Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cao su "bó tay" trước covid-19
06 | 09 | 2021
Đại dịch Covid – 19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến toàn chuỗi của ngành cao su nước ta, nhiều doanh nghiệp chế biến cao su phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa. Nông dân trồng cao su tiểu điển ở nhiều tỉnh cũng phải tạm ngừng thu hoạch mủ cao su vì giãn cách xã hội...

Nguồn: vneconomy.vn

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 87,34 nghìn tấn, đem về 143,1 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 13,2% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 7/2021; giảm 18,5% về lượng, nhưng tăng 10,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, xuất khẩu cao su đạt trên 1 triệu tấn, kim ngạch 1,68 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 66,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

GẶP KHÓ VÌ DỊCH COVID

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các nước này đang dần hồi phục do các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.

Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8/2021 đang bị ảnh hưởng bởi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa, hoặc sản xuất bị ảnh hưởng bởi công nhân nghỉ việc, bị cách ly, sống trong vùng có dịch...

Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến toàn chuỗi của ngành cao su nước ta, không chỉ hàng loạt nhà máy sơ chế, chế biến cao su phải cắt giảm sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động, mà nông dân trồng cao su tiểu điển ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh cũng phải tạm ngừng thu hoạch mủ cao su vì giãn cách xã hội.

Tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước có diện tích cao su tiểu điền hàng chục nghìn ha, hiện hàng nghìn hộ trồng cao su tiểu điền tâm lý nóng ruột vì cao su đang giữa mùa khai thác mủ, nhưng không thể thu hoạch do chính quyền yêu cầu mọi người dân phải ở nhà.

Huyện Đồng Phú là một trong các địa phương có nhiều ca mắc Covid-19 của tỉnh Bình Phước, tập trung ở các xã Tân Hòa, Tân Lập và Tân Lợi và ổ dịch ở ấp Đồng Tân (xã Tân Hòa) phức tạp nhất với hàng chục ca mắc Covid-19, hàng trăm người dân đang phải cách ly tại nhà. UBND huyện Đồng Phú buộc phải yêu cầu dừng việc thu mua, cạo mủ cao su của các hộ tiểu điền.

 VRG PHẤN ĐẤU 100% LAO ĐỘNG ĐƯỢC TIÊM VACCINE 

Nhằm phòng chống dịch bệnh Covid, nhanh chóng ổn định sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã chỉ đạo phát hiện nhanh F0 trong các công ty thành viên, tập trung tiêm vaccine cho người lao động.

Ngay khi có chủ trương từ Tập đoàn, các công ty thành viên đã mời các bệnh viện ở từng địa phương đến xét nghiệm nhanh tránh lây nhiễm.

Bác sĩ Lê Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Y tế của Tập đoàn VRG, cho biết đến thời điểm này, toàn Tập đoàn đã tổ chức xét nghiệm nhanh cho 47.743 lượt người và xét nghiệm PCR cho 2.220 lượt người.

Tính đến nay, toàn Tập đoàn VRG đã triển khai tiêm vaccine cho 32.935 người lao động và gia thuộc (gần 45% so với số lượng đăng ký là 73.448 người). Trong đó 6.976 người đã tiêm mũi 2 (đạt tỷ lệ 9,2%).

Cụ thể: khối cao su trong nước, so với số người đăng ký tiêm 48.562 người, tỷ lệ đã tiêm mũi 1 ở các công ty cao su trong nước là 25,6% (tương ứng 12.456 người) và tỷ lệ đã tiêm mũi 2 là 1,1% (tương ứng 549 người).  

Khối công nghiệp, thủy điện đã tiêm mũi 1 là 1.396 người (tỷ lệ 67,0%), đã tiêm mũi 2 là 23 người (tỷ lệ 1,1%).

Khối các công ty gỗ của Tập đoàn VRG đã tiêm mũi 1 là 1.570 người (tỷ lệ 61,2%), đã tiêm mũi 2 là 6 người (tỷ lệ 0,2%).

Khối các công ty khu công nghiệp của VRG đã tiêm mũi 1 là 435 người (tỷ lệ 91,0%), đã tiêm mũi 2 là 03 người (tỷ lệ 0,6%).

Về các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, ông Chính đề xuất VRG tổ chức hướng dẫn quy trình phòng chống dịch Covid-19, tập huấn cho các đơn vị thành viên Tập đoàn bằng hình thức trực tuyến.

VRG cũng cần sớm thông qua và ban hành Quy chế quản lý Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Tập đoàn. Tập đoàn VRG sẽ phối hợp với Công đoàn Cao su Việt Nam nghiên cứu và triển khai biện pháp hỗ trợ vật chất cho các đơn vị thành viên gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam cho biết, công đoàn ngành cao su đã gửi công văn đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 20 Liên đoàn lao động các tỉnh có cao su đứng chân để kêu gọi hỗ trợ và phân bổ nguồn vaccine cho người lao động các công ty cao su.

Công đoàn ngành cao su cũng đã gửi thống kê 4.540 người lao động toàn ngành đang sản xuất “3 tại chỗ” và số lượng lao động của ngành cao su bị ảnh hưởng ngừng, nghỉ việc tạm thời do Covid-19 gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG, cho biết thêm Tập đoàn đã giao Công đoàn cao su Việt Nam trích Quỹ hỗ trợ ngay con em của người lao động đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng… thuộc các tỉnh đang giãn cách xã hội, số tiền 1 triệu đồng/cháu.

VRG phát động phong trào thi đua mở rộng vùng xanh, mở các ATM hỗ trợ miễn phí thuốc, thiết bị y tế, gạo, thực phẩm… để cùng nhau vượt khó. Đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Cao su thành lập 5.000 – 10.000 túi thuốc, chuẩn bị sẵn khi cần thiết.

“VRG cũng yêu cầu các công ty thành viên tăng cường đầu tư thiết bị y tế phòng, chống dịch. Tập đoàn sẽ tiếp tục dùng nhiều biện pháp mở, linh hoạt để tiếp cận nguồn phân bổ sung vaccine để tiêm phòng Covid-19 cho người lao động.

Xác định dịch Covid-19 còn phải phòng, chống lâu dài, Tập đoàn VRG tiếp tục quán triệt các đơn vị thành viên kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, trong đó phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe của người lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay”, ông Thuận nhấn mạnh.

 



Báo cáo phân tích thị trường