Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sau lúa mì, thế giới có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực mới
30 | 05 | 2022
Giá đường dự kiến sẽ tăng cao do một số quốc gia chủ chốt áp đặt các hạn chế xuất khẩu nhằm tìm cách kiềm chế giá lương thực trong nước.

Theo VTC News

Kazakhstan bắt đầu cấm xuất khẩu đường trắng và mía trong 6 tháng. Trong khi đó Ấn Độ được cho là đang lần đầu tiên sau 6 năm xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu đường, để ngăn giá đường nội địa tăng cao. Lệnh cấm của Ấn Độ dự kiến sẽ nhắm vào khoảng 10 triệu tấn hàng xuất khẩu trong mùa này.

(Ảnh minh họa)

Tuần trước, Reuters đưa tin rằng các nhà máy mía đường ở Brazil - nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới - đã hủy bỏ các hợp đồng xuất khẩu đường và chuyển sản xuất sang ethanol trong nỗ lực tận dụng giá năng lượng cao. Các hợp đồng này có thể tương đương với 400.000 tấn đường thô.

Ngoài ra, đầu tháng này, Pakistan đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với xuất khẩu đường, do lo ngại sâu sắc về lạm phát. Trước đó, Nga đã cấm xuất khẩu đường từ tháng 3 cho đến cuối tháng 8.

Darin Friedrichs, người sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu thị trường tại Sitonia Consulting, một công ty phân tích có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng: “Các nhà máy Brazil tương đối dễ dàng chuyển sản xuất đường sang ethanol nếu điều kiện kinh tế hợp lý. Đặc biệt, khi cả giá lương thực và năng lượng đều tăng, người ta càng tập trung vào việc sử dụng lương thực để sản xuất nhiên liệu”.

Tác động của đại dịch COVID-19, vốn đã làm trì trệ nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, trở nên trầm trọng hơn đáng kể do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga. Xung đột giữa hai nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn làm gián đoạn nguồn cung, và một số quốc gia đã chuyển sang hạn chế xuất khẩu các mặt hàng quan trọng khác, khiến an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa, đồng thời có nguy cơ làm tăng giá nông sản.

Đầu tuần này, người đứng đầu Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Kristalina Georgieva, cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với “cuộc thử thách lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết nguy cơ đói ăn trên toàn cầu “đang ở mức cao mới” - số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tăng gấp đôi chỉ trong hai năm, từ 135 triệu người trước đại dịch lên 276 triệu người.

Tuy nhiên, Dong Xiaoqiang, giám đốc thương mại của AB Sugar Trung Quốc, cho rằng chưa đến mức độ xảy ra tình trạng thiếu đường toàn cầu trong năm nay. Ông cho biết thêm Ấn Độ - nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới và Thái Lan - nhà xuất khẩu đường số hai thế giới, dự kiến sẽ tăng sản lượng đường vào năm 2022.

Ông Dong nói với báo chí: “Những gì xảy ra gần đây thể hiện sự căng thẳng và tâm lý lo ngại đối với việc cung cấp thực phẩm bao gồm cả đường. Hầu hết các quốc gia công bố lệnh cấm xuất khẩu là các nhà sản xuất đường nhỏ với cân bằng cung cầu chặt chẽ, còn ở Brazil không có nhiều hợp đồng bị hủy bỏ”. Ông vẫn dự kiến giá đường sẽ tăng.



Báo cáo phân tích thị trường