Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hợp tác Việt Nam - Phần Lan: Những lĩnh vực tiềm năng
26 | 02 | 2008
Trong lúc Việt Nam xác định EU là một trong những đối tác trọng điểm để thu hút đầu tư thì Phần Lan được xem như một ứng cử viên đầy tiềm năng với nhiều lợi thế bổ sung cho Việt Nam, nhất là khi hai nước vừa ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Phần Lan được tổ chức tại Hà Nội ngày 22/2, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Phần Lan và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức, Tổng thống Tarja Halonen khẳng định Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty của Phần Lan.

Những cơ chế thuận lợi

Đến Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Phần Lan, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Paavo Vayrynen nói khó có thể nhận ra được thành phố Hà Nội mà ông đã từng thăm năm 1984 khi ông đang làm trong ngành ngoại giao.

“Sự phát triển Hà Nội rất ấn tượng, một nền kinh tế cởi mở, hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Chính phủ Việt Nam đã có thể chuyển đổi những thành tựu của mình vì lợi ích của người dân”, ông Paavo Vayrynen cảm nhận.

Theo ông, một cơ chế lành mạnh và thuận lợi như vậy là điều vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp kinh doanh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đã trở thành thành viên của WTO. Điều này sẽ tạo cơ hội để hai bên cùng làm việc với nhau nhằm hỗ trợ cho sự thành công và những kết quả của vòng đàm phán Doha.

Điều quan trọng nữa được ngài Bộ trưởng Phần Lan đề cập đến chính là Hiệp ước phát triển toàn diện giữa cộng đồng châu Âu và Việt Nam sẽ được thông qua và triển khai sớm trong thời gian tới đây. Bên cạnh đó, quá trình đàm phán để hình thành khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN-EU đang và sẽ tạo ra những khung đa phương cho sự hợp tác.

Về khía cạnh song phương, Bộ trưởng Paavo Vayrynen nhìn nhận hai bên cũng có những cơ chế thuận lợi. Một phần cho minh chứng này là một loạt thoả thuận vừa được ký giữa hai chính phủ: Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Biên bản hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Biên bản hợp tác trong lĩnh vực vận chuyển hàng không và Hiệp định tài chính song phương giữa Việt Nam-Phần Lan.

Những lĩnh vực tiềm năng

Thiên nhiên ở Phần Lan không ổn định, nhất là ở vùng biển thấp so với mặt biển Bantích. Vì lý do này mà Phần Lan đã cố gắng phát triển những công nghệ thân thiện với môi trường. Trong vòng hơn 100 năm qua, Phần Lan đã quản lý những hoạt động và khai thác những cánh rừng này một cách hiệu quả.

Chính vì vậy, lĩnh vực lâm nghiệp là thế mạnh phát triển và hứa hẹn đối với tương lai hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Phần Lan đã có sự hợp tác với Việt Nam thông qua một số chương trình bảo tồn các cánh rừng. Việt Nam đã sử dụng được khá nhiều những tri thức từ phía Phần Lan. Trong tương lai, theo Bộ trưởng Paavo Vayrynen, có 3 mảng hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp có thể tăng cường sự hợp tác với nhau.

Trước hết là việc sử dụng một cách bền vững các cách rừng của Việt Nam cần có thông tin về hệ thống rừng. Phần Lan có thể hợp tác với Việt Nam trong xác định và đánh giá thông tin.

Thứ hai, chiến lược về tài nguyên của Việt Nam cần phải gắn với chương trình trồng rừng. Phần Lan cũng có những kinh nghiệm, tri thức về vấn đề này.

Thứ ba, để phát triển ngành lâm nghiệp của Việt Nam, cần có sự hợp tác giữa các công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp của Phần Lan và Việt Nam. Những công ty đó có thể là những công ty hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp hoặc liên quan đến lâm nghiệp.

Phần Lan cũng luôn luôn đề cao và tập trung nhiều vào lĩnh vực năng lượng. Với khí hậu lạnh, thời tiết khắc nghiệt nên Phần Lan rất cần có năng lượng. Do không có nguồn tài nguyên về năng lượng nhiều nên Phần Lan đã tiến hành bảo tồn năng lượng và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và phát triển những nguồn năng lượng có thể tái tạo.

Phần Lan hiện nay đã sản xuất khoảng 25% nguồn năng lượng của mình từ nguồn tái sinh và 85% trong đó được sử dụng bằng các năng lượng tái sinh. Năng lượng tái tạo cũng là một trong những chính sách quan trọng mà Cộng đồng châu Âu đưa ra.

Do vậy, Bộ trưởng Paavo Vayrynen cho rằng hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực này. “Phần Lan có kinh nghiệm cao với những công ty hàng đầu trong việc bảo tồn năng lượng và sử dụng năng lượng hữu hiệu, sản xuất năng lượng tái sinh”, ông nhấn mạnh.

Ngoài lâm nghiệp và năng lượng, lĩnh vực thứ ba chính là công nghệ thông tin. Phần Lan trước đây là một nước nông nghiệp nay đã trở thành một nước công nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nokia là minh chứng cụ thể, tập đoàn hàng đầu của Phần Lan và thế giới này đã phát triển phương thức để hỗ trợ con người giao tiếp ở những vùng cách xa nhau.

Có rất nhiều công ty của Phần Lan hiện là những công ty công nghệ thông tin hàng đầu mang tính sáng tạo cao, có thể hỗ trợ về kỹ thuật cho các công ty cung cấp dịch vụ thông tin của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phần Lan có nhiều lĩnh vực khác nữa có thể hợp tác với Việt Nam như: phát triển hạ tầng, xây dựng, khai thác mỏ, bốc dỡ tại cảng, công nghệ môi trường, vật liệu thô... Đây là những ngành Phần Lan có kinh nghiệm và tri thức. Thực tế, người dân Hà Nội đã được biết đến sự tham gia của Phần Lan vào dự án nước từ lâu. Nhìn rộng hơn, xa hơn thì công nghệ sạch của Phần Lan cũng là lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác.

Tính đến cuối năm 2007, Phần Lan đứng thứ 46 trong bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 5 dự án đầu tư, có tổng vốn đăng ký 33,4 triệu USD và vốn thực hiện đạt 6,6 triệu USD.

Nhìn vào số liệu đầu tư giữa Việt Nam và Phần Lan, phải thừa nhận một thực tế con số này còn rất nhỏ nhoi so với tiềm lực có thể có được. Mặc dù vây, theo Bộ trưởng Bộ Công thương và Phát triển Phần Lan, các con số có thể không nói lên toàn bộ sự thật bởi vì có rất nhiều công ty Phần Lan đang đóng vai trò đầu tư thông qua một nước thứ ba.

Do đó, mối quan hệ có thể rộng lớn hơn con số phản ánh. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nghĩ đến tiềm năng của hai nước chưa phát triển được hết, còn nhiều cơ hội mở ra.

Đoàn doanh nghiệp rất lớn của Phần Lan sang Việt Nam lần này với sự ủng hộ của bà Tổng thống Phần Lan sẽ càng chủ động hơn để đi tìm những cơ hội về hợp tác kinh doanh. Thông qua những quan hệ này, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng sẽ có những hợp đồng tốt hơn trong tương lai.



Theo Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường