Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khởi nghiệp bán cà phê không cần... hạt
02 | 06 | 2021

(doanhnhansaigon.com)_Trước khi Tesla xuất hiện, bạn chẳng có lựa chọn nào ngoài xe chạy xăng và dầu diesel. Tương tự, trước khi Atomo ra đời, bạn cũng chẳng có lựa chọn nào ngoài cà phê được trồng từ việc phá rừng.

Jarret Stopforth - nhà đồng sáng lập của Atomo Coffee, startup nghiên cứu, sản xuất cà phê nhân tạo có trụ sở tại Seattle (Mỹ), đã khẳng định như vậy. Theo hãng tin Bloomberg, Stopforth cùng nhà đồng sáng lập Andy Kleitsch đã dành hơn 2 năm để nghiên cứu, phát triển cà phê nhân tạo, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe, không gây hại cho môi trường mà vẫn giữ được sự thơm ngon của cà phê.

Đội ngũ nhân sự của Atomo. Ảnh: Atomo.

Đội ngũ nhân sự của Atomo. Ảnh: Atomo

Hiện, sau 2 vòng gọi vốn, startup này đã huy động được khoảng 11,5 triệu USD. Hai cái tên đáng chú ý đã rót vốn cho Atomo Coffee phải kể đến Horizons Ventures và S2G VenturesHorizons Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Hồng Kông chuyên tập trung vào các startup công nghệ, đồng thời cũng quản lý cả tài khoản đầu tư tư nhân của tỷ phú Lý Gia Thành trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông. Trong khi đó, S2G Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm đa giai đoạn, tập trung vào lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp. Cả hai quỹ này trước đó đều đã rót vốn lần lượt cho hai startup thực phẩm nhân tạo là Impossible Foods và Beyond Meat.

 

Có thể thấy, việc phát triển các thực phẩm nhân tạo, có nguồn gốc từ thực vật, đang là lĩnh vực sở hữu tiềm năng tăng trưởng, cũng như là xu hướng thu hút sự chú ý của nhiều công ty thực phẩm trong thời gian gần đây. Đơn cử như Nestle với hàng loạt sản phẩm, từ sôcôla thuần chay đến các sản phẩm thay thế xúc xích; McDonald's với có burger chay McPlant tại châu Âu. Thậm chí, hãng sản xuất thịt lớn nhất nước Mỹ - Tyson Foods cũng đã cho ra mắt dòng sản phẩm thịt 100% thuần chay vào tháng 5, trong đó có "thịt bò" xay và nhiều loại "xúc xích".

Dù vậy, việc chinh phục thị trường cà phê vốn "khó tính" bằng một sản phẩm cà phê không làm từ hạt cà phê tuyệt không phải chuyện đơn giản. Đối với nhiều người, cà phê sở hữu mối liên hệ mật thiết hơn so với nhiều loại thực phẩm khác, dù đó có thể là các món ăn mang tính biểu tượng như kem hay sandwich. Với số khác, thức uống này còn là một phần của văn hoá, ký ức, và có sự thay đổi đáng kể tuỳ theo vùng miền.

Song, đối với Atomo Coffee, riêng yếu tố về hương vị dường như không phải vấn đề quá đáng ngại, dù nó được làm từ các nguyên liệu phụ phẩm như vỏ hạt hương dương và hạt dưa hấu... Sau khi trải qua quy trình chế biến đặc biệt, sản phẩm thu được không chỉ sở hữu hương vị, màu sắc giống cà phê mà còn có cả caffeine. Dù sản phẩm ủ lạnh thiếu chút vị đắng quen thuộc của một tách cà phê truyền thống, Atomo Coffee vẫn khá mượt mà với vị ngọt hậu kéo dài.

Trên trang gọi vốn cộng đồng Kickstarter - nơi startup này đã nhận hơn 25.000 USD, gấp 2,5 lần mục tiêu ban đầu, Atomo Coffee cho biết 70% sinh viên thuộc Đại học Washington được khảo sát mù (blind test) đã chọn cà phê của họ thay vì sản phẩm từ các thương hiệu lớn khác.

Ngoài ra, một lợi thế nữa có thể giúp Atomo Coffee tiến xa hơn là, so với các doanh nghiệp phát triển thịt hay sữa nhân tạo, cà phê không có tiêu chuẩn nhận dạng do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định. Đồng nghĩa, cà phê không nhất thiết phải đến từ một nơi cụ thể, hoặc thậm chí một nhà máy cụ thể nào, Kleitsch cho biết.

"Dù vậy, chúng tôi cho rằng, sẽ có những thách thức về mặt pháp lý xung quanh việc đặt tên cho sản phẩm" nhà đồng sáng lập nói, đồng thời khẳng định điều này sẽ không ngăn được việc Atomo gắn nhãn sản phẩm của họ là cà phê. "Chúng tôi đang thách thức các quy chuẩn và tạo ra sự đột phá đối với những người khổng lồ", Kleitsch nói.

Sản phẩm cà phê nhân tạo của Atomo. Ảnh: Atomo.

Sản phẩm cà phê nhân tạo của Atomo. Ảnh: Atomo

Sau hơn 2 năm phát triển, Atomo Coffee rốt cục cũng đã có kế hoạch tung sản phẩm của mình ra thị trường trong năm nay, với hình thức cà phê lon ủ lạnh. Theo startup này, đích đến cuối cùng là mở rộng sang các cà phê hoà tan, cà phê xay ủ tại nhà và nguyên hạt. 

 

Hiện, Kleitsch và Stopforth đang cố gắng xây dựng quan hệ đối tác với các cửa hàng cà phê cao cấp, nhất là các nơi quan tâm đến việc giảm lượng khí thải carbon. Bên cạnh đó, Atomo cũng cân nhắc việc bán cà phê trực tuyến thông qua website.

Riêng tại Seattle, Atomo Coffee đang đàm phán với Cone and Steiner - một chuỗi cửa hàng tạp hoá địa phương mong muốn trở thành một trong các đối tác bán lẻ đầu tiên của startup này. Dani Cone - chủ sở hữu thế hệ thứ tư của chuỗi cửa hàng này, người đã có 30 năm làm việc trong ngành công nghiệp cà phê và 15 năm điều hành một cửa hàng cà phê ở Seattle, thừa nhận ban đầu đã nghi ngờ về cà phê của Atomo. Tuy nhiên, sau khi nếm thử, bà đã bị thuyết phục.

"Đối với bất kỳ một sản phẩm mới nào như thế này, sẽ luôn cần thời gian để ‘giáo dục người tiêu dùng', giống như đối với tôi vậy" Cone nói. Dù vậy, nữ doanh nhân tự tin rằng, Atomo Coffee sẽ có thị trường ngách, gồm những người bận rộn, quan tâm đến môi trường đang tìm kiếm đồ uống pha sẵn như cà phê.

"Chúng tôi thích ví bản thân giống Tesla của ngành cà phê", Stopforth - nhà sáng lập với hai mươi năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học và phát triển thực phẩm, nói. "Trước khi Tesla xuất hiện, nếu muốn một chiếc xe vừa sang trọng, vừa mạnh mẽ, lại không chạy bằng xăng hay dầu diesel, thì bạn chẳng có lựa chọn nào cả. Tương tự, trước khi Atomo ra đời, bạn cũng chẳng có lựa chọn nào ngoài những cốc cà phê được trồng từ việc phá rừng. Nhưng giờ thì đã khác", Stopforth nói.

Được biết, ngành cà phê thế giới có tổng giá trị khoảng 100 tỷ USD, nhưng lại đang chịu tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu. Việc Trái Đất nóng dần lên đã khiến sản lượng cà phê bị ảnh hưởng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Royal Botanic Gardens (Anh), sản lượng cà phê Arabica sẽ giảm ít nhất 50% trong 7 năm tới. Sự suy giảm sản lượng sẽ khiến các trang trại phải tốn nhiều chi phí hơn để tăng năng suất, phá rừng nhiều hơn để lấy đất cũng như tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn cho thứ đồ uống này.



Báo cáo phân tích thị trường