Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu tủ bếp vào Hoa Kỳ: Cần có bước đi thận trọng
05 | 05 | 2021
Với quy mô thị trường mặt hàng tủ bếp Hoa Kỳ lên đến 5-7 tỷ USD/năm, nhóm mặt hàng này đang được các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hướng mở rộng mạng lưới sản xuất và xuất khẩu nhằm chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, vẫn cần có bước đi thận trọng được các chuyên gia khuyến nghị.

Nguồn: Gỗ Việt

Biến thị trường ngách thành lợi thế ngành gỗ

Tủ bếp cũng là một trong nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tủ bếp của Việt Nam sang thị trường năm 2018 đạt hơn 140 triệu USD; năm 2019 đạt hơn 219 triệu USD. Năm 2020, sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt trên 1 tỉ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ năm 2019, thị phần chiếm tới 90% kim ngạch mặt hàng này. Điều đó giúp cho ngành gỗ duy trì được giá trị kinh ngạch xuất khẩu và không bị đình trệ chuỗi thương mại trong năm qua. Nhận thấy tiềm năng từ nhóm mặt hàng này tại thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết, cần phải nhanh chóng biến lợi thế của thị trường ngách này thành thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam, cũng như thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Việc này góp phần tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, tạo ra mạng lưới rộng lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất mặt hàng chiến lược tủ bếp, cung ứng cho thị trường Hoa Kỳ.

Đây cũng là một trong những giải pháp để duy trì thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, trong bối cảnh, dịch Covid-19 vẫn đang gây tác động nặng nề tới hoạt động thương mại và thói quen tiêu dùng của người dân quốc gia này.Dù xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, nhưng ẩn chứa rủi ro gian lận xuất xứ với sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, để né thuế chính phủ Hoa Kỳ áp đặt.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lâm Việt - cho biết, thị trường Hoa Kỳ có quy mô lên đến 5-7 tỷ USD/năm, nhưng chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất xuất khẩu. Từ năm 2015, một số doanh nghiệp Đài Loan, sau đó đến năm 2018 có doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu gia nhập, thị trường dần cạnh tranh hơn. Mặc dù vậy, trong số 200 doanh nghiệp tại Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ, có đến 85% là doanh nghiệp FDI của Trung Quốc, Đài Loan. Những rủi ro này hiện vẫn còn tồn tại.

Lựa chọn những con sếu đầu đàn

Khẳng định việc tích cực mở rộng mạng lưới doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mặt hàng tủ bếp vào thị trường Hoa Kỳ, điều đó là tốt, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty cổ phần nội thất Pisico, cho rằng, không nên khuyến khích tất cả các doanh nghiệp tập trung vào phát triển mặt hàng quá nóng này, mà chỉ là một nhóm nhỏ các doanh nghiệp có cùng năng lực, công nghệ, nhân lực và qui mô sản xuất để tạo ra tính đối trọng và cân bằng với các doanh nghiệp nhập khẩu tủ bếp từ Hoa Kỳ. Ví vón với hình ảnh đàn ngựa vằn muốn vượt qua sông với đàn cá sấu chờ sẵn ở phía dưới, ông Thu cho rằng, cả một đàn ngựa lao xuống sông mà không có sự chỉ dẫn cụ thể sẽ khiến chúng bị tổn hại, vì chắc chắn sẽ làm mồi cho cá sấu hung hãn. Doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng vậy, nếu như tập trung quá đông các công ty chế biến tủ bếp sẽ khiến chúng ta gặp bất lợi. 

Phân tích cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thu cho hay, Hoa Kỳ là quốc gia có hàng trăm năm sản xuất tủ bếp, với hiệp hội tủ bếp lớn và hiệp hội này đang chịu sức ép lớn từ chiến lược bán sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, dẫn tới việc giảm qui mô sản xuất và sa thải công nhân, thậm chí là phá sản. Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu tủ bếp từ Việt Nam cũng chịu sức ép tương tự từ nhóm này. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn sản phẩm của Hoa Kỳ là rất cao, nếu có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ, không có công nghệ sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn đó, sẽ dẫn tới sản phẩm không đạt chất lượng, có thể ngay lập tức bị hủy đơn hàng, hoặc yêu cầu sửa chữa sản phẩm. Điều này, dẫn tới việc đội chi phí sản xuất. Cuối cùng, là sẽ bị ép giá thành khi các nhà nhập khẩu có quá nhiều lựa chọn, họ sẽ mang tới những đơn hàng và chọn đối tác có chi phí tốt nhất để hợp tác, điều này sẽ đưa các doanh nghiệp gỗ vào vòng luẩn quẩn, cạnh tranh hạ giá không cần thiết, và tổn hại tới chiến lược phát triển chung của ngành gỗ. Ông Nguyễn Đức Thu khuyến nghị, các cơ quan quản lý, các hiệp hội cần có cái nhìn thận trọng và các doanh nghiệp nên chọn lựa kĩ càng. Bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh, thị trường, hay vận chuyển, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong Những tháng đầu năm 2021 có giá trị tương đương 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2020. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ vẫn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả năm 2020 và bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Hà Công Tuấn nêu con số: Năm 2020, thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch xuất khẩu 7,412 tỉ USD, ngay trong quý I/2021, tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường này cũng tăng rất cao, khoảng 36 - 37%. Để phát huy hết những giá trị của các hiệp định thương mại tự do đã ký và các hiệp định song phương, trước hết đối với thị trường Hoa Kỳ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, cần phải sử dụng nhiều giải pháp, trong đó, vai trò của Nhà nước là quan trọng hàng đầu để duy trì được thị trường này. Cùng với đó, là vai trò của các doanh nghiệp. Phải chấp hành nghiêm pháp luật, quy định thương mại song phương, không tiếp tay cho những hành vi làm tổn hại hình ảnh, thương hiệu gỗ Việt Nam.



Báo cáo phân tích thị trường