Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chủ động thu hoạch lúa hè thu
20 | 06 | 2022
Thời điểm này, các trà lúa hè thu 2022 trên địa bàn Cần Thơ bước vào thu hoạch rộ. Thời tiết diễn biến phức tạp và trời thường xuyên có mưa đã ít nhiều gây khó khăn cho việc thu hoạch lúa của nông dân. Tuy nhiên, với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của ngành chức năng và chủ động của nông dân, nhìn chung các diện tích lúa hè thu trên địa bàn thành phố đã và đang được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời.

Theo Cần Thơ Online

Kịp thời thu hoạch lúa

Năm nay, nông dân tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ bước vào thu hoạch lúa hè thu 2022 với tâm lý lo lắng vì tình hình thời tiết có những diễn biến bất thường, đặc biệt mùa mưa đến sớm so với mọi năm có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa của nông dân. Tuy nhiên, nhờ chủ động chuẩn bị các phương tiện, máy móc và tiêu thoát nước cho ruộng lúa để đồng ruộng khô ráo, thuận lợi cho thu hoạch bằng các thiết bị cơ giới nên nhìn chung việc thu hoạch lúa của bà con khá thuận lợi và kịp thời. Lúa thu hoạch tới đâu được tiêu thụ ngay tới đó, giá bán lúa được nông dân thỏa thuận với thương lái và các đơn vị, doanh nghiệp trước ngày thu hoạch lúa từ 2-3 tuần lễ trở lên.

Ông Nguyễn Văn Hưng ở ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: "Ðã thu hoạch 5 công lúa giống OM 18 trong vụ hè thu 2022, năng suất đạt 800kg lúa tươi/công tầm lớn 1.300m2, bán được giá 5.800 đồng/kg, tính ra có lời khoảng 1,5 triệu đồng/công. Lúa của tôi được thương lái chốt giá thu mua lúa tươi tại ruộng vào trước thời điểm thu hoạch hơn 2 tuần lễ. Ðể chủ động thu hoạch lúa bằng máy, ngay từ giai đoạn lúa gần thu hoạch, tôi thường xuyên thăm đồng để tiêu thoát nước cho ruộng lúa và trước đó tôi cũng áp dụng các biện pháp kỹ thuật như chọn giống tốt, bón phân cân đối, không bón dư đạm… để lúa khỏe và ít sâu bệnh. Nhờ vậy, lúa đến giai đoạn chín không bị đổ ngã và ruộng lúa khô ráo, ít bị sình lầy, thuận lợi thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp".

Anh Ðỗ Việt Hùng ở ấp Thới Hữu, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, cũng cho biết: "Nhờ chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa và chuẩn bị các phương tiện, máy móc và kết nối sớm với thương lái để bán lúa nên nhìn chung việc thu hoạch lúa của tôi và bà con tại địa phương cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên, năm nay bà con không có lời nhiều do giá phân bón và các chi phí đầu vào đã tăng quá cao, trong khi giá bán lúa chỉ tương đương năm rồi, thậm chí có một số loại lúa còn thấp hơn khoảng 100-200 đồng/kg. Vụ hè thu 2022, 6 công lúa của tôi sạ giống OM 5451 được thu hoạch với năng suất gần 800kg lúa tươi, bán lúa tươi với giá 5.700 đồng/kg, tính ra tôi chỉ có lời khoảng 1 triệu đồng/kg, đó là chưa tính kỹ các chi phí tiền nhân công. Tuy không vui nhưng việc lúa được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời đã giúp nông dân giảm bớt các khó khăn và có thể bắt tay ngay vào sản xuất vụ thu đông 2022".

Do không có điều kiện phơi sấy lúa để trữ lại chờ bán lúc giá cao nên vụ này hầu hết nông dân đều chọn cách bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái và các doanh nghiệp. Theo nhiều nông dân, các phương tiện máy móc phục vụ thu hoạch lúa được bảo đảm đầy đủ, từ đó giúp lúa được thu hoạch nhanh chóng, hạn chế tình trạng lúa chín bị hư hao và thất thoát do để lâu trên đồng. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng nên giá thuê máy gặt đập liên hợp tại nhiều nơi đã tăng khoảng 20.000-30.000 đồng/công, lên ở mức khoảng 290.000-300.000 đồng/công.

Hỗ trợ nông dân

Lúa hè thu đang được thu hoạch và tiêu thụ khá thuận lợi nhưng ngành Nông nghiệp và các cơ quan chức năng tại thành phố và tại các địa phương không chủ quan mà đang theo dõi sát tình hình để kịp thời có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh. Ðể sản xuất thắng lợi vụ hè thu 2022, ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương cũng đã hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng lúa. Tăng cường thông tin tình hình thời tiết và sâu bệnh để giúp nông dân chủ động ứng phó và tránh các thiệt hại.

Vụ hè thu 2022, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ xuống giống gieo trồng được 73.506ha lúa, đạt 102% kế hoạch, trong đó tỷ lệ sử dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ chiếm trên 90% diện tích. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nông dân trên địa bàn thành phố đã thu hoạch được 51.229ha lúa hè thu 2022, với năng suất ước đạt 56,9 tạ/ha, cao hơn 1,81 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Các giống lúa được nông dân chọn sản xuất trong vụ hè thu 2022 chủ yếu là lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 4218, OM 18, OM 380... và một số giống khác. Trong đó, giống OM 5451 chiếm 75,6% diện tích, OM 18 chiếm 9,3% diện tích, OM 380 chiếm 3,2%, riêng giống IR50404 chiếm 4%...

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong điều kiện thời tiết, mưa bão còn diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp địa phương cần hướng dẫn nông dân tiếp tục theo dõi sát đồng ruộng, chủ động các phương tiện bơm tát, liên hệ chủ phương tiện máy gặt đập liên hợp và các tiểu thương, doanh nghiệp thu mua lúa để đảm bảo thu hoạch lúa kịp thời, hạn chế thất thoát. Phối hợp với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa để gắn kết, phối hợp chặt việc thu hoạch, vận chuyển, sơ chế và tiêu thụ. Hiện nay, giá phân bón và vật tư đầu vào ở mức cao, để giảm chi phí sản xuất và góp phần tăng thêm thu nhập, các địa phương và bà con nông dân cũng cần chú ý khai thác tốt các phụ phẩm từ ngành lúa gạo, nhất là rơm rạ để phục vụ các hoạt động sản xuất khác và làm phân bón hữu cơ...



Báo cáo phân tích thị trường