Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đánh thức tiềm năng vùng biên giới
08 | 11 | 2007
Thành Long là một xã nông nghiệp thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nằm giáp ranh với biên giới Campuchia. Từ trước đến nay, đời sống của người dân quanh năm chỉ biết gắn với ruộng đồng, nương rẩy.

Hai năm trở lại đây kể từ ngày Công ty Cổ phần đường Biên Hòa (BHS) rục rịch triển khai dự án Cụm chế biến Công nghiệp phía Tây sông Vàm Cỏ Đông tại địa phương này, nhiều người dân đã khấp khởi chờ đợi một cuộc đổi thay, bởi nay mai nhiều người trong số họ sẽ giả từ cuộc sống chân lấm tay bùn để bước vào nhà máy.

Ngày 9/10/2007 vừa qua, BHS đã tổ chức đợt chi tiền bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho 67 hộ dân nằm trong dự án Cụm chế biến Công nghiệp phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, với tổng số tiền 10,2 tỷ đồng. Lâu nay, vấn đề đền bù và giải phóng mặt bằng thường là nổi ám ảnh của nhiều nhà đầu tư bởi họ khó tìm được sự đồng thuận từ người dân, nhưng khi chứng kiến cảnh người dân ở đây hồ hởi nhận tiền đền bù, mới hay BHS - nhà đầu tư đầu tiên bước vào làm ăn ở xã này, đang gặp khá nhiều thuận lợi. Chủ tịch UBND xã Thành Long cho biết, trước đó ngày 21/9/2007, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định số 2012/QĐ-UBND thu hồi 374.506,5m2 đất tại ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành nhằm tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện dự án trên. Sở dĩ người dân chấp hành tốt là vì hơn ai hết họ kỳ vọng rằng, sau khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn không những cho chủ đầu tư mà cả nhân dân địa phương.

Dự án trên của BHS có diện tích 38 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, giai đoạn đầu BHS sẽ “rót” vào khoảng 500 tỷ đồng, bao gồm các tiểu dự án: một nhà máy đường công suất 6000 TMN; một nhà máy sản xuất Ethanol công suất 220.000 lít/ngày; một nhà máy sản xuất Furfuril Alcohol với nguyên liệu từ bã mía dư; một nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh; một nhà máy thức ăn gia súc; một cảng sông phục vụ nội bộ và kinh doanh dịch vụ; khu nhà ở cho CBCNV. Ông Nguyễn Xuân Trình, Tổng Giám đốc BHS cho biết, sau hơn 2 năm xúc tiến triển khai, hiện nay các đối tác nước ngoài đã khảo sát, nghiên cứu và đề xuất các phương án hợp tác đầu tư sản xuất Ethanol và Furfural, Furfuril tại đây. Ngày 15/8/2007 vừa rồi, cùng với đại diện Tập đoàn Fair Energy ( Thụy Sĩ) hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư Nhà máy Ethanol. Sau khi giải phóng mặt bằng, giai đoạn 1, sẽ tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, xây cảng ven sông Vàm Cỏ, vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Tiếp đến là xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol, khả năng sẽ hoàn thành cuối năm 2008 và xây dựng nhà máy Đường, hoàn thành vào cuối năm 2009.

Đối với người nông dân, việc nhường đất cho chủ đầu tư xây dựng dự án là một việc làm hết sức khó khăn vì điều này cũng đồng nghĩa với chặng đường trước mắt công việc của họ bị thay đổi, thậm chí còn đảo lộn. Đáng lưu tâm hơn là hầu hết số hộ nông dân ở đây đều thuộc diện bà con nghèo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Trình, việc đầu tư dự án có tầm vóc lớn như Cụm Công nghiệp Chế biến phía Tây sông Vàm Cỏ Đông sẽ giải quyết công ăn việc làm không chỉ cho các hộ nông dân tại xã Thành Long mà còn cho cả người dân tại Tỉnh Tây Ninh vì nhu cầu sử dụng lao động trong các nhà máy là khá lớn.

Một tín hiệu đáng mừng nữa cho cả chủ đầu tư lẫn người dân vùng biên giới là vừa qua UBND huyện Châu Thành cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh xem xét dự án quy hoạch vùng đất bán ngập 5.000 ha ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Châu Thành để xây dựng vùng chuyên canh mía, dự án cải tạo rạch Bàu lầy phục vụ tưới tiêu cho diện tích 4.000 ha đất trồng mía nhằm phục vụ dự án này của BHS. Hiện BHS cũng đang đàm phán với chính quyền tỉnh Svayriêng (Campuchia) để triển khai trồng khoai mì và mía trên diện tích 10.000 ha để phục vụ dự án. Cũng cần nói thêm, BHS đã có 12 năm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở Tây Ninh. Ngoài dự án Cụm Công nghiệp Chế biến phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đang triển khai, thời gian qua BHS đã gặt hái nhiều thành công từ một nhà máy đường có công suất 3.500 tấn, một nông trường chuyên canh mía với diện tích 960 ha, một nông trại sản xuất mía giống 80 ha tại Tây Ninh.

Có thể nói, nếu như trước đây, đa phần những vùng đất miền biên giới thường bị hoang hóa hoặc đưa vào sản xuất nhưng kém hiệu quả, thì nay các vùng đất miền biên giới ở Tây Ninh đã được đánh thức từng ngày bởi nhiều nhà đầu tư.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường