Nguồn: vneconomy.vn
Theo số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 11 tháng năm 2021, ngành gỗ tăng trưởng tốt, nhờ sự nỗ lực duy trì sản xuất của doanh nghiệp trong khi dịch bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và sản xuất phục hồi nhanh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự tính năm 2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 14,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2020, hoàn thành 98,7% mục tiêu đề ra cho năm 2021.
Động lực tăng trưởng của ngành gỗ tập trung lớn vào nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ. Trị giá xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 67,6% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2021, đạt 8,2 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2020. Quy mô thị trường đồ nội thất bằng gỗ toàn cầu rất lớn và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ, còn rất nhiều dư địa để gia tăng thị phần.
Ngoài ra, trong 11 tháng năm 2021, các mặt hàng như gỗ, ván và ván sàn, dăm gỗ cửa gỗ, khung gương xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, chỉ có mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ có trị giá giảm.
Mặc dù đã vượt sóng Covid -19 và về đích thành công trong năm 2021, tuy nhiên ngành gỗ Việt vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo, đặc biệt là hiện tượng gỗ Trung Quốc đội lốt gỗ Việt để lách vào thị trường Mỹ.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, khi Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc, bằng biện pháp áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp cao với mức thuế từ 55% đến gần 200% đối với một số mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ…
Để lách qua cửa kiểm soát này, một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng đầu tư hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế trên, trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam duy trì là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ, đạt 7,9 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, để bảo vệ sản xuất trong nước, Hoa Kỳ đã tạo ra rất nhiều rào cản đối với các nhà cung cấp, trong đó có Việt Nam. Mới đây, theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại nhận được từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh nghĩa vụ nộp thuế phòng vệ thương mại và áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tủ gỗ nội thất nhập khẩu từ một số công ty của Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại đã khuyến nghị các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện.
Ngoài ra cơ quan này cũng lưu ý các doanh nghiệp nên theo dõi thông tin cảnh báo trong quá trình xuất khẩu sang các nước, tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.