Nguồn: vtv.vn
Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến thời điểm này đã có hơn 50% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam, bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương phải ngừng hoạt động.
Những doanh nghiệp còn hoạt động "3 tại chỗ" hoặc theo phương thức khác cũng chỉ duy trì được khoảng 50 - 60% số lao động; công suất giảm gần một nửa so với điều kiện bình thường.
Tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp. Điển hình như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch, nhưng đến cuối tháng 8 mới có khoảng từ khoảng 20% người lao động được tiêm vaccine.
Thêm khó khăn nữa lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đó là chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng cao bất thường so với trước. Điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18.000 - 20.000 USD/container.
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn
Là 1 trong 4 trung tâm chế biến gỗ lớn của ngành, trong 7 tháng đầu năm, ngành gỗ Bình Định đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 544 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên bước qua tháng 8, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá trị xuất khẩu gỗ lại giảm mạnh và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Hơn 1 tháng nay, doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu Tân Phú Sơn đã phải hoạt động cầm chừng, hàng hóa lưu kho ngày càng nhiều do việc xuất bán cho đối tác gặp khó khăn.
Bên cạnh đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào giảm trầm trọng, từ 200 - 300 tấn gỗ cây nguyên liệu thì hiện nay mỗi ngày nhà máy chỉ được cung ứng từ 30 - 40 tấn.
"Với nguồn nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, công ty sản xuất 2 ngày phải nghỉ 1 ngày. Dây chuyền sản xuất viên nén chỉ làm vào ban đêm để giảm chi phí đầu vào", ông Võ Thành Nam - Giám đốc Công ty TNHH Tân Phú Sơn, Bình Định cho hay.
Trong tháng 8, tại tỉnh Bình Định đã có 6 nhà máy sản xuất gỗ xuất khẩu đã phải đóng cửa, 20 nhà máy phải giảm 50% công suất. Nhiều đơn vị dù đã được ký đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm nhưng do không có nhân công nên việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Hiệp hội gỗ Bình Định, ngoài vấn đề nguồn nguyên liệu và nhân công, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do nguồn cung ứng nguyên phụ liệu và vật tư từ các tỉnh thành phía Nam bị đứt gãy, giá cước vận tải biển tăng.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp gỗ tại Bình Định vẫn nỗ lực để sản xuất khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Để có thể duy trì sản xuất, các doanh nghiệp gỗ tại Bình Định đang phải áp dụng "3 tại chỗ". UBND tỉnh Bình Định cũng đã có những chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, để đảm bảo doanh nghiệp có thể vận hành trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ
Có thể thấy các doanh nghiệp gỗ ở Bình Định về cơ bản đã được tạo điều kiện để tiếp cận vaccine. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại các địa phương khác vẫn đang loay hoay vì rất khó để có thể tiêm vaccine. Đơn cử như các doanh nghiệp gỗ tại Đồng Nai cũng đang ráo riết tìm nguồn vaccine nhưng cũng rất khó.
Với những khó khăn trên, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng.
Dự báo trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn, nếu tình hình không được cải thiện doanh nghiệp ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua.
Xuất khẩu gỗ giảm mạnh. Ảnh minh họa - TTXVN.
Một số giải pháp đã được đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ.
"Hiệp hội cùng Bộ NN&PTNT họp với Hiệp hội Logistic Việt Nam để bàn về giải pháp giảm giá tàu. Đây là cái cốt lõi để đảm bảo lưu thông chống bị gián đoạn. Các ngành hàng cần làm việc với Ngân hàng nhà nước để bàn về cơ cấu thời hạn trả nợ, phí tín dụng và giữ nguyên nhóm nợ cho một số doanh nghiệp.
Vấn đề nữa là tháo gỡ về lao động và chuyên gia. Giữ chân được lao động rất khó, đến quý IV hồi phục hơn thì tuyển lại lao động vô cùng khó hơn", ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT cho hay.