Xuất khẩu rau quả suốt mấy năm liền luôn tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,5 tỷ USD. Năm 2018, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt khoảng 4 tỷ USD.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,75 tỷ USD, giảm 1,5% so với năm 2018. Năm 2020, xuất khẩu rau quả tiếp tục tụt dốc với kim ngạch 3,27 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm trước. Song, đến năm 2021 xuất khẩu rau quả vẫn chưa thể chạm ngưỡng 4 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu tháng 12/2021 đạt 129,518 triệu USD, cộng dồn đến cuối kỳ ước đạt 3,382 tỷ USD. Nếu nửa cuối tháng 12, tiến độ xuất khẩu như đầu tháng thì xuất khẩu rau quả có khả năng đạt trên dưới 3,5 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2020.
Theo Cục xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương, trong 11 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 3,269 tỷ USD riêng thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 53,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam với 1,754 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường khác đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 11 tháng qua như Hoa Kỳ đạt 203,2 triệu USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 143,59 triệu USD, tăng 21,5% và thị trường Đài Loan đạt 74 triệu USD, tăng 32,5%... Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, do đó không bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc.
Nhiều bất cập tại thị trường Trung Quốc
Nhờ ưu thế về địa lý nên vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi hơn so với các nước, vì vậy, Trung Quốc luôn là thị trường dẫn đầu nhập khẩu nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc vẫn đang diễn biến phức tạp và đã xuất hiện biến thể Omicron trong điều kiện nước này sắp diễn ra Thế vận hội Olympic Mùa Đông tại Bắc Kinh, càng khiến Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và phương tiện nhập cảnh, thực hiện lấy mẫu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển bằng container lạnh và cả container thông thường qua biên giới, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan gây ùn tắc tại cửa khẩu nhập khẩu dẫn đến phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Theo tỉnh Lạng Sơn với khoảng 5.000 xe chở hàng đang nằm ngoài biên giới 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, mỗi xe chở 20 tấn hàng nếu tất cả khối lượng hàng hóa này không xuất khẩu được Việt Nam bị tổn thất trên 2.000 tỷ đồng.
Theo nhìn nhận từ Cục XNK, từ tháng 11, xuất khẩu rau quả dần cải thiện, tuy nhiên đà tăng trưởng của ngành hàng này đang bị cản trở bởi thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch COVID-19 theo chiến lược “Zero Covid”.
Điều này khiến vận tải hàng hóa tại các cảng trung chuyển nhỏ bị gián đoạn cũng như đang gây áp lực lên vận tải đường bộ. Vì vậy, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.
Cần có Nghị định thư về xuất khẩu nông sản
Mặc dù Trung Quốc là thị trường số 1 của nông sản Việt Nam, nhưng đến nay hai nước vẫn chưa ký Nghị định thư về xuất khẩu nông sản, vì vậy, 100% hàng rau quả từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải chờ cơ quan hải quan Trung Quốc kiểm tra, làm cho lượng hàng hóa thông quan chậm ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu.
Ông Đinh Cao Khuê, Phó chủ tịch hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có hai dạng tươi và chế biến. Đối với xuất khẩu rau quả chế biến có thuận lợi nhờ giá bán hợp lý, các đối tác ở Trung Quốc thanh toán rất tốt mà chi phí vận chuyển lại không cao, một thuận lợi nữa là bạn hàng ở đây đã quen với sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng, Vinafruit kiến nghị Chính phủ đàm phán với Trung Quốc về Nghị định thư cho các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, vì hiện nay chỉ có một loại được xuất chính ngạch còn lại 9 loại khác vẫn phải chịu hậu kiểm.
Ngày 1/1/2022 - thời điểm Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 và Lệnh 249
Từ ngày 1/1/2022, quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc sẽ áp dụng quy định mới.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT), Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang liên tục cập nhật kết quả phê duyệt doanh nghiệp được phép xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường nước này.
Càng sát ngày 1/1/2022 - thời điểm Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”, số lượng mã sản phẩm được cấp ngày càng tăng nhanh.
Tính đến 17h ngày 24/12/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 31.988 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có 1.045 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đó, vào lúc 11h ngày 24/12/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 20.172 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc. Trong đó, Hoa Kỳ là 2.200 mã, Nhật Bản là 987, Australia là 564, Hàn Quốc là 588, Canada là 482, Malaysia là 372, Thái Lan là 483, Việt Nam là 320, Ấn Độ là 279, Indonesia là 270, Philippines là 70 mã sản phẩm và các nước khác.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, mỗi sản phẩm xuất khẩu vào thị trường nước này được cấp một mã. Như vậy, một doanh nghiệp có thể được cấp nhiều mã sản phẩm.