Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hậu Giang: Người dân đổ xô bán mía chục, nhà máy đường canh cánh nỗi lo
03 | 07 | 2022
Giá tăng cao, các nông hộ đã chuyển sang bán mía chục, mà không còn bán cho nhà máy, dẫn tới vùng mía nguyên liệu ngày càng thu hẹp...

Theo Báo Giao thông

Mía chục lên ngôi

Hậu Giang là địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn nhất khu vực ĐBSCL. Riêng niên vụ mía 2021-2022, nông dân trong tỉnh xuống giống được 3.842ha, giảm 23,8% so với cùng kỳ, phân bổ ở huyện Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy.

hậu giang: người dân đổ xô bán mía chục, nhà máy đường canh cánh nỗi lo

Một điểm thu mua mía chục ở Cần Thơ, sau đó bán lại cho các điểm giải khát.

Nhiều năm qua, ngành mía đường gặp vô số khó khăn, nông dân trồng mía liên tục thua lỗ, phải bỏ cây mía, dẫn tới vùng mía nguyên liệu ngày càng thu hẹp.

Thời gian gần đây, nước mía giải khát ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, có thể bán và tiêu thụ ở bất cứ đâu, dẫn đến nhu cầu thu mua mía chục ngày càng lớn.

 

Ông Võ Tấn Tài (huyện Phụng Hiệp) cho biết: “Gia đình tôi vừa bán xong 1,5 công mía ROC 16 theo hình thức mía chục làm nước ép, và thu về hơn 37 triệu đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư như đào hộc, mía giống, nhân công, vụ mía này, nhà tôi lãi hơn 15 triệu đồng. So với trước đây khi bán cho nhà máy đường toàn là thua lỗ".

Mía chục tức là 1 chục có 10 cây mía. Người nông dân trồng lâu năm, nên có thể ước tính trọng lượng mỗi cây mía là bao nhiêu. Hình thức bán này không cần phải cân, người bán chỉ cần ước tính trọng lượng, rồi quy theo giá đã được thống nhất.

Hiện mía bán chục có giá cao hơn nếu bán cho nhà máy đường từ 500 đồng/kg. Từ đây, các nông hộ đã chuyển sang trồng mía chục, bán cho các điểm giải khát, không còn bán cho các nhà máy đường nữa.

Theo các nông hộ, mía chục không yêu cầu khắt khe về chữ đường như mía bán cho nhà máy nhưng đòi hỏi cây mía phải thẳng, lóng dài nên buộc nông dân phải tập trung đầu tư và làm kỹ ở các khâu trong quá trình canh tác. Trồng mía chục có thời gian ngắn hơn trồng mía đường, 2 năm có thể trồng được 3 vụ. Chưa kể bán mía chục còn giảm được chi phí nhân công thu hoạch.

Ông Lê Quốc An (người dân địa phương) nói: “Mía bán cho nhà máy đường hàng năm giá dao động từ 1.000-1.100 đồng/kg, nhưng nông dân phải tốn chi phí nhân công thu hoạch gần 300 đồng/kg. Trong khi trồng mía chục, giá bán bình quân hàng năm ổn định ở mức 1.500 đồng/kg, có lúc hơn 2.000 đồng/kg, thương lái tự thuê nhân công để thu hoạch mía nên người trồng mía hạn chế được chi phí phần này”.

Một người dân chuẩn bị đi giao mía chục cho các điểm giải khát.

Theo ghi nhận của PV, hiện mía chục được mua với giá từ 2.000-2.300 đồng/kg (tùy chất lượng mía) hoặc mua mão (mua toàn bộ - PV) với giá 22 triệu đồng/công (1.000m2). Giá bán hấp dẫn, đến nay, chỉ riêng huyện Phụng Hiệp đã có tới 600 ha chuyển sang trồng mía chục, trong đó có khoảng 25% nông dân áp dụng kỹ thuật trồng lưu gốc, tổng sản lượng mía chục năm nay khoảng 60.000 tấn.

Nhà máy méo mặt, lo thu hẹp vùng nguyên liệu

Trong khi nông dân phấn khởi bán mía chục, thì nhà máy đường lại canh cánh nỗi lo bị thu hẹp vùng mía nguyên liệu.

hậu giang: người dân đổ xô bán mía chục, nhà máy đường canh cánh nỗi lo

Thu hoạch mía ở Hậu Giang.

Ghi nhận tại Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), niên vụ sản xuất 2021-2022 vừa qua, tổng sản lượng mía ép của công ty đạt 70.623 tấn mía và sản xuất ra được 7.078 tấn đường. Diện tích mía của nông dân được ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty là 1.500ha.

Gần đây, hoạt động của ngành mía đường đã khởi sắc, nên doanh nghiệp đang phấn đấu nâng số diện tích mía bao tiêu với nông dân lên 3.000ha trong thời gian tới.

“Về mặt quản lý nhà nước, không thể cấm nông dân bán mía chỗ này hay chỗ khác. Tỉnh chỉ can thiệp nếu như nông dân trồng mía trong vùng bao tiêu, nhưng “bẽ kèo”, bán cho chỗ khác. Và đến nay, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm. Hiện diện tích trồng mía bán chục vẫn đang tăng lên”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang nói.

Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó khăn. Bởi ngay thời điểm được cho là khởi sắc nhất thì giá mía bán cho nhà máy cũng chỉ quẩn quanh ở mức 1.000-1.100đ/kg (10 chữ đường). Trong khi giá mía chục hiện nay lên tới hơn 2.000 đồng/kg. Nên không thể hấp dẫn nông dân.

Trao đổi với PV Giao thông, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua, giá bán mía chục tăng cao đã giúp đời sống bà con khá lên.

Theo cơ chế thị trường thì nơi nào bán được giá cao thì họ bán, và đây là chuyện rất đáng mừng, nhất là sau nhiều niên vụ trồng mía nông dân phải chịu thua lỗ.

Tuy nhiên, đi kèm với việc phát triển mô hình trồng mía chục sẽ thu hẹp vùng mía nguyên liệu của nhà máy đường. Đây sẽ là bài toán mà các nhà máy đường vừa đang gượng dậy khôi phục thị trường, lại phải giải ngay để lo cho khâu nguyên liệu.

 

Theo các chuyên gia, các địa phương cần quy hoạch khu vực mía bán chục, để tránh tình trạng trồng bát nháo, đại trà theo phong trào. Việc bán mía chục đang giúp nông dân có thu nhập tốt hơn so với cách bán truyền thống cho nhà máy. Tuy nhiên, mọi định hướng đều sẽ phải cẩn trọng, bởi kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, nếu nguồn cung vượt cầu sẽ dẫn đến những hệ lụy về thị trường.

 



Báo cáo phân tích thị trường