Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long - Hậu quả của sản xuất lúa thiếu bền vững
02 | 08 | 2007
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp, hơn cả dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng, vì nó ảnh hưởng trước hết đến thu nhập của người nông dân và đe doạ an ninh lương thực quốc gia.

Những con số báo động

Ông Nguyễn Hữu Huân - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo chống rầy nâu đồng bằng sông Cửu Long - cho biết: Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lúc đầu chỉ có 456ha bị nhiễm bệnh, nhưng 5 tháng sau tăng lên 46.000ha (hơn 100 lần), và, nay là 72.000ha. Tốc độ lây lan nhanh của dịch hại lúa gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Con số mà ngành nông nghiệp nêu ra làm nhiều người giật mình: sản lượng lúa hè thu, thu đông năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 18,6 triệu tấn, giảm 640.000 tấn so với năm 2005; trong đó giảm 223.000 tấn do dịch bệnh; giảm 417.000 tấn do giảm diện tích, chủ yếu lúa vụ 3. Với giá lúa trung bình 2.500đ/kg, dự đoán thiệt hại do dịch bệnh lên đến trên 1.500 tỷ đồng; đó là chưa kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công sức của nhà nông. Ngoài ra, để phòng chống dịch bệnh, các địa phương còn chi khoảng 46 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân tiêu diệt rầy nâu, tiêu huỷ lúa bị vàng lùn- lùn xoắn lá.

Sản xuất lúa thiếu bền vững

Truy tìm nguyên nhân sản sinh ra dịch hại lúa tại các tỉnh phía Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết giám đốc các sở nông nghiệp đều cho rằng, “thủ phạm” là do cơ cấu 3 vụ lúa liên tiếp trong năm, thậm chí có nơi làm 7 vụ/2 năm. Ông Bùi Chí Bửu – Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long nói: "Việc sản xuất lúa triền miên không theo mùa vụ, không cho đất nghỉ đã gây ra hàng loạt tác hại cho môi trường: giảm độ phì của đất, gia tăng ngộ độc hữu cơ, phát sinh và lưu cữu mầm bệnh, khó khăn cho phòng trừ sâu bệnh". Theo các nhà khoa học, có 4 nguyên nhân dẫn đến bùng phát rầy nâu: nông dân liên tiếp làm lúa, làm cho rầy nâu có điều kiện cư trú; sử dụng lúa thịt làm giống nên lúa dễ bị nhiễm rầy; phun thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau khi sạ lúa; làm đê bao khép kín không xả lũ.

Khó khăn nhất hiện nay là thay đổi tập quán sản xuất tuỳ tiện của nông dân, từ những kỹ thuật nhỏ như: gieo sạ quá dày; phun thuốc, bón phân hoá học quá nhiều và không đúng qui trình; đến cắt bỏ lúa vụ 3, gieo sạ đúng lịch thời vụ. Tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai người ấy làm, chạy theo lợi nhuận trước mắt... đã và đang gây khó khăn, trở ngại cho công tác phòng chống dịch. Tỉnh An Giang có chủ trương ngưng sản xuất lúa vụ 3 sau ngày 10/8, nhưng dân phản đối, buộc phải cho sản xuất. Và, hậu quả là toàn bộ diện tích lúa khu vực đó bị nhiễm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá, thiệt hại lớn. An Giang cũng là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ tiền tiêu huỷ lúa bị dịch hại nặng với mức cao nhất vùng: 1.229.000đ/ha. Vậy mà, cũng chỉ tiêu huỷ được 20/550ha lúa bị nhiễm nặng(!) Tỉnh Vĩnh Long đề ra mức phí hỗ trợ là 820.000đ/ha, nhiều nông dân không chấp nhận. Ông Hai Mum ở ấp Thành Hiếu, xã Thành Lợi huyện Bình Minh có 1,5ha lúa vụ 3 đều bị bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá còn cho biết thêm, nhiều nông dân trong xã bán lúa bị bệnh cho chủ vịt chạy đồng với giá 1,5-2 triệu đồng/ha, chỉ bằng 1/2 vốn đầu tư, nhưng vẫn hơn đốt lúa để nhận tiền hỗ trợ.

Ngoài lúa vụ 3, Vĩnh Long còn 12.700ha lúa dưỡng chét (lúa tái sinh). Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Liêm, Chi cục phó Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, lúa chét nuôi dưỡng mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm. Dù cấp uỷ đã ban hành văn bản nghiêm cấm, nhưng nhiều đảng viên lại đi đầu trong việc để lúa dưỡng chét. Nông dân Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Phú Thọ, xã Tân Phú tính toán: chỉ tốn 1 triệu đồng/ha tiền phân bón là có thể thu 50-60 giạ luá/ha, bán ít nhất cũng được 3 triệu đồng. Nếu lúa bị bệnh thì chủ nuôi vịt hỏi mua ngay, ít nhất cũng được hơn 1 triệu đồng, vẫn lời. Hỏi về tiền hỗ trợ của tỉnh, ông nói ngay “không đủ trả tiền công cày xới đất tiêu huỷ lúa"(!)

Cần biện pháp nhanh, mạnh, đồng bộ

Trong công điện khẩn gần đây, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Phải có biện pháp kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo sạ vụ đông xuân 2006 - 2007 đúng lịch thời vụ, kiên quyết không để nông dân tự phát gieo sạ sớm hơn thời gian qui định của cơ quan chuyên môn. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, từ 15/11 đến hết tháng 12/2006, đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung gieo sạ lúa đông xuân đồng loạt. Thế nhưng, tình trạng nông dân đang “xé rào”, tự phát xuống giống vụ đông xuân sớm, đang diễn ra đáng lo ngại, hiện đã có hơn 100.000ha. Rất nguy hiểm, trên những diện tích đã xuống giống này có khoảng trên 8.000ha đã bị nhiễm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá. Dự báo thất thu 1-2 triệu tấn lúa do dịch bệnh thời gian tới là một nguy cơ có thật. Ông Bùi Chí Bửu đề nghị Bộ NN&PTNT đưa ra lịch thời vụ gieo sạ thống nhất cho các tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh, huyện phải chịu trách nhiệm về lịch xuống giống của địa phương mình, không để nhân dân gieo sạ triền miên như trong thời gian qua.

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật phía Nam đã đưa ra biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình trạng rầy nâu di chuyển từ các tỉnh miền Đông xuống miền Tây; thiết lập một hệ thống hàng rào bẫy đèn tại Long An và Tiền Giang để theo dõi chặt chẽ sự di trú của rầy nâu, nhằm có dự báo, dự phòng chính xác nhất. Trong điện khẩn gần đây, Bộ trưởng bộ NN& NN&PTNT chỉ thị: ít nhất mỗi huyện có một bẫy đèn do trạm Bảo vệ thực vật huyện quản lý, ngoài dự báo chính xác các đợt rầy di trú, còn làm cơ sở khuyến cáo nông dân về thời điểm gieo sạ lúa đông xuân.

Vụ thu hoạch vừa qua cho thấy, diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá vào khoảng 2%, nhưng Việt Nam đã mất hơn nửa triệu tấn lúa. Theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, nếu 10% diện tích vụ sản xuất chính bị nhiễm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá thì Việt Nam sẽ phải ngưng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực và nếu vượt quá 30% thì phải nhập khẩu gạo. Thành bại của vụ đông xuân này đang thử thách việc điều hành của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương các cấp. Nên chăng, cần tổ chức tháng ra quân đồng loạt, huy động toàn lực tiêu diệt nguồn bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá và vệ sinh đồng ruộng; giao chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về công tác dập dịch?



(Theo VOV)
Báo cáo phân tích thị trường