Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường trong nước sẽ tăng theo biến động của thế giới?
21 | 04 | 2022
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhận định giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới, hiện đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Giá đường trong nước tăng trở lại trong tháng 3 sau hai tháng giảm liên tiếp, nhưng mức tăng khá chậm so với đà tăng của thị trường thế giới.

Tính đến cuối tháng 3 giá đường trắng dao động từ 17.800 – 18.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 200 – 600 đồng/kg so với với đầu tháng 1 năm nay. Đồng thời, giá đường trong nước vẫn tiếp tục chịu sức ép lớn từ đường nhập lậu giá thấp chỉ từ 16.600 – 17.300 đồng/kg.

Theo nhận định của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 4 và các tháng kế tiếp và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu.

Giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới, hiện đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), trong tháng 3, giá đường thô giao ngay đã tăng vọt lên mức cao nhất 4 tháng với trung bình 19,1 US Cent/pound, tăng so với 17,9 US Cent/pound của tháng 2 và mức 18,2 US Cent/pound của tháng 1.

Chỉ số giá đường trắng cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong 5 năm gần đây với 528,4 USD/tấn.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng vọt trong tháng 3, đặc biệt đối với dầu thô và hầu hết các loại nông sản, trong đó đường cũng không phải là ngoại lệ.

Bên cạnh đó, thị trường cũng có nhiều thông tin hỗ trợ cho giá đường khi giá dầu tiếp tục ở mức cao, trong khi tại Brazil giá ethanol đã tăng vọt lên trên mức giá đường dẫn đến khả năng chuyển đổi 8 triệu tấn đường sang sản xuất ethanol.

Còn tại Ấn Độ, các chỉ báo cho thấy chính phủ nước này có thể giới hạn xuất khẩu đường ở mức 8 triệu tấn để đối phó với giá đường tăng cao tại thị trường nội địa. Điều này cũng đã dẫn đến quan ngại thiếu hụt nguồn cung đường cho thị trường quốc tế và hỗ trợ đà tăng giá của  đường thô và đường trằng.

Những yếu tố này được cho là sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng giá đường thế giới trong thời gian tới. Tuy nhiên, đà tăng giá cũng sẽ phần nào bị hạn chế do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát gia tăng tại nhiều nước khiến sức cầu hàng hóa giảm.

Vẫn còn nỗi lo từ đường nhập lậu

Bên cạnh những yếu tố kể trên, VSSA cho biết giá đường trong thời gian sắp tới cũng phụ thuộc vào hiệu quả của các nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).

Trong tháng 3 các hoạt động gian lận thương mại đường tiếp tục hoạt động mạnh, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát do nước ngoài sản xuất vào Việt Nam.

Không chỉ tại các khu vực biên giới như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Quảng trị, Hà Tĩnh… tại các địa phương khác cũng hoạt động tích cực và bị các lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ gian lận thương mại đường nhập lậu.

Theo VSSA, các vụ việc được phát hiện chỉ là phần rất nhỏ của các hoạt động thương mại đường nhập lậu, vì đường Thái Lan và đường Campuchia (thực chất cũng là đường Thái Lan đóng bao Campuchia) xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rẻ hoặc dưới hình thức đường đóng cây 12 Kg và đường đóng túi 1 kg của các cơ sở sang chiết đóng gói.

Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động để ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại. Tuy nhiên hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát cuối từ tháng 12/2021 cho đến nay vẫn chưa giảm nhiệt, cho thấy công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đương nhập lậu vẫn còn nhiều kẽ hở, và đang bị các đối tương kinh doanh phi pháp lợi dụng.

Đường nhập lậu và đường nhập khẩu  từ các nước ASEAN và cả đường lỏng siro ngô nhập khẩu đang tiếp tục chiếm lĩnh thị trường  với ưu thế giá rẻ hơn giá thành đường từ mía, khiến cho đường sản xuất từ mía rất khó tiêu thụ.

Về sản xuất trong nước, trong tháng 3 đa số các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022, còn lại một vài nhà máy tiếp tục sản xuất sang tháng 4/2022.

Lũy kế đến cuối tháng toàn ngành đã ép được 5.990.198 tấn mía sản xuất được 630.095 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020-2021 sản lượng mía ép đạt 103,15% và sản lượng đường đạt 102%.



Báo cáo phân tích thị trường