Nguồn: Vnexpress.net
LONG AN- Thực trạng người dân Đồng Tháp Mười ồ ạt đào ao nuôi cá tra, tôm từ đất lúa khiến vùng đất này bị băm nát, theo tiến sĩ Lê Phát Quới, Trung tâm Khoa học Môi Trường và Sinh thái TP HCM.
- Đồng Tháp Mười (Long An) có 200.000 ha lúa hai vụ, sản lượng trên 2 triệu tấn mỗi năm, đứng thứ 4 ở miền Tây, nhưng khoảng 4 năm nay người dân bỏ lúa đào ao tự phát nuôi cá tra, tôm nước lợ với diện tích trên 3.700 ha. Ông đánh thế nào về tình trạng này?
- Trước đây, do nhu cầu lương thực nên chúng ta mở rộng diện tích canh tác, tăng vụ để tăng sản lượng lúa. Hiện nay, sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long vượt quá nhu cầu sử dụng, đời sống đã phát triển, nên nhu cầu lúa gạo đã giảm bớt, người ta cần ăn ngon hơn ăn no.
Tiến sĩ Lê Phát Quới, Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh Thái TP HCM trả lời phỏng vấn VnExpress ngày 21/5. Ảnh: Hoàng Nam
Thứ hai, ngoài những tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia phía trung - thượng lưu Mekong mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp nên sử dụng nguồn nước khá nhiều. Đặc biệt, tình trạng chặn nước của các đập thủy điện phía đầu nguồn khiến lượng nước về cuối nguồn đã bị giảm đáng kể trong nhiều năm qua. Việc canh tác lúa không còn thuận lợi như ngày xưa nữa. Do đó, việc giảm diện tích lúa, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường từng giai đoạn giúp tăng thu nhập cho người nông dân là điều quan trọng, tất yếu.
Tuy nhiên, chuyển đổi như thế nào cho phù hợp, cân bằng, sản xuất bền vững chứ không phải theo phong trào, để sau đó thấy không đúng, sửa lại thì phải trả giá khá lớn. Việc này cũng giống như xây một tòa nhà, phải tính toán kỹ khi đổ móng, chứ không thể xây lên mấy tầng, sau đó đập bỏ để sửa lại phần móng được. Chuyển đổi đất canh tác loại cây trồng này sang cây trồng khác tương đối dễ, nhưng chuyển đổi từ đất lúa sang đất thủy sản và ngược lại thì không hề đơn giản.
Bốn năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó xác định chuyển đổi trục, từ lúa gạo - trái cây - thủy sản sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Đề cập đến việc chuyển đổi, nhưng không phải chỗ nào cũng phát triển thủy sản. Nhà nước cần phải điều tra, đánh giá lại tài nguyên tự nhiên (đất, nguồn nước...) để đề xuất quy hoạch cho phù hợp với từng vùng sinh thái, quy hoạch sản xuất cần có sự liên kết vùng, để sản phẩm có đầu ra bền vững.
Tôi đi nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhận thấy, kể cả nhà nước đã có quy hoạch vùng sản xuất, tuy nhiên nông dân nuôi thủy sản lúc được, lúc không, đầu ra không bền vững. Sau một thời gian, nhiều trường hợp sổ đỏ người nuôi nằm hết ở ngân hàng, chỉ có thương lái, đại lý thức ăn, con giống là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
- Về lâu dài, việc đào ao nuôi thủy sản với diện tích quá lớn, nhất là nuôi tôm nước lợ sẽ ảnh hưởng đến sinh thái vùng Đồng Tháp Mười như thế nào?
- Nhìn trên ảnh vệ tinh, có thể thấy rõ diện tích nuôi cá tra, nuôi tôm ở Đồng Tháp Mười hiện nay phát triển rất nhanh. Vùng này đang bị băm nát bởi tình trạng nuôi thủy sản tự phát. Hiện chưa có đánh giá tác động cụ thể, nhưng chắc chắn về lâu dài sẽ có ảnh hưởng.
Đây là vùng sinh thái nước ngọt, tôm thẻ chân trắng lại sống ở vùng nước lợ - mặn ven biển. Đồng Tháp Mười được hình thành từ trầm tích đầm lầy biển và trầm tích biển, khi biển thụt lùi khoảng 5.000 - 7.000 năm trước. Do vậy, bên dưới tầng đất nông, các túi nước mặn vẫn còn lưu trữ.
Vì vậy, để nuôi tôm, người dân khoan giếng tầng nông lấy nước mặn hoặc pha thêm muối vào nước. Trong đất, nước di chuyển theo hai chiều: dọc và ngang, do đó, việc sử dụng nước mặn để nuôi tôm sẽ làm cho đất bị nhiễm mặn tại khu vực nuôi lẫn các vùng xung quanh, vấn đề chỉ là ít hay nhiều. Ví dụ, ở các khu vực ven biển có các đê ngăn mặn để sản xuất, nhưng những đám ruộng sát phía trong bờ đê vẫn bị ảnh hưởng mặn do thẩm thấu theo nước chiều ngang.
Khi mặn đã ngấm vào đất, sau này có muốn rửa cũng rất khó, mà muốn san lấp ao để trồng cây hoặc lúa trở lại thì vô cùng khó. Ngoài ra, trong quá trình nuôi thủy sản, các chất thải từ các ao nuôi cũng sẽ di chuyển ra các hệ thống kênh vốn là nơi người dân lấy nước bơm vào đồng ruộng, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi nước kênh ô nhiễm, nhiều thủy sản cũng sẽ bị giảm đáng kể, ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người dân địa phương.
Do đó, nhìn trước mắt có thể thấy nhiều người nuôi tôm nước lợ giàu lên, tuy nhiên, tính bền vững của mô hình phát triển thủy sản tự phát này sẽ là một vấn đề trong tương lai. Thực trạng nuôi trồng thủy sản ồ ạt tại một số nước như Thái Lan trước đây là một bài học đắt giá. Sau này, chính ngành nông nghiệp nước này cũng đã phải thay đổi nhiều để khắc phục.
Mặt khác, đứng về mặt nhà nước, quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, bao gồm cả tài nguyên đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười, ngoài việc quy hoạch ngắn hạn trong 5 năm, 10 năm, thì cũng phải tính đến giai đoạn dài hơn, để dành tài nguyên cho thế hệ mai sau. Không thể để con cháu chúng ta lớn lên bên những cánh đồng suy thoái bởi những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay.
Hàng chục ao nuôi cá tra từ phát chuyển mục đích trái phép từ đất lúa tại huyện Tân Hưng giữa tháng 5. Ảnh: Hoàng Nam
- Những nơi như bán đảo Cà Mau vốn mặn từ trong đất, lại chủ trương ngọt hóa trồng lúa, còn nơi đất thích hợp trồng lúa như Đồng Tháp Mười lại đào ao nuôi tôm nước mặn. Đâu là nguyên nhân của sự nghịch lý này?
- Đồng bằng sông Cửu Long được bồi đắp cách đây khoảng 7.000 năm trở lại. Là vùng đồng bằng châu thổ, bao gồm sinh thái mặn, sinh thái lợ, sinh thái ngọt, sinh thái phèn. Điều kiện tự nhiên hoàn toàn khác so với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Trước đây, tôi từng tư vấn cho một số tổ chức quốc tế tại một số tỉnh miền Tây, và nhận thấy tại địa phương luôn có hai bản đồ, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và bản đồ thực tế sử dụng. Nhiều vùng sinh thái mặn thích hợp nuôi tôm và thủy sản nước mặn nhưng lại quy hoạch trồng lúa. Bình thường không có gì, khi mùa mưa bão, có đê bao nhưng ruộng lúa vẫn bị mặn xâm nhập, do đó thực sự không có hiệu quả.
Do canh tác lúa không hiệu quả, một số người dân đã lén đưa nước mặn vào để nuôi tôm nước lợ, tăng hiệu quả. Chính vì thế, một số nơi, chính quyền địa phương đã để cho người dân tự chuyển đổi đất để nuôi thủy sản. Tương tự, nhiều vùng chỉ thích hợp trồng cây ăn trái, lại quy hoạch trồng lúa, sau nhiều năm không hiệu quả phải khôi phục trở lại như ban đầu.
Nên nhìn từ bản đồ quy hoạch và bản đồ sản xuất thực tế tại những địa phương này rất khác nhau. Rõ ràng, quy hoạch như trên là quy hoạch không dựa vào điều kiện sinh thái tự nhiên của từng vùng, điều kiện sản xuất của dân địa phương. Chúng ta có thể liên hệ đến dự án ngọt hóa một phần bán đảo Cà Mau. Trước đây dự án này đã được đánh giá đạt nhiều kết quả, nhưng đến giai đoạn hiện tại có thể thấy dự án đã thất bại, mà nguyên nhân chủ yếu là đi ngược lại với điều kiện tự nhiên.
- Nông dân trồng lúa thì chắc chắn khó làm giàu, mà nuôi thủy sản tự phát như hiện tại cũng không xong. Hướng đi nào để Đồng Tháp Mười phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện khí hậu ngày càng cực đoan như hiện nay?
- Đồng Tháp Mười được xem như bồn trũng nội địa, đất đai còn khá hoang vu, đất phèn chiếm phần lớn diện tích vùng này. Sau năm 1975, để có thể quy hoạch sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã thực hiện một chương trình điều tra cơ bản tổng hợp về tài nguyên tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long: địa chất, đất, nước, tài nguyên sinh vật, và kinh tế - xã hội.
Kết quả khảo sát, vùng Đồng Tháp Mười phát triển trên hai nền trầm tích: Trầm tích cổ (Pleistocene) hình thành các nhóm đất xám và Trầm tích mới (Holocene) hình thành các nhóm đất chính như đất phèn, đất nhiễm phèn, và đất phù sa.
Trong giai đoạn đầu của tiến trình khai phá, các khu vực đất xám chỉ phù hợp với trồng lúa, hoa màu, và cây ăn trái; các vùng đất phèn nặng được trồng khoai mỡ, khóm, mía, tràm... Qua quá trình cải tạo và sử dụng tài nguyên đất đai để sản xuất gần 3 thập niên qua, tính chất tự nhiên về đất đai ở vùng này đã thay đổi khá nhiều. Diện tích đất phèn được thu hẹp nhờ vào cải tạo, tuy nhiên, tài nguyên đất ở nhiều khu vực đã bị suy thoái do sử dụng không hợp lý, khai thác quá mức.
Các tác động do thay đổi khí hậu nhiều năm qua đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tình trạng khô hạn xảy ra thường xuyên hơn dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nước sản xuất ở một số khu vực, nhất là những năm khô hạn cực đoan.
Máy xúc đang đào ao trưa ngày 13/5 để nuôi tôm trái phép tại Tân Lập, Mộc Hóa. Ảnh: Hoàng Nam
Vì vậy, trước mắt, cần phải điều tra - đánh giá lại tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là đất và nước, là hai tài nguyên rất quan trọng để quy hoạch phát triển sản xuất của một khu vực. Kết hợp phân tích, đánh giá tác động do biến đổi khí hậu ở mức độ khác nhau đối với sản xuất từng khu vực trong vùng Đồng Tháp Mười.
Thứ hai, từ kết quả đánh giá hiện trạng, tiến hành quy hoạch - chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp cho từng khu vực. Khi nhà nước đã có quy hoạch, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ các thành phần liên quan trong chuỗi giá trị, trong đó có nông dân lẫn doanh nghiệp. Chính sách cho sản xuất nông nghiệp chính là đòn bẫy để phát triển.
Cuối cùng, nên thực hiện liên kết vùng sản xuất của tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã được đề xuất giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang và được Chính phủ cho chủ trương 5 năm trước. Mục tiêu của sự liên kết để triển khai các cơ chế, chính sách và điều phối để thực hiện các chương trình liên kết tiểu vùng cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.