Nguồn: baochinhphu.vn
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, năm 2020 đánh dấu một năm thành công của ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, với kim ngạch xuất khẩu tăng 16,3% so với năm 2019. Mức tăng trưởng năm 2020 đưa ra tín hiệu rõ ràng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021.
Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng đang đối diện với nhiều thách thức.
Rủi ro từ nguồn gỗ nhập khẩu
Theo báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ - Thực trạng 2020 và xu hướng 2021” của một số hiệp hội gỗ trong nước cùng tổ chức Forest Trend công bố mới đây: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Năm năm 2020 cán mốc 12,5 tỷ USD, nhưng nền tảng này không giúp Việt Nam tránh khỏi những rủi ro của năm 2021.
Ngành gỗ Việt Nam tiếp tục chịu sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và có thể đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, cụ thể là mặt hàng gỗ dán do có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế. Nguy cơ Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với mặt hàng gỗ này của Việt Nam là rất lớn.
Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương), cho biết, năm 2020, Việt Nam bị điều tra 37 vụ việc liên quan đến chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán (Hoa Kỳ) và chống bán phá giá đối với gỗ ván MDF (Ấn Độ).
Theo Tổng cục Lâm nghiệp thống kê, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 2 đến 2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới từ châu Phi, một số quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, Lào, Campuchia và Papua New Guinea, tương đương từ 40 đến 50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu.
Để kiểm soát nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, Nghị định 102/2020-NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp và các quyết định đi kèm đưa ra các tiêu chí xác định loại gỗ có thể có rủi ro nhập khẩu, từ đó đưa ra các cơ chế nhằm kiểm soát rủi ro.
Theo nghị định, gỗ nhập khẩu được thực hiện thông qua thiết lập cơ chế kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu và các loài gỗ nhập khẩu. Gỗ rủi ro là gỗ được nhập khẩu từ các vùng địa lý không tích cực và là các loài rủi ro. Nghị định quy định khi nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu cần bổ sung giấy tờ để minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Theo đánh giá của ông Tô Xuân Phúc, đại diện tổ chức Forest Trend, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam từ các nguồn rủi ro lớn, các loài và nguồn nhập đa dạng, chủ yếu để phục vụ tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/ FLEGHT) yêu cầu tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ xuất khẩu giống như các sản phẩm tiêu thụ nội địa. Chính vì vậy, không đảm bảo được xuất xứ gỗ dùng cho tiêu dùng nội địa cũng sẽ là rủi ro lớn cho xuất khẩu.
Ông Phúc cho rằng: “Giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nhiệt đới không những giúp duy trì ổn định thị trường xuất khẩu mà còn tạo động lực mở rộng thị trường”.
Nguyên liệu và bài toán quy hoạch
Ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt, cho biết, hiện nay giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm gỗ đang tăng cao. Cụ thể, nguyên liệu trong nước tăng 20% đến 30%, nguyên liệu nhập khẩu có mặt hàng tăng 45% đến 50%.
Tăng giá nguyên liệu do chuỗi cung đứt gãy là việc doanh nghiệp cần ứng phó trước mắt, nhưng về lâu dài phải có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với thị trường để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cả về số lượng lẫn giá cả.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), nguyên liệu gỗ đang chiếm từ 40% đến 70% giá thành các sản phẩm gỗ nên cần có chiến lược xây dựng nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, ông Hiệp cho biết, hiện nay gỗ trong nước của Việt Nam như gỗ cao su, tràm chưa có tiêu chuẩn cụ thể. “Chúng ta đang sử dụng nguồn gỗ trồng tự phát của người dân, chưa có chất lượng giống ổn định để có nguồn gỗ chất lượng”, ông Hiệp nêu vấn đề.
Về vấn đề này, ông Bùi Chính Nghĩa, Tổng Cục phó Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, gỗ chất lượng cao, có chứng chỉ trong nước mới đáp ứng được tỷ lệ rất thấp. Hiện, cả nước có 300.000 ha rừng trồng có chứng chỉ, cung cấp khoảng 3 triệu mét khối gỗ cho chế biến.
“Nhiều mô hình liên kết trồng rừng, sản xuất gỗ nguyên liệu đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Số lượng sản xuất liên kết theo nhóm hộ, hợp tác xã liên kết trồng rừng ngày càng tăng. Hiện đã có 160 hợp tác xã lâm nghiệp liên kết trồng rừng có chứng chỉ với doanh nghiệp, ở Yên Bái, Tuyên Quang, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị… Bộ NN&PTNT cũng đang nghiên cứu nhiều cơ chế khuyến khích các địa phương đẩy nhanh liên kết hợp tác trồng rừng, từ đó tạo ra chuỗi giá trị giữa người trồng trừng với các doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên”, ông Nghĩa cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), phân tích thêm về việc quy hoạch vùng nguyên liệu: “Hiện nay hầu hết doanh nghiệp sản xuất gỗ đều làm gia công nên việc sử dụng loại gỗ nào làm sản phẩm là do đối tác mua hàng quyết định. Rất khó có kế hoạch lâu dài để xác định gỗ rừng trồng và sử dụng gỗ đó chế biến như thế nào. Cần thận trọng khi khuyến khích nông dân trồng rồi giữ cây từ 10 đến 12 năm bởi rất có thể, có lúc không có doanh nghiệp nào đứng ra mua cho nông dân khi thị trường không còn nhu cầu”.
Kỳ vọng một chính sách tổng thể
Nêu vấn đề liệu 1 doanh nghiệp có điều kiện sẽ đầu tư bất động sản hay làm sản xuất gỗ, trong khi sản xuất gỗ có quá nhiều vấn đề, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA khẳng định: Muốn ngành gỗ phát triển bền vững thì phải có lợi nhuận và lợi nhuận càng ngày càng tốt.
“Thực trạng này đã được bàn bạc, thảo luận với nhau rất nhiều ở HAWA. Sản xuất và chế biến gỗ còn nhiều bất cập nhưng tại sao FDI ở nước ngoài vẫn đầu tư vào ngành? Chắc chắn họ vẫn có lời. Do đó yếu tố lợi nhuận cần phải chú trọng hơn”, ông Khanh chia sẻ.
Theo ông Khanh, muốn tăng lợi nhuận, phải tập trung vào các yếu tố: Tăng năng suất lao động, quản trị doanh nghiệp và doanh nghiệp phải tham gia được vào các chuỗi công nghệ cao.
Cụ thể, hiện nay, chế biến gỗ vẫn tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, sắp tới nhân công sẽ đắt hơn, nên có thể thay thế bằng cải thiện năng suất lao động, bằng chuyển đổi số, bằng đầu tư thiết bị máy móc, hoặc thiết kế sản phẩm riêng.
Thứ hai, để tăng lợi nhuận trong ngành, quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt phải tham gia vào được chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao. “Thực tế chúng ta xuất khẩu 7 tỷ USD đồ gỗ sang Mỹ, nhưng các doanh nghiệp đứng đầu mà Mỹ chọn nhập khẩu sản phẩm lại là các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, doanh số của chúng ta không lớn, cần phải nghiên cứu thị trường kỹ hơn để có những chuyển đổi”, ông Khanh nói.
Về quản trị doanh nghiệp, ông Khanh cho rằng, chính doanh nghiệp phải xem lại quản trị của mình và hợp lực toàn ngành để có những kiến nghị sát hơn với Chính phủ, từ đó những chính sách của Chính phủ mới có thể có những thay đổi phù hợp với thực tế.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, chia sẻ: “Hiện nay Chính phủ có quyết tâm rất lớn trong việc tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Điều này thể hiện rất rõ ở chính sách không quá tập trung thúc đẩy tăng trưởng mà tạo lập môi trường ổn định và cải cách thể chế cho doanh nghiệp. Ổn định vĩ mô chính là tạo nền tảng để giúp doanh nghiệp có thể đầu tư được chứ không phải đầu cơ. Tôi cũng thấy rõ, Chính phủ đã có những cổ vũ cho ngành gỗ, có đánh giá tích cực, kể cả trong những điều kiện khó khăn như năm vừa qua”.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) nhìn nhận: “Ngành gỗ hiện đang tăng trưởng nóng, cần xác định mục tiêu và đường đi nước bước chiến lược, chứ không thể tự phát như hiện tại. Muốn vậy, phải có tính toán căn cơ cả về hành động của doanh nghiệp và thiết chế chính sách tương ứng. Doanh nghiệp gỗ gần như tự tin có thể dẫn dắt chuỗi và tập trung vào giảm thiểu rủi ro, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.
Đầu tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại…
Hiện nay Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đang là đầu mối triển khai rà soát lại toàn bộ chính sách và có những đề xuất cụ thể để triển khai các chính sách phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Đỗ Hương