Nguồn: congthuong.vn
Xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn bằng gỗ tăng mạnh
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,63 tỷ USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,13 tỷ USD, tăng 80,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu gây ảnh hưởng mạnh đến hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới, trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Nhưng bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ các quốc gia nói chung, trong nước nói riêng, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn xuất khẩu vẫn rất khả quan.
|
Một khâu trong sản xuất tủ bếp |
Theo đó, xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn trong tháng 4/2021 đạt 300,3 triệu USD, tăng 119,3% so với tháng 4/2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 1,15 tỷ USD, tăng 70,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Về thị trường, mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh…
Đối với thị trường EU, hiện kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn sang thị trường này chỉ chiếm 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, vẫn còn thấp so với nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của EU. Vì vậy, tiềm năng khai thác mặt hàng này của Việt Nam tại thị trường EU là rất lớn, đặc biệt là có sự hỗ trợ từ Hiệp định EVFTA, khả năng cạnh tranh về giá của mặt hàng này của Việt Nam sẽ lợi thế hơn so với các quốc gia xuất khẩu chưa ký FTA nào với EU.
Cẩn trọng biện pháp phòng vệ thương mại
Nhiều tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 từ các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU… nhờ hiệu quả của các biện pháp hạn chế tiếp xúc cộng với việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tạo điều kiện cho hàng loạt quốc gia từng bước gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát, phong tỏa, đưa hoạt động sản xuất và tiêu dùng hồi phục trở lại. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Việt Nam được dự báo có nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
Đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ, thị trường nhà ở Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh khi Chính phủ Mỹ cho vay lãi suất thấp, nhiều gia đình xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa cũng thúc đẩy hoạt động mua sắm đồ nội thất tăng nhanh. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, các chuyên gia cho rằng, chi phí logistics và việc gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại mà chủ yếu là thuế chống bán phá giá và tăng cường tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng... sẽ gây tác động bất lợi tới xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Riêng với mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn. Các chuyên gia cho hay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ liên tục ở mức cao trong thời gian qua, đây là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, khi gia tăng ở thị trường Mỹ quá lớn khiến cho phía Mỹ sẽ gia tăng các biện pháp phòng vệ đối với các mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến. Hiện nay, cơ quan chức năng Mỹ hết sức quan tâm tới hoạt động đầu tư có dấu hiệu gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn cần phải cẩn trọng tránh trường hợp trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho quốc gia thứ ba.
Trước lo ngại về những rủi ro trong hoạt động nhập khẩu bộ phận mặt hàng tủ bếp, mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cần tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ (doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có yếu tố rủi ro cao mà có giá trị tăng trưởng nhanh), để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm (nếu có) đối với các cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu các mặt hàng gỗ rủi ro.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch VIFOREST - cho hay, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây là một điều đáng mừng, nhưng cũng tiểm ẩn những yếu tố rủi ro do giá trị xuất khẩu tăng ở các mặt hàng mà Mỹ đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Trung Quốc. Thị trường Mỹ hiện tại chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Nếu Chính phủ Mỹ ra lệnh trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam, toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phía Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ và không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.