hành của Việt Nam cho phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế và tham gia vào cuộc chơi toàn cầu WTO. Còn ý kiến ông thế nào?

Khi gia nhập WTO, Việt Nam phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, các chủ thể tham gia quan hệ kinh tế. Tiền lương vì thế không thể áp đặt mà theo định hướng thị trường, được hình thành trên cơ sở mức sống, quan hệ cung cầu lao động và thoả ước lao động tập thể.

Nhưng một thực tế cho thấy, mức tiền lương mà người lao động hiện đang được nhận chưa đủ đáp ứng cho đời sống của họ. Bên cạnh đó, mức tiền lương này hầu như không dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, mà là sự áp đặt theo hướng bám chặt vào mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Tiền lương được coi là giá tiền công thực sự theo thị trường chỉ khi nó dựa trên sự thỏa thuận, đối thoại giữa người trả lương và người nhận lương qua thỏa ước lao động tập thể.

Thưa ông, đây chính là mâu thuẫn với những cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO?

Hiện nay, việc duy trì 3 mức lương tối thiểu giữa 3 loại hình doanh nghiệp đã thể hiện sự phân biệt đối xử. Việc khống chế mức lương trong doanh nghiệp Nhà nước, quy định về thang bảng lương cũng thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước. Những điều này là không phù hợp khi Việt Nam tham gia WTO.

Bên cạnh đó, hiện lương tối thiểu của Việt Nam có quá nhiều ràng buộc với hệ thống an sinh. Nếu như ở các nước, lương tối thiểu gắn với yếu tố lạm phát, thường được điều chỉnh kịp thời dựa trên những thay đổi về chỉ số giá sinh hoạt thì ở Việt Nam, lương tối thiểu còn là cơ sở để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc. Đây chính là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, chúng ta đang cải cách tiền lương theo hướng giảm dần các yếu tố can thiệp của Nhà nước và tăng cường sự tự chủ của các doanh nghiệp trong việc trả lương.

Vậy theo ông, giải quyết những mâu thuẫn này như thế nào khi Việt Nam chính  thức gia nhập WTO?

Theo tôi, chính sách tiền lương khi Việt Nam gia nhập WTO cần phải giải quyết 2 vấn đề quan trọng.

Thứ nhất là, tiền lương phải theo định hướng thị trường, nghĩa là tiền lương phải đủ cho người lao động sống, phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động và phải dựa vào sự thỏa thuận, đối thoại qua thỏa ước lao động tập thể. Đó là điều kiện không thể thiếu được.

Thứ hai là, không được vi phạm nguyên tắc phân biệt đối xử về tiền lương. Nghĩa là các loại hình doanh nghiệp phải có quan hệ rất bình đẳng với nhau về trả lương. Hiện nay, ở Việt Nam, mỗi loại hình doanh nghiệp có hình thức trả lương khác nhau. Các doanh nghiệp Nhà nước đang có cơ chế trả lương riêng và đang bị gò bó bởi hệ thống thang, bảng lương rất phức tạp.

Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân chỉ phải tuân thủ quy định về tiền lương tối thiểu. Muốn trả cao hơn bao nhiêu là tùy thỏa thuận của người lao động và chủ doanh nghiệp. Do vậy, để tạo ra sự bình đẳng trong trả lương, cần tháo bỏ những quy định gò bó này đối với doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phải sửa khá nhiều điểm về các mô hình hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, chính sách làm thêm giờ..., làm sao không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Cùng đó, lao động trong doanh nghiệp Nhà nước phải tham gia thị trường lao động, chứ hiện nay vẫn là viên chức.

Bên cạnh đó, cần phải thực hiện ngay lộ trình thống nhất tiền lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp.

Theo lộ trình, tới năm 2010 mới sáp nhập lương tối thiểu giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Như vậy có muộn không, thưa ông?

Thực tế cho thấy chính sách tiền lương nước ta hiện nay còn quá nhiều ngổn ngang, cần phải “dọn dẹp” mới đáp ứng được yêu cầu của hội nhập. Để thực hiện được điều đó phải có lộ trình. ở Trung Quốc, phải mất 13 năm chính sách tiền lương mới được công nhận là theo thị trường.

Nước ta có thể không mất nhiều thời gian đến thế, nhưng cũng phải thực hiện theo lộ trình cụ thể.



(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường