Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường nhập khẩu thất thế, cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng diện tích và tăng trưởng lợi nhuận
28 | 12 | 2021
Sau khi Bộ Công Thương áp thuế với đường Thái Lan, điều tra CBPG với đường từ 5 nước ASEAN đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đường nội địa và giá mía, đường trong nước. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp mía đường mở rộng diện tích và tăng trưởng lợi nhuận.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Đường nhập khẩu thất thế

Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) 10 tháng đầu năm, lượng đường nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan đạt gần 350 nghìn tấn, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2020, sau khi đường Thái Lan chính thức bị áp thuế áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp vào giữa tháng 6. 

Đường Thái Lan "thất thế" nhưng lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN không bao gồm Thái Lan (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar) lại tăng gấp đột biến.

Điều này dấy lên nghi ngại đường Thái Lan mượn đường các nước ASEAN để vào Việt Nam, tránh mức thuế 47,64%.

Minh chứng là bất chấp dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu đường từ Thái Lan sang Campuchia và Lào đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 và lớn hơn nhiều so với số liệu xuất khẩu chính ngạch (có khai báo hải quan) từ hai quốc gia này vào Việt Nam.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 106 nghìn tấn đường từ Campuchia và 73 nghìn tấn đường từ Lào, nhỏ hơn nhiều so với khối lượng đường hai quốc gia này đã nhập khẩu từ Thái Lan. 

Đường nhập khẩu thất thế, cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng diện tích và tăng trưởng lợi nhuận - Ảnh 1.

Số liệu xuất khẩu 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ từ Thái Lan đến Campuchia và Lào (Nguồn: VSSA).

“Dữ liệu nêu trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào hai quốc gia này chính là nguồn gốc của các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang diễn biến tại khu vực các tỉnh biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào”, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhận định.

Trước những diễn biến bất thường, Bộ Công Thương quyết định điều tra thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN nói trên với cáo buộc đường có xuất xứ từ Thái Lan được nhập khẩu gián tiếp vào Việt Nam qua 5 nước này.

VDSC kỳ vọng kết quả sơ bộ sẽ được ban hành vào quý I/2022 để kịp thời ngăn chặn tình trạng nhập khẩu gián tiếp.

Sau động thái "siết" đường nhập lậu của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cũng tăng cường kiểm soát truy xuất nguồn gốc, thống nhất cơ chế áp thuế đối với các đơn hàng nhập khẩu đường.

Riêng các lô hàng đường nhập khẩu không có C/O hoặc xuất xứ không rõ ràng khi đối soát hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra thực tế, sẽ bị áp thuế chống bán phá giá.

Doanh nghiệp trong nước chớp thời cơ mở rộng quy mô, cải thiện lợi nhuận

VDSC cho rằng việc áp thuế suất với đường có xuất xứ từ Thái Lan khiến giá đường nhập khẩu giảm sức cạnh tranh, thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ đường tinh luyện nội địa.

Cụ thể, năm 2021, lượng tiêu thụ đường của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 2,2 triệu tấn/năm.

Trong đó, lượng đường nhập khẩu (đường thô và đường tinh luyện) ước đạt 1,3 triệu tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 60% tổng lượng tiêu thụ đường của Việt Nam.

Như vậy, lượng đường nhập khẩu dù vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng tiêu thụ đường của Việt Nam nhưng cán cân tiêu dùng đang chuyển dịch, nghiêng dần về phía nội địa.

Cụ thể, lượng tiêu thụ trong nước, sản lượng tiêu thụ đường tinh luyện từ mía trong nước của Việt Nam năm 2021 ước đạt 934 nghìn tấn, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm lượng đường sản xuất năm nay và tồn kho năm ngoái.

VDSC kỳ vọng việc "siết" đường nhập lậu cùng diễn biến tích cực của giá đường trong nước sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp và nông dân mở rộng diện tích mía vào niên vụ 2021-2022, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm từ niên vụ trước.

Số liệu Bộ NN&PTNT cho biết diện tích mía của Việt Nam dự kiến đạt 148.200 ha trong niên vụ 2021-2022, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước do giá bán tăng đã thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích canh tác mía.

Đường nhập khẩu thất thế, cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng diện tích và tăng trưởng lợi nhuận - Ảnh 2.

Nguồn: VDSC.

Theo đó, sản lượng mía đưa vào chế biến đạt 8,6 triệu tấn, tăng 28% và sản lượng đường đạt 873 nghìn tấn, tăng 27% so với niên vụ trước.

Năng suất mía dự báo đạt 66,5 tấn/ha với CCS đạt 10,3 (CCS – Chữ đường: Đơn vị khối lượng đường được ép từ 100 đơn vị khối lượng mía).

Năng suất mía dự kiến tăng 11% so với niên vụ trước nhờ quy mô sản xuất lớn hơn và khí hậu thuận lợi.

Tận dụng thời cơ, những công ty mía đường lớn đều đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng mía đường ít nhất 15% so với niên vụ trước. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp duy trì tăng trưởng lợi nhuận và giảm bớt áp lực từ xu hướng tăng giá mía.



Báo cáo phân tích thị trường