Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi nước giàu đổi mới nông nghiệp
21 | 06 | 2021

Nguồn: Nongnghiep.vn

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước giàu với thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của họ lần lượt là 40.245 USD và 31.846 USD so với 2.715 USD của Việt Nam (WB). Đây cũng là hai nước có nền nông nghiệp tiên tiến và là hình mẫu cho nhiều nước đang phát triển, nhất là ở châu Á học tập.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt bậc thang cao nhất của tiến trình đổi mới nông nghiệp, theo đó tỷ lệ GDP nông nghiệp lần lượt là 1,3% và 2%, tỷ lệ lao động nông nghiệp là 3,4% và 4,8% (2017). Trong thời điểm thế kỷ 21 bước vào thập niên thứ ba, cả hai nước đã ban hành kế hoạch đổi mới nông nghiệp cho giai đoạn tới (Nhật Bản cho giai đoạn 2020-2030 và Hàn Quốc cho giai đoạn 2018-2022). Nội dung của kế hoạch bao gồm các định hướng và giải pháp mới mà Việt Nam, tuy là nước đang phát triển, có thể nhận thấy sự phù hợp để tham chiếu trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của mình cho giai đoạn 2021-2030.

Hai nước phát triển nông nghiệp theo mô hình khá giống nhau khi nền nông nghiệp có chung đặc điểm quy mô nông hộ nhỏ (năm 2017, Nhật Bản bình quân 2,9 ha/nông hộ và Hàn Quốc bình quân 1,56 ha/nông hộ) được tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác xã dưới sự hỗ trợ rất lớn từ nhà nước. Đồng thời sản xuất được sự trợ cấp, trợ giá đặc biệt. Ở Nhật Bản tổng hỗ trợ cho nông nghiệp giai đoạn 2017-2019 chiếm 0,9% GDP.

Phương thức này phần nào đã khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ, đặc biệt về ứng dụng các tiến bộ khoa học của nước phát triển nhất là cơ giới hóa, giống mới và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên qua thời gian dài, nền nông nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đã bộc lộ những tồn tại giống nhau, đó là:

- Khả năng tự túc quốc gia về lương thực thực phẩm suy giảm và sự lệ thuộc vào nhập khẩu gia tăng. Năm 2018 Nhật chỉ tự túc được 37% tính theo lượng calorie, mức thấp nhất từ trước nay, còn đến 63% calorie cung cấp nhờ vào nhập khẩu; năm 2020 nhập khẩu nông sản 56,5 tỷ USD trong khi xuất khẩu nông sản 8,5 tỷ USD. Hàn Quốc năm 2017 có mức tự túc lương thực thực phẩm đạt 48,9%, nhập khẩu nông sản 32,3 tỷ USD và xuất khẩu nông sản 6,7 tỷ USD.

 - Chênh lệch về thu nhập của hộ nông nghiệp và hộ thành thị ngày càng tăng, dù nhà nước trợ cấp rất lớn, khiến nông nghiệp thiếu sức thu hút, nông dân già hóa (nông dân trên 65 tuổi ở Hàn Quốc chiếm 38% còn ở Nhật Bản chiếm trên 50%). Năm 2017,  ở Hàn Quốc thu nhập hộ nông nghiệp bằng 64% hộ thành thị. Ở Nhật Bản có tình trạng nông dân bỏ đất hoang hóa khoảng 100.000 ha trong 2018, với lý do chủ yếu là do nông dân tuổi cao hoặc thiếu lao động.

- Sản phẩm nông nghiệp thiếu tính cạnh tranh quốc tế về giá do giá thành cao, ví dụ giá gạo ở Nhật Bản cao gấp 5 lần so với Thái Lan trong năm 2020.

Ngoài ra, bên ngoài thế giới đang thay đổi với các bất ổn khó lường, sự gia tăng của xu thế hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại và khả năng đổi thay diện mạo nông nghiệp từ cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra có thể đã tác động đến hai nước giàu trong tính toán lại về mô hình phát triển nông nghiệp của mình.   

Chính phủ Nhật Bản trong năm 2020 đã thông qua kế hoạch đổi mới nông nghiệp cho 10 năm tới đến năm 2030 với 5 mục tiêu chủ yếu:

- Tự chủ lương thực thực phẩm (không bao gồm cho chăn nuôi) đến năm 2030 đạt 53% tính trên lượng calorie và 79% trên giá trị sản xuất. Trừ lúa, sản lượng các nông sản khác đều tăng so với hiện tại để thay thế nhập khẩu hoặc tăng xuất khẩu.

- Đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm ổn định bằng nâng cao hiệu quả sản xuất, trong đó nhấn mạnh nâng cao thu nhập nông dân và gia tăng xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp bao gồm thủy sản và lâm nghiệp đến 2030 đạt 47 tỷ USD.

- Phát triển nông nghiệp bền vững bằng củng cố 80% diện tích đất nông nghiệp được nông dân quản lý hiệu quả và ổn định; hỗ trợ lớp nông dân mới; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp gia đình tăng năng lực sản xuất; kết nối sản xuất - chuỗi cung ứng bằng ứng dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ số, củng cố giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hữu cơ.

- Phát triển nông thôn thông qua tăng thu nhập và cơ hội việc làm; cải thiện cơ sở hạ tầng tạo điều kiện tốt cho cuộc sống ở nông thôn.

- Tạo đồng thuận quốc gia, kết nối hợp tác công tư, thống nhất nhận thức nông nghiệp là "nền tảng quốc gia" để hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững và cải thiện khả năng tự túc về lương thực thực phẩm. 

Kế hoạch phát triển nông nghiệp bao gồm 4 trụ cột:

- Mở rộng an toàn thu nhập cho nông dân thông qua các hoạt động: giảm diện tích lúa khoảng 50.000 ha (nông dân chuyển 1 ha lúa sang trồng đậu tương hoặc cây có hạt khác được trả 3.006 USD), xây dựng quỹ ổn định giá rau (nhà nước góp 30%, địa phương 30%, hợp tác xã 20%, nông dân 20%). Nhà nước chi trả hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thực hiện tốt bảo vệ môi trường và hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến 75% chi phí.

 - Củng cố phát triển bền vững trong công nghiệp nông nghiệp - thực phẩm với các hoạt động như hỗ trợ nông dân trẻ khởi nghiệp bao gồm lĩnh vực chế biến, ứng dụng sản xuất nông nghiệp thông minh, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp kinh phí tự đặt hàng viện nghiên cứu theo nhu cầu.

- Xây dựng hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân thông qua các hoạt động: tăng mức độ hài lòng về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; tăng cường quản lý, giám sát; luật hóa tiêu chuẩn thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh cho chăn nuôi; hoàn thiện hệ thống cấp chứng chỉ sản phẩm an toàn. 

- Xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ phúc lợi ở các vùng nông thôn để biến thành nơi đáng sống. Một số hoạt động bao gồm xây dựng 1.600 làng nông thôn kiểu mới đến 2022, gia tăng các dịch vụ phúc lợi và đặc biệt trả lương hưu cho nông dân cao tuổi bằng 90% giá trị đất sản xuất (khoảng 999 USD/tháng).

Cách định hướng đổi mới nông nghiệp trong thời gian tới giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có điểm giống nhau như xem trọng tính bền vững của phát triển nông nghiệp đối với môi trường, khai thác và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, trẻ hóa nông dân và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống khu vực nông thôn. Điểm khác nhau là trong khi Hàn Quốc chú trọng đến việc cung ứng sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đến người dân thì Nhật Bản quan tâm đến nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng hiệu quả sản xuất để tăng khả năng tự túc lương thực thực phẩm. Hàn Quốc quan tâm đến phục vụ cho tiêu dùng nhiều hơn vì có quy mô sản xuất nhỏ với diện tích đất nông nghiệp khoảng 1,6 triệu ha so với 4,4 triệu ha ở Nhật.    

Nhìn lại Việt Nam, phát triển nông nghiệp cũng đang có các tồn tại như thu nhập nông dân thấp, cách biệt thu nhập giữa hộ nông thôn và thành thị lớn, sản xuất và quản lý về chất lượng, vệ sinh an toàn phẩm chưa hoàn thiện, nông dân cao tuổi chiếm tỷ lệ cao, trong khi sức thu hút nguồn nhân lực trẻ thấp.

Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt kết quả khích lệ đối với hai mục tiêu, đó là đảm bảo vững chắc tự túc quốc gia lương thực thực phẩm với chủng loại đa dạng và từ một nước nhập khẩu nông sản đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn, trong đó một số nông sản quan trọng là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới (Việt Nam xếp thứ 17 về xuất khẩu nông lâm thủy sản trên thế giới với kim ngạch năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD).

Đây là "thành tựu kép" nhưng vẫn còn nhiều khoảng cách cần được tiếp tục đổi mới sâu hơn về chất lượng, hiệu quả và tính bền vững. Hai mục tiêu này Việt Nam đã và đang tiếp tục thực hiện phù hợp với định hướng đổi mới nông nghiệp của Nhật Bản trong giai đoạn tới.

Riêng đối với các mục tiêu (1) tăng thu nhập nông dân, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị; (2) xây dựng nông thôn đáng sống; (3) hình thành lớp nông dân mới, đối với Việt Nam cũng đang là những mục tiêu cấp thiết.

Các cách tiếp cận của Nhật Bản và Hàn Quốc là phát triển mô hình "công nghiệp nông nghiệp - chế biến - phân phối", tăng tính đa dạng đối với tổ chức sản xuất (Nhật Bản khuyến khích tích tụ đất, phát triển các loại hình doanh nhiệp nông nghiệp) và tăng các giá trị về môi trường, du lịch, văn hóa... có thể là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam.

Chặng đường nhiều thử thách đối với Việt Nam là giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp đang rất cao hiện nay (còn đến 34,7% năm 2019) vì kinh nghiệm các nước cho thấy quá trình này mất thời gian khá dài. Để giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 34% xuống 10% Hàn Quốc mất 20 năm.

Cách đi nhanh là tích tụ đất đai để nâng cao quy mô sản xuất nông hộ và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất - chế biến trong đó chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, bổ sung cho phương thức hợp tác xã của nông hộ nhỏ để thúc đẩy chuyển dịch lao động nông nghiệp và thu hút nhân lực trẻ, song song với áp dụng công nghệ cao, đặc biệt công nghệ số vào phát triển nông nghiệp.

Thực tiễn ở các nước châu Á cho thấy tích tụ đất đai làm tăng quy mô cho nông hộ nhưng không dẫn đến tích tụ đại điền, khác với các châu lục khác. Ví dụ, Thái Lan là nước có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn (16,8 triệu ha so với 9,6 triệu ha ở Việt Nam, 2020) và với thể chế tư hữu đất đai nhưng tỷ lệ trang trại có diện tích lớn hơn 80 ha chỉ chiếm 1,5% đất nông nghiệp (2013).

Thời điểm đã chín muồi cho việc thể chế hóa tích tụ đất nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là đường lối phát triển đất nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021).

Chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp sẽ tận dụng được cơ hội mà công nghệ số sẽ mang đến cho nông nghiệp không phân biệt đó là nông nghiệp của nước đang phát triển hay phát triển.    

(Ghi chú: các số liệu trong bài viết được tham khảo từ tài liệu chính thống của Bộ ngành liên quan hoặc tổ chức quốc tế).

 Bùi Bá Bổng

 Trọng Toàn

 Trọng Chính - Tùng Đinh - TL

 



Báo cáo phân tích thị trường