Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long: Thương lái "khống chế" nhà máy đường
16 | 10 | 2009
Niên vụ 2009 - 2010, diện tích trồng mía tại đồng bằng sông Cửu Long còn 52.500 ha, giảm 12.500 ha so với niên vụ 2008 - 2009. Theo dự đoán của các chuyên gia, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu là điều không tránh khỏi và sẽ diễn ra vào thời điểm cuối vụ (tức đầu năm 2010).

Nhưng, ngay từ đầu vụ "cuộc chiến" nguyên liệu đã xẩy ra một cách gay gắt, đẩy giá mía lên cao chưa từng có.

Năm nào cũng vậy, "chợ mía" nguyên liệu ở vùng mía Hậu Giang họp sớm nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ trung tuần tháng 9, từ thị xã Ngã Bảy theo kênh Lái Hiếu đến thị trấn Cây Dương (huyện Phụng Hiệp) hàng chục ghe tải cỡ lớn của nhiều tỉnh, thành đã về đây tranh nhau mua mía. Khác với mọi năm, năm nay thương lái lùng sục vào tận rẫy, mua mía xô với giá 650 - 750 đồng/ kg, tăng khoảng 300 đồng/kg so với vụ trước.

Nông dân phấn khởi, vì bán được mía với giá cao nhất từ trước đến nay. Ông Phan An, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp) vừa bán 2 công mía (1.000 m2/công), khoe: "Tôi vừa bán mía ROC với giá 700 đồng/kg. Nếu giá mía vẫn giữ được mức như thế này thì nông dân trồng mía năm nay thắng to"!

Ông Dương Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Tính đến ngày 10/10, nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã thu hoạch được gần 4.500/8.159 ha mía nguyên liệu, năng suất đạt bình quân 90-100 tấn/ha.

Hiện tại, giá mía tăng liên tục 700 - 750 đồng/kg, riêng mía GOC giá lên đến 850 đồng/kg. Ông Hùng lý giải: "Sở dĩ giá mía ở Phụng Hiệp (và có lẽ cả đồng bằng sông Cửu Long) đạt mức cao nhất từ trước đến nay vì diện tích mía giảm. Theo tôi biết được, riêng vùng mía 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng năm nay còn khoảng 26.000 ha, giảm gần 4.000 ha so với vụ trước. Diện tích giảm, nguyên liệu thiếu; giá đường tăng nông dân không thể không được hưởng lợi".

Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng, cho biết: trước tình hình phức tạp của thị trường, để có nguyên liệu hoạt động các nhà máy đường ởđồng bằng sông Cửu Long đang linh hoạt mua mía theo 2 phương thức: đưa phương tiện đến tận rẫy mua mía xô hoặc mua mía theo chữ đường tại nhà máy, với giá 800 đồng/kg loại 10 chữ đường.

Nếu bán mía theo chữ đường, nông dân được trả kết quả phân tích chữ đường sau 2 giờ kể từ khi nhà máy đường lấy mẫu. Tuy vậy, trong cuộc chạy đua trên thương trường nhà máy lại đi sau thương lái.

Khởi động vụ ép từ 15/9, đến ngày 22/9 tất cả các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long chính thức chạy máy. Khác với mọi năm, ngay từ tuần đầu khởi động vụ ép mới lãnh đạo các  công ty mía đường ở đồng bằng sông Cửu Long đã nhận thấy rất rõ sự bất ổn của thị trường nguyên liệu.

Ông Nguyễn Thái Hoà, Phó giám đốc nhà máy đường Trà Vinh, bức xúc: "Ngày 22/9 nhà máy chính thức đi vào hoạt động mà giá nguyên liệu đã quay đảo như chong chóng, có khi trong 1 ngày giá tăng thêm 50 đồng/kg, làm đảo lộn thị trường. Trong khi đó lượng mía thương lái thâu tóm được rất lớn. Số còn lại trong dân các nhà máy hỏi mua, giá 8 - 10 triệu đồng/công (1.000 m2) không ai chịu bán. Tình hình này rất nguy hiểm"!

Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc  công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết: "Theo con số tôi nắm được, hiện tại thương lái đã nắm trong tay tới 60 - 70% lượng mía nguyên liệu. Thời gian qua, Casuco ký hợp đồng đầu tư vốn, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu mía ở tỉnh Hậu Giang (khoảng 13.000 ha), theo giá thị trường. Nông dân có thể bán mía trực tiếp cho nhà máy hoặc bán mía qua thương lái (đại lý của công ty).

Tuy vậy, vào đầu vụ ép thương lái đã đặt cọc mua trên 50% sản lượng mía ở thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp. Khi đã có mía trong tay, thương lái sẵn sàng đem bán cho bất cứ nhà máy nào có giá mua cao hơn". Theo ông Long thì các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long không thể đáp ứng yêu sách về giá mía của thương lái để cùng "chết chùm".

Để giảm áp lực nguyên liệu, ổn định thị trường, ngày 25/9 - khi khởi động vụ ép 2009 - 2010 mới được 10 ngày, 10 nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long đã ngồi lại, thống nhất áp giá mua mía tại rẫy 650 đồng/kg - loại mía đạt 8 chữ đường (CCS) đúng như chỉ đạo của Bộ Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn, là giá mía nguyên liệu bằng 60% giá đường mà các công ty bán ra sau khi trừ thuế.

Còn đối với tình trạng thiếu mía nguyên liệu, giải pháp giảm công suất chế biến còn khoảng 80% cũng đã được 10 nhà máy đồng thuận. Theo cách tính của lãnh đạo các công ty mía đường, với giá mía 650 đồng/kg, người trồng mía đã lời khoảng 55% so với tổng doanh thu.

Mặc dù vậy, thị trường mía nguyên liệu vẫn thuộc về giới thương lái và buộc các nhà máy không còn cách nào khác - theo cách nói của họ rằng "phải mua mía với giá linh hoạt", từ 700 - 800 đồng/kg. Dù đã tăng giá, nhưng mía nguyên liệu vẫn không như mọi năm "chảy" về các nhà máy. Mà, mía bị thương lái "găm", nông dân giữ trên rẫy chờ giá... tăng.

Vì vậy, mặc dù đã vào vụ ép gần 1 tháng, thị trường đường vẫn chưa hết căng thẳng. Giá đường các nhà máy bán buôn ra ngoài đã lên đến 14.000 đồng/kg, tăng cao hơn từ khi bắt đầu vào vụ khoảng 1.000 đồng/kg. Do thiếu nguyên liệu nên các nhà máy phải áp dụng biện pháp ngày chạy, ngày nghỉ mà chưa đạt 60% công suất đã cạn mía.

Không thể ngồi nhìn thương lái "khống chế" thị trường nguyên liệu, ngày 5/10, đại diện 10 nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long thêm một lần ngồi lại cùng nhau thương thảo, tìm kế sách "thoát hiểm" tình trạng khan hiếm nguyên liệu và đi đến thống nhất biện pháp bất đắc dĩ: các nhà máy xếp lịch hoạt động luân phiên, mỗi nhà máy sẽ ngưng hoạt động trong vòng 10 ngày để dồn mía cho nhau chạy hết công suất.

Theo tính toán của lãnh đạo các công ty mía đường, với cách làm này lúc nào trong vùng cũng có 3-4 nhà máy hoạt động mà lượng đường vẫn đảm bảo cung ra thị trường đều đặn, thỏa thuận sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 11/2009. Giám đốc Casuco, ông Nguyễn Thành Long hi vọng và dự đoán rằng, lượng đường cát cung ra thị trường sẽ khá hơn, và giá đường RS nhờ đó sẽ giảm nhẹ xuống dưới 14.000 đồng/kg.



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường