Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kỳ II: Cách nào "hồi sinh" ngành mía đường?
02 | 06 | 2021
Trước áp lực cạnh tranh không lành mạnh từ đường nhập khẩu, đường lậu, gian lận thương mại… đe dọa "hủy diệt" sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra phòng vệ thương mại (PVTM), áp thuế tạm thời chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan. Đây là một quyết định đúng đắn, phù hợp pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế, đã và đang tác động tích cực, góp phần giúp cho ngành mía đường Việt Nam hồi phục và phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nguồn: Congthuong.vn

Quyết định đúng đắn

Mở cửa thị trường theo cam kết ATIGA, cơ hội để phát triển cho ngành mía đường Việt Nam là có điều kiện tiếp cận được thị trường khu vực ASEAN với hơn 600 triệu dân. Tuy nhiên, thách thức ngành mía đường Việt Nam gặp phải cũng rất lớn ngay sau khi Việt Nam thực thi ATIGA, do quá trình hội nhập giá đường trong nước phụ thuộc vào biến động giá đường của thế giới. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy, giá đường thế giới đã bị thao túng, có những thời điểm, giá đường thế giới nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chỉ tương đương với giá thành sản xuất mía, tạo ra áp lực sống còn với các nhà máy đường Việt Nam.

Thực tế, trong quá trình hội nhập quốc tế, các quốc gia đều có những ngành sản xuất khó có thể cạnh tranh được với bên ngoài. Chính vì vậy, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cho phép các nước thành viên sử dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) chống trợ cấp và tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước trong những hoàn cảnh, điều kiện đặc biệt.

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Ngay sau khi ngành mía đường Việt Nam hội nhập ATIGA, Bộ Công Thương đã theo dõi sát sao, lắng nghe và nắm bắt được tình trạng mặt hàng đường của Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam được trợ cấp, bán phá giá thấp hơn nhiều so với giá bán ở thị trường nội địa Thái Lan. Bộ Công Thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp về các điều kiện, quy định của pháp luật để tiến hành đề nghị điều tra áp dụng PVTM. Sau khi xem xét hồ sơ của ngành đường thỏa mãn các quy định, tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng tiến hành điều tra áp dụng PVTM đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Kỳ II: Cách nào
Tọa đàm "Phòng vệ thương mại: Cú hích phát triển ngành mía đường trong tình hình mới". Ảnh Cấn Dũng

Kết quả cho thấy, đường Thái Lan ép giá đường Việt Nam, dẫn đến thiệt hại lớn cho ngành sản xuất trong nước. Số doanh nghiệp đường Việt Nam đã ngày càng bị thu hẹp, nhiều nhà máy đã phải dừng hoạt động hoặc cắt giảm 30% sản lượng niên vụ 2019-2020. Đường nhập khẩu từ Thái Lan bán phá giá, đã khiến giá đường trong nước bị sụt giảm mạnh, các nhà máy đường hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, kéo theo giá mua mía nguyên liệu cho nông dân giảm xuống thấp, người nông dân thua thiệt, một số nơi đã bỏ trồng mía. Số liệu điều tra của Bộ Công Thương cho thấy, diện tích trồng mía của Việt Nam đã bị suy giảm khoảng từ 30-40%.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, mức trợ cấp của Chính phủ Thái Lan về giá đối với sản xuất mía vào khoảng 5%; đường Thái Lan bán phá giá vào Việt Nam lên đến gần 45% đối với đường tinh luyện, phá giá khoảng 30% đối với đường thô. Bộ Công Thương cho biết, có đủ bằng chứng thực tiễn và cơ sở pháp lý khẳng định, Thái Lan bán phá giá đường vào Việt Nam. Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 477/2021/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan (mức thuế chống bán phá giá đường tinh luyện là 48,88%; đường thô là 33,88%), trên cơ sở tuân thủ đúng các qui định pháp luật trong nước và quốc tế.

Ngày 12/5 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên tham vấn công khai với tất cả các bên có liên quan để lắng nghe quan điểm, ý kiến, phản biện… Các bước cuối cùng của quá trình điều tra, xử lý vụ việc này hiện đang tiếp tục triển khai, dự kiến Bộ Công Thương sẽ sớm đưa ra kết luận và quyết định về mức thuế chính thức sau khi tham vấn đầy đủ ý kiến của tất cả các bên có liên quan.

Tác động lan tỏa

Ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) - cho biết, ngay khi Bộ Công Thương quyết định điều tra (tháng 9/2020), giá đường sản xuất trong nước đã được cải thiện, mở ra cho doanh nghiệp và người nông dân một tương lai mới. Giá đường trong nước cải thiện có lợi cho sản xuất, các nhà máy đường đã nâng giá mua mía cho nông dân kể từ đầu niên vụ 2020-2021, người nông dân rất phấn khởi. Đây là một quyết định mang lại sự hồi sinh cho ngành mía đường Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Lộc nhận định: Nếu trong năm 2020 và đầu năm 2021, Bộ Công Thương không đưa ra được quyết định điều tra, quyết định áp thuế tạm thời chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, thì niên vụ 2020-2021 có lẽ sẽ là vụ sản xuất cuối cùng của ngành mía đường Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS), chia sẻ: Dù Bộ Công Thương mới có quyết định tạm thời áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, song hoạt động của các nhà máy đường đã có những cải thiện, có điều kiện để duy trì vùng nguyên liệu. Nông dân trồng mía và doanh nghiệp tin tưởng vào Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ sản xuất trong nước đúng pháp luật khi hội nhập quốc tế. Ông Đàng kiến nghị, Bộ Công Thương cần sớm kết luận và chính thức áp thuế CBPG, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Kỳ II: Cách nào
Đóng bao đường. Ảnh Cấn Dũng

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại:

Phòng vệ thương mại như con dao 2 lưỡi, có thể hỗ trợ nông dân, các nhà máy đường, nhưng nó cũng tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Trên cơ sở đánh giá tác động kinh tế, xã hội việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ đưa ra quyết định phù hợp nhất, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Nhưng dù chọn phương án nào, thì cũng sẽ rất khó có thể làm hài lòng được tất cả các bên.

Liên quan đến mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, có sự chênh lệch 15% giữa đường tinh luyện và đường thô (thuế đường thô thấp hơn đường tinh luyện), ông Đàng cho rằng, phương án này sẽ góp phần hỗ trợ sản xuất đường trong nước (nhập khẩu đường thô về tinh luyện), phù hợp tinh thần WTO, giảm bớt được nhập lậu đường, hài hòa được lợi ích giữa các bên liên quan.

Tuy nhiên, đại diện VSSA và một số doanh nghiệp đường, người nông dân trồng mía, lại không ủng hộ phương án nêu trên. Ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định 477/2021/QĐ-BCT áp thuế tạm thời chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, có sự chênh lệch mức thuế 15% giữa đường thô và tinh luyện, VSSA đã rà soát lại thì thấy, căn cứ giá đường thô thế giới, khi nhập khẩu đóng thuế chống bán phá giá 33,8% và cộng thêm 5% thuế nhập khẩu theo ATIGA, thì đường thô từ Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam, mức giá cũng mới chỉ tương đương với giá mía sản xuất ở trong nước thời điểm hiện nay. Với mức giá này, các nhà máy đường chẳng dại gì mua mía của nông dân, họ sẽ nhập khẩu đường thô về để luyện. Ông Lộc cho rằng, khi chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, Bộ Công Thương nên cân nhắc về mức thuế đối với đường thô làm sao hỗ trợ người nông dân được mua mía với giá bằng giá mía trong khu vực, như vậy họ mới tiếp tục trồng mía, các nhà máy đường mới có nguyên liệu.

Ngoài ra, theo ông Lộc, ngay sau khi áp thuế sơ bộ, đã xuất hiện đường từ Thái Lan nhập khẩu “biến tướng” (gian lận xuất xứ) đi qua các nước ASEAN khác rồi về Việt Nam nhằm “né” thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Các cơ quan chức năng cần có các giải pháp đồng bộ bên cạnh biện pháp PVTM, để chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống các hành vi gian lận thương mại, nhập lậu bằng nhiều hình thức khác nhau. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, thị trường Việt Nam đã bị đường nhập khẩu theo hình thức nhập về để sản xuất xuất khẩu, nhưng không sản xuất và xuất khẩu, mà gian lận tiêu thụ ở thị trường nội địa để trục lợi hưởng chênh lệch giá.

Phản hồi ý kiến của doanh nghiệp và đại diện VSSA, bà Phạm Châu Giang cho biết, qua theo dõi của Bộ Công Thương, nhập khẩu đường từ các nước ngoài Thái Lan tăng là có. Số liệu tháng 3/2021 cho thấy, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm nhiều, nhưng nhập khẩu từ Malaisia, Indonesia, Camphuchia, Myanmar… đã tăng và tổng khối lượng nhập khẩu từ các nước này đã tương đương với lượng nhập khẩu từ Thái Lan trước đây. Tuy nhiên, theo bà Giang, để xử lý việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đường nhập khẩu từ Thái Lan qua các nước khác về Việt Nam theo đúng pháp luật, thông lệ quốc tế, cần phải có quá trình điều tra, dựa trên dữ liệu chính xác. Bà Giang khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình để đưa ra các phương án xử lý phù hợp, đúng đắn.



Báo cáo phân tích thị trường