Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
COVID-19 khiến đầu ra của thanh long gặp khó
03 | 09 | 2021
Dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long, gặp khó. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cũng đang siết chặt kiểm dịch đối với các mặt hàng xuất khẩu.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Tại Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết ở Việt Nam, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong những năm qua.

Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tới hơn 80%), Thái Lan, Indonesia. Thời gian qua, thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như Châu Á, Châu Âu và Mỹ, đồng thời được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh long Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng lên với một số nguồn cung khác từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long, gặp khó. 

Thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc siết chặt kiểm dịch đối với nhiều mặt hàng, trong đó có thanh long hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định, các hoạt động logistics có chi phí tăng cao đột biến cũng chồng thêm những bất cập cho xuất khẩu thanh long.

Tuy nhiên, theo ông Phú nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục tăng. 

Thông qua hàng loạt các sự kiện giao thương trực tuyến trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan liên quan tổ chức thời gian qua cho thấy, khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.

COVID-19 khiến đầu ra của thanh long gặp khó - Ảnh 1.

Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Để tiếp tục hỗ trợ thanh long Việt mở rộng thị phần trên thế giới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến phát triển thị trường cho sản phẩm thanh long Việt Nam, phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp.

Về phía các Thương vụ, ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết đơn vị này đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, quảng cáo quả thanh long tại thị trường Australia. Đến nay, trên kệ nhiều siêu thị tại Australia đã bày bán quả thanh long và những sản phẩm chế biến từ thanh long của Việt Nam.

Tới đây, cùng với việc tiếp tục tiếp thị quảng bá thanh long Việt Nam tới người tiêu dùng gốc Á, Thương vụ cũng sẽ đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá mặt hàng này tới người tiêu dùng Phương Tây tại Australia để mở rộng hơn nữa thị trường cho thanh long Việt.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết người tiêu dùng Nhật Bản coi thanh long là loại quả giàu dinh dưỡng, giàu chất xơ, đem lại làn da đẹp, mịn màng. Họ thường ăn thanh long theo kiểu làm salad, trộn với ngũ cốc, hoặc ăn trực tiếp.

Các sản phẩm chế biến từ thanh long như nước thanh long đóng chai, thanh long sấy dẻo, kẹo thanh long… nên đa dạng hơn về mẫu mã, mùi vị, nâng cao chất lượng để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Nhật Bản.

Ngoài ra, ông Tạ Đức Minh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng ưu đãi thuế từ các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên như VJEPA, AJCEP, CPTPP…; thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu và thị trường.

Các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sự ổn định giá cả và lượng của sản phẩm do người tiêu dùng Nhật Bản nhạy cảm với sự thay đổi liên tục giá bán sản phẩm.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng nên chú trọng đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ, kỹ thuật sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, mẫu mã sản phẩm, từ đó đáp ứng thị hiếu riêng biệt của từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.



Báo cáo phân tích thị trường