Theo ''Chương trình Thu hoạch sớm'', từ 11/2004, Việt Nam đã giảm 400 dòng thuế nhập khẩu, phía Trung Quốc giảm 500 dòng thuế. Đây là cơ hội tốt cho các DN đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nên bắt đầu từ thị trường Tây Nam
Lý giải cho nhận định trên, bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho biết: ''Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc là hai khu vực có quan hệ truyền thống buôn bán, trao đổi mậu dịch từ lâu đời. Thứ hai là những thuận lợi về mặt vị trí địa lý, hàng hoá Việt Nam đưa sang đây còn gần và thuận lợi hơn nhiều so với hàng hoá đưa từ các tỉnh phía Đông và có nhiều cơ sở hạ tầng, giao thông sẵn có. Ngay từ thời Pháp thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Vân Nam đã được xây dựng ''.
Trung Quốc là thị trường rộng lớn đối với VN. Khi bắt đầu đi vào thị trường này, Vân Nam cũng là một sự lựa chọn đúng đắn vì đây thực sự là cửa ngõ để đi vào thị trường phía Tây và cả thị trường Trung Quốc, là một trong những đầu mối để thực hiện Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mà Việt Nam cũng đang tích cực tham gia.
Ngoài ra, Vân Nam là thị trường rộng lớn 43 triệu dân, quy mô bằng một nửa thị trường Việt Nam, là cửa ngõ để kết nối đi các nơi khác của Trung Quốc nếu muốn đi rộng hơn. Về cầu là tương đối phù hợp với khả năng cung của Việt Nam, thị hiếu cũng khá gần gũi với Việt Nam và đặc biệt là... chưa khó tính. Thu nhập bình quân của người Vân Nam là khoảng 2 triệu đồng/tháng, tương đương với thu nhập bình quân của một người dân khu vực TP.HCM. Nếu đi vào những tỉnh khác như Bắc Kinh, Thượng Hải, chắc chắn DN sẽ gặp khó khăn hơn nhiều vì đây là thị trường có tính cạnh tranh khá mạnh.
Bà Phạm Chi Lan cũng khẳng định: ''Mục tiêu của Việt Nam là đạt được kim ngạch xuất nhập khẩu trên 5 tỷ USD vào năm 2005, tôi nghĩ đây không phải là mục tiêu khó vì năm 2003, chúng ta đã đạt trên 4 tỷ USD rồi. Trung Quốc hiện đang nổi lên như một thị trường phát triển thương mại nhanh đối với VN. Thậm chí, người Nhật trong một số cuộc gặp gần đây với chúng tôi đã bày tỏ sự lo ngại trước quan hệ thương mại ngày càng tiến triển giữa 2 nước.
Buôn bán biên mậu có hiệu quả
Chiến lược ''Vết dầu loang'' của Biti's khi thâm nhập thị trường Trung Quốc |
Biti's đã bước chân vào thị trường Trung Quốc gần 10 năm và được đánh giá là DN thành công nhất khi thâm nhập thị trường này. Với bước đi ban đầu được gọi là ''Chiến lược vết dầu loang''. Biti's tranh thủ việc thương nhân Trung Quốc thường chủ động tìm kiếm nguồn hàng từ các nước láng giềng để mua bán trao đổi thông thương biên giới hai bên, chỉ cần hàng hoá có mặt tại các dịp hội chợ, triển lãm hoặc tại khu thương mại biên giới là thương nhân Trung Quốc đã tìm mua. Biti's tranh thủ điều kiện đó theo cách thẩm thấu dần và hỗ trợ tích cực cho bạn hàng để có kênh phân phối và thị phần nhất định tại Trung Quốc. Sau đó, vấn đề quan trọng là phải nhanh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu. Việc làm hàng giả, hàng nhái các sản phẩm của nước ngoài có uy tín, bán chạy tại thị trường này là đáng báo động. Biti's nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu từ tháng 4/1998, sau một thời gian dài giải quyết khiếu kiện, đến tháng 12/2000, Biti's mới được chính thức cấp giấy chứng nhận bảo hộ. |
Trước nay, hàng Trung Quốc "đổ bộ" vào Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Nhưng, hàng Việt Nam cũng đã bước đầu xâm nhập được vào thị trường này chủ yếu là bánh kẹo, hoa quả, thuỷ hải sản và giày dép. Bước đi ban đầu và quan trọng nhất đối với DN là phải chọn đúng thị trường mục tiêu, Tây Nam Trung Quốc là thị trường quá rộng lớn, các chuyên gia đều nhận định, DN cần nghiên cứu kỹ về thị trường, ngành hàng, và người tiêu dùng nhắm vào.
Theo ông Nguyễn Bá Tuấn, Giám đốc Dự án Công ty Hàng Việt, những mặt hàng DN ''kỵ'' đưa vào thị trường này là những sản phẩm giá rẻ, những sản phẩm chưa có thương hiệu và những sản phẩm chịu ảnh hưởng của rào cản phi mậu dịch và tập quán tiêu dùng như thực phẩm chế biến.
Ngược lại, theo ông Tuấn, những mặt hàng rất có lợi thế mà Việt Nam có thể dễ dàng đưa vào thị trường này là: các sản phẩm từ sữa (yourt, sữa trái cây), vật liệu xây dựng, đồ gỗ và trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu chế biến thực phẩm (hạt thực phẩm, trà, cà phê...), thuỷ hải sản khô và đông lạnh, dược phẩm, nguyên liệu thô (cao su, ngũ cốc, dầu thô, khoáng sản).
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nữa là DN phải chọn cách thức xâm nhập thị trường hợp lý. Cách thức đơn giản nhất là ''đánh du kích'', buôn bán biên mậu, giao hàng qua biên giới. Một số công ty đã bước đầu có chỗ đứng tại thị trường Tây Nam Trung Quốc như Biti's, Bita's... áp dụng hình thức giao hàng tại cửa khẩu sau khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu, phía đối tác chịu phần còn lại (chi phí, thuế, thủ tục nhập khẩu). Hiện nay, tại cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu, mặc dù không chính thức, nhưng khá nhiều đối tác đứng ra làm toàn bộ phần dịch vụ này với chi phí khá thấp, chuyên nghiệp và nhanh chóng. Ngoài ra, cách ''đánh'' tổng lực với sự hợp sức của một loạt DN cũng sẽ có hiệu quả (như việc tổ chức, tham gia các hội chợ). Theo kinh nghiệm của nhiều DN thì đây là hình thức quảng cáo phù hợp và hiệu quả nhất đối với các DN đang ở giai đoạn đầu thâm nhập thị trường này.
DN ''đói'' thông tin
Tiềm năng, cơ hội vào thị trường Trung Quốc thì đã rõ, tuy nhiên, một vấn đề mà các DN luôn băn khoăn là thông tin từ thị trường này, trong khi, phía Trung Quốc nắm thông tin thị trường Việt Nam khá rõ. Đơn cử như tỉnh Vân Nam, hàng tuần các cơ quan thương mại của họ đều nắm các thông tin về giá cả, mặt hàng tại Việt Nam, nhưng điều này Việt Nam chưa làm được.
Tình trạng chung của các DN muốn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc hiện nay là còn mò mẫm về thông tin, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác kinh doanh, chi phí tiếp cận thị trường vì thế mà còn quá lớn. Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nghệ An, cho biết: ''Nhiều DN chúng tôi rất muốn xuất hàng sang Trung Quốc nhưng còn thiếu thông tin, đặc biệt, DN chúng tôi còn băn khoăn, nếu có tranh chấp thương mại xảy ra, cơ chế giải quyết sẽ như thế nào và do bên nào đứng ra?''