Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu đường từ ASEAN tăng đột biến 169%, ngành mía đường kêu cứu
15 | 07 | 2022
5 tháng đầu năm 2022 đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng đột biến so với cùng kỳ (tăng 169%) từ các nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam và các nước nêu trên trong cùng thời gian đã gia tăng nhập khẩu đường từ Thái Lan. Điều này khiến ngành mía đường trong nước tiếp tục gặp khó khăn.
Nguồn: Theo bsc.com.vn
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSA) vừa có báo cáo sản xuất mía đường 6 tháng đầu năm 2022. Trong tháng 06/2022, các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021/2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7.523.728 tấn mía sản xuất được 741.666 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020/2021 cho thấy sự tăng trưởng với sản lượng mía ép đạt 111,63% và sản lượng đường đạt 107,51%.

 
Ngành mía đường kêu cứu về tình trạng gian lận thương mại đường nhập lậu.
 
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay sự bế tắc đầu ra tháng thứ 5 liên tục đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường và cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại.
 
Đáng lo ngại hơn, ngày 13/06/2022 Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước kêu cứu về tình trạng gian lận thương mại đường nhập lậu hủy diệt ngành đường Việt Nam.
 
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar) vào Việt Nam đã tăng đáng kể so với cùng kỳ.
 
Dữ liệu trên cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2022 đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng đột biến so với cùng kỳ (tăng 169%) từ các nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam và các nước nêu trên trong cùng thời gian đã gia tăng nhập khẩu đường từ Thái Lan.
 
"Như vậy cả 3 nguồn cung đường bao gồm đường sản xuất từ mía, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và đường nhập lậu đều tăng so với cùng kỳ, trong khi sức cầu kém trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh COVID-19 khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung và bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía", ông Lộc chia sẻ.
 
Về dự báo trong tháng 7/2022, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết việc triển khai thực hiện thông tư số 11/2022/TT-BCT quy định về việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá và Quyết định số 943/QĐ-BCT về gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 02 tháng trong tháng 7/2022 sẽ có tác động lớn đến thị trường đường trong thời gian sắp đến.
 
Tuy nhiên các nguồn cung hiện đang dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 07/2022 và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới. Giá đường tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung quốc, Indonesia, Philippines).


bsc.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường