Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An Giang: "Ngốn" 184.000 tấn phân hóa học, thuốc BVTV/năm
28 | 05 | 2009
Với 280.000 ha đất nông nghiệp, An Giang trở thành tỉnh xài phân bón hóa học, thuốc BVTV nhiều nhất ĐBSCL. Bởi với người nông dân, tất cả các dịch hại cây trồng đều được "can thiệp" bằng thuốc BVTV.

Kết quả khảo sát- nông dân "thú nhận" thường xịt thuốc BVTV trên 10 lần/vụ, và quan niệm sai lầm là dùng thuốc càng nhiều càng diệt sâu bệnh nhanh. Ông Nguyễn Văn Thế, có hơn 50 công ruộng ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành tự hào cho biết, năng suất lúa ruộng nhà ông luôn cao hơn ruộng liền kề. “Tôi sạ phân, phun thuốc thường “nặng tay” hơn mấy ổng mà”, ông Thế nói. Cạnh ruộng ông Thế là ruộng ông Hai Mính, 16 công. Ngày nào ông Mính cũng đi thăm ruộng, hễ thấy lúa hơi bị vàng là đem phân sạ ngay. “Tôi không sợ tốn, làm lúa mà để héo vàng èo uột bị người ta cười, bị chê riết”, ông Mính nói.

Theo bà Trần Thị Thanh Thủy, Chi cục phó Chi cục BVTV huyện Châu Thành thì chỉ có một lượng phân bón và thuốc BVTV nhất định được cây trồng hấp thu, phần còn lại bay hơi, chảy tràn hoặc ngấm vào đất. Bà Thủy còn cho biết nông dân chưa áp dụng triệt để các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp mà chỉ dùng thuốc BVTV như phương tiện chính phòng trừ bệnh hại. Đó là sai lầm cố hữu, rất khó sửa.

An Giang có 2,2 triệu dân thì 75% ở nông thôn, sinh sống bằng nông nghiệp. Huyện Châu Thành có trên 34.690 ha đất thì đất trồng lúa chiếm 97,44%. Tính riêng năm 2008, nông dân huyện này xài 21.908 tấn phân bón hóa học, 120 tấn thuốc BVTV và thải ra 6,1 tấn vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc. Với diện tích 280.000 ha đất nông nghiệp, nông dân tỉnh An Giang dốc cả trăm tỷ đồng mua 183.000 tấn phân bón hóa học và trên 1.000 tấn thuốc BVTV đổ xuống đồng ruộng mỗi năm. Con số này sẽ thật khủng khiếp nếu tính cho toàn diện tích 1,5 triệu ha lúa của ĐBSCL.

“Hiểm họa về môi trường, ô nhiễm nguồn nước, mất đa dạng sinh học động thực vật ngày càng tăng, đồng thời chất độc sẽ đi vào chuỗi thức ăn của con người là nguyên nhân chính gây ra các ăn bệnh hiểm nghèo trong tương lai”, một chuyên gia cảnh báo. Còn BS Lê Minh Uy, Trưởng Khoa VSATTP- Trung tâm Y tế dự phòng An Giang cho biết, việc sử dụng quá liều lượng các loại nông dược diệt cỏ dại, diệt nấm, diệt côn trùng, sâu bọ, hóa chất kích thích tăng trưởng…sẽ đi đến cái đích cuối cùng là căn bệnh ung thư ở người.



Nguồn: NNVN
Báo cáo phân tích thị trường