Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN VỀ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NĂM 2021
05 | 08 | 2022
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NỀN NÔNG NGHIỆP CÓ KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU CAO TỪ KINH NGHIỆM ỨNG PHÓ VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19

Nguồn: Học viện Nông nghiệp

TÓM TẮT BÁO CÁO

  1. SỰ CẦN THIẾT NÂNG CAO KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU CỦA NỀN NÔNG NGHIỆP TRƯỚC CÁC CÚ SỐC VÀ CĂNG THẲNG BẤT LỢI

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, nông nghiệp luôn phải đối phó với nhiều yếu tố tác động tiêu cực làm triệt tiêu các nỗ lực thúc đẩy phát triển, gây mất ổn định trong sản xuất và đời sống xã hội. Do nông nghiệp liên quan đến đời sống của mọi người dân và nhiều ngành kinh tế, bất ổn trong nông nghiệp có thể gây phản ứng lan truyền trên diện rộng. Do vậy, bên cạnh các nỗ lực thúc đẩy phát triển phải chú trọng đúng mức tới việc đối phó, hạn chế tác động tiêu cực của các rủi ro có thể xảy ra.

Quy mô và mức độ tác động của các rủi ro có thể rất khác nhau tùy thuộc vào bản chất của rủi ro và khả năng phòng, chống của các đối tượng liên quan. Xây dựng khả năng chống chịu là một phần của nỗ lực phát triển bền vững.

Ở nước ta, vấn đề xây dựng năng lực chống chịu cho nền kinh tế và xã hội đã được quan tâm, từng bước xây dựng năng lực của hệ thống phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hạn chế thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Tuy vậy, việc xây dựng khả năng chống chịu của xã hội nói chung, nền nông nghiệp nói riêng chưa toàn diện, việc thực hiện còn thiếu đồng bộ, nặng về đối phó khi rủi ro xảy ra, sự chủ động chưa cao.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, gia tăng giao thương quốc tế, khả năng xuất hiện các rủi ro thiên tai, dịch bệnh có xu hướng tăng về tần suất và cường độ, đồng thời xuất hiện nhiều loại rủi ro khác, khó lường. Để đảm bảo sự ổn định nhất định trong phát triển nông nghiệp và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, đã đến lúc phải xem xét toàn diện việc xây dựng năng lực chống chịu. Đại dịch COVID-19 đã một lần nữa cho thấy sự cần thiết và tính cấp bách của công việc này.

Các cú sốc đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Thiên tai (bão, lũ, hạn hán, rét đậm, xâm nhập mặn bất thường...), dịch bệnh dẫn đến giảm sản lượng cây trồng, vật nuôi. Các rủi ro dài hạn như biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát lấy đi nguồn lực của nông nghiệp... thường làm cho tác động của các cú sốc ngắn hạn thêm nặng nề và khó khắc phục. Phần lớn các dự báo đều cho thấy biến đổi khí hậu sẽ có tác động tiêu cực tới sản lượng nông nghiệp.

Phần lớn các cú sốc đều ảnh hưởng tiêu cực đến người sản xuất. Do phải tăng chi phí để phòng chống, sản lượng bị giảm, hoặc cả hai, thu nhập của người sản xuất bị giảm. Trường hợp giá nông sản tăng, giá vật tư giảm, phần lớn lợi ích trước hết rơi vào tay người phân phối. Người sản xuất chỉ được hưởng một phần tùy thuộc nhiều vào mức độ thông thoáng và cạnh tranh trên thị trường.

Phần lớn các cú sốc đều dẫn đến gián đoạn, xáo trộn chuỗi cung ứng. Thiên tai thường gây ách tắc lưu thông, nhất là tới các vùng sâu, vùng xa, nơi đường giao thông kém phát triển. Điều này cũng xảy ra khi có dịch bệnh và phải áp dụng các biện pháp kiểm soát để ngăn ngừa sự lây lan. Nguồn cung và giá cả thay đổi gây khó khăn cho các nhà chế biến, kinh doanh bán buôn, bán lẻ và cả người tiêu dùng lương thực.

Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung trong nước. Sự gián đoạn trong nhập khẩu vật tư, nguyên liệu cũng sẽ làm tăng chi phí sản xuất nông sản và giảm lợi nhuận của người sản xuất nông nghiệp (trong đó có nông dân).

Giá cả lương thực, thực phẩm tăng thường tác động mạnh đến chỉ số lạm phát do các loại hàng hóa này thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong rổ hàng hóa tiêu dùng.

Nhà nước thường phải bỏ ra lượng ngân sách lớn để phòng, chống, khắc phục rủi ro, cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, điều này sẽ ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ phải tăng chi ngoại tệ để nhập khẩu lương thực. Trong một số trường hợp, các cú sốc gây tác động nặng nề, trên diện rộng có thể dẫn đến những bất ổn xã hội, chính trị.

  1. TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐẾN NÔNG NGHIỆP VÀ ỨNG PHÓ CỦA VIỆT NAM

Tháng 12/2019, dịch COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện, sau đó đã lan rộng khắp thế giới. Để phòng chống đại dịch, hầu hết các nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. Đại dịch đã gây ra cú sốc dẫn đến suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Đến nay đại dịch có xu hướng giảm, các nước từng bước mở cửa trở lại, giao thương dần được phục hồi.

Ngày 23/1/2020 xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam. Chính phủ đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp phòng chống đại dịch tùy theo yêu cầu và điều kiện từng giai đoạn. Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Thực hiện chủ trương này, việc giao thương, đi lại giữa các địa phương được nới lỏng.

Năm 2020-2021, Đại dịch COVID-19 đã làm tăng trưởng của GDP toàn quốc giảm mạnh, trong khi đó ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá ổn định nhưng ở mức gần tương đương (tương ứng là 2,68 và 2,9%) so với trung bình 10 năm 2011-2021.

Đại dịch COVID-19 làm thị trường nông sản đình trệ, ảnh hưởng nhiều tới các hộ nông nghiệp, nhất là các hộ sản xuất hàng hóa tươi sống, như hoa, quả, thủy sản. Tuy nhiên, giãn cách xã hội do đại dịch cũng ảnh hưởng tới các hộ tham gia hoạt động phi nông nghiệp, bao gồm các hoạt động kinh doanh tại địa phương, người lao động đi làm tại các thành phố, làm công ăn lương tại các doanh nghiệp. Khủng hoảng kinh tế khiến tình trạng thất nghiệp tăng lên và điều kiện làm việc trở nên khó khăn hơn, dẫn đến dòng di cư “ngược trở lại nông thôn”, làm trầm trọng thêm tình hình thiếu việc làm ở khu vực nông thôn.

Khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD, IFAD và ADB, 2020) cho thấy, khoảng 56% hộ nông thôn bị giảm thu nhập trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020 và trong giai đoạn sau đó do ảnh hưởng của các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trước hoàn cảnh khó khăn, phần lớn các hộ đều tự nỗ lực để vượt qua. Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ nông dân.

Đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực tới đa số doanh nghiệp. Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp.

Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp được thành lập mới và trở lại hoạt động là 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp.

Trong điều kiện đại dịch, do có nguồn cung dồi dào nên nước ta luôn đảm bảo cung cấp đủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Trong một số trường hợp, trước khi phong tỏa, đã có tình trạng mua gom, tích trữ lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào thời gian dịch bệnh mới bùng phát. Nguyên nhân chính là do tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng tạo ra sự tăng cầu đột biến, không phải do thiếu nguồn cung. Trong khâu vận chuyển có một số khó khăn liên quan đến thủ tục kiểm dịch, dừng kinh doanh một số chợ đầu mối... nhưng Chính phủ và các địa phương tích cực, chủ động tháo gỡ, tạo “luồng xanh” cho nông sản nên cơ bản không dẫn đến ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước.

Trong hai năm 2020-2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp liên tục tăng. Tuy vậy, trong thời gian đại dịch xảy ra đã có những đứt gãy trong chuỗi cung ứng liên quan đến xuất, nhập khẩu. Việc xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đã đã bị ùn ứ nhiều đợt, chủ yếu liên quan đến thủ tục kiểm dịch COVID-19.

Đại dịch đã tác động tới kinh tế vĩ mô thông qua ngành nông nghiệp. CPI bình quân năm 2020 tăng một phần là do tăng giá lương thực, thực phẩm. Năm 2021, giá gạo tăng làm CPI chung tăng 0,15%. Đứt gãy tạm thời trong các chuỗi cung ứng gây giảm giá của người sản xuất nhưng tăng giá đối với người tiêu dùng. Tuy vậy, tổng thể dao động về giá cả nông sản không gây ra lạm phát quá mức, ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng.

Trong hai năm qua, Ngân sách nhà nước đã phải tăng chi cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 và cứu trợ xã hội, nên ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn bị hạn chế. Ngành nông nghiệp duy trì và tiếp tục mở rộng xuất khẩu hàng hóa đã góp phần tích cực vào việc duy trì cán cân thương mại của cả nước.

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 không phải là dịch bệnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhưng đã tác động mạnh đến ngành nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên nhiều phương diện tương tự như một cú sốc. Tuy vậy, nông nghiệp phát triển tương đối ổn định đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân và chính trị - xã hội.

  1. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU CỦA NỀN NÔNG NGHIỆP TỪ KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19

Mục đích:

Mục đích chính của việc nâng cao khả năng chống chịu của nền nông nghiệp là tạo cơ sở ổn định sản xuất và đời sống của nông dân cũng như hoạt động của các ngành kinh tế có liên quan, đời sống của người tiêu dùng lương thực, góp phần ổn định xã hội trước tác động của các loại rủi ro và căng thẳng bất lợi có thể xảy ra.

Các yêu cầu chính đối với việc nâng cao khả năng chống chịu:

- Đối với sản xuất nông nghiệp: duy trì tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, đảm bảo nguồn cung cấp liên tục ra thị trường, nhất là khi có các cú sốc đe dọa giảm sản lượng nông nghiệp;

- Đối với người sản xuất: đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định hoặc tiếp tục gia tăng; hạn chế tổn thất về sản lượng và giá trị; hạn chế việc phải tăng chi phí sản xuất;

- Đối với chuỗi cung ứng: đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, liên tục cung cấp đủ về số lượng, chủng loại với giả ổn định tới người tiêu dùng. Tiêu thụ kịp thời nông sản do nông dân làm ra với giá cả tương đối ổn định;

- Đối với kinh tế vĩ mô: giảm thiểu tác động tiêu cực tới các cân đối vĩ mô; ổn định chính trị, xã hội.

Các giải pháp chính:

  1. Nâng cao năng lực phòng ngừa

Trong 20 năm qua, đã có nhiều đợt dịch bệnh trên người xảy ra trên quy mô lớn (SARC, Cúm gia cầm H5N1, Cúm lợn, Ebola, MERC). Trong những năm tới có thể sẽ bùng phát những đợt dịch mới khác. Tác động của mỗi loại dịch bệnh có thể khác nhau, nhưng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì có nhiều điểm giống nhau. Trước khi nghiên cứu và chế tạo được vắc-xin, biện pháp bắt buộc là phải cách ly, phong tỏa các cá nhân và vùng có dịch bệnh lưu hành. Ngành nông nghiệp phải kết hợp chặt chẽ với ngành y tế để tổ chức giám sát, phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh từ động vật sang người. Cần tăng cường năng lực của hệ thống Thú y; tiếp tục triển khai “Chương trình Một sức khỏe” để tạo điều kiện phối hợp hiệu quả giữa các chuyên ngành.

  1. Nâng cao năng lực dự phòng

Kinh nghiệm của hai năm phòng chống đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của ngành nông nghiệp với vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế. Nhà nước cần tiếp tục có chủ trương chính sách duy trì sự phát triển ổn định, bền vững của nông nghiệp, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; ổn định chuỗi cung ứng; tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn.

  1. Nâng cao năng lực hấp thu

Trong khi đại dịch xảy ra, vấn đề chính đặt ra là khắc phục tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng vật tư, nông sản, lương thực, thực phẩm, bảo vệ việc làm và thu nhập của người lao động. Biện pháp chính chuẩn bị cho tình huống trên là phát triển đa dạng cơ sở hạ tầng, logistics; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản; nâng cao năng lực dự trữ lương thực tại các vùng miền và dự trữ tài chính; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội; phát triển các loại hình bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm trong nông nghiệp.

  1. Nâng cao năng lực thích ứng

Trong thời gian đại dịch, các ngành hàng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng tươi sống như thủy sản, rau, hoa, quả đã bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, ách tắc trong lưu thông giữa các vùng miền và xuất khẩu nên giảm giá và cả sản lượng. Để đối phó với các tình huống tương tự trong tương lai cần chú trọng nâng cao năng lực chế biến, bảo quản, nhất là đối với rau, hoa, quả; chọn tạo và đưa vào sử dụng các giống có khả năng bảo quản dài hạn hơn.

  1. Nâng cao năng lực chuyển đổi

Vấn đề cấp thiết là phải đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp; chuyển mạnh từ xuất nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

  1. Các giải pháp khác
  1. Nâng cao năng lực cấp hộ, doanh nghiệp, cộng đồng

Trước hết cần tuyên truyền để các hộ, doanh nghiệp nhận thức đúng về các mối nguy, rủi ro và có biện pháp phòng tránh, ứng phó phù hợp. Phát triển hệ thống bảo hiểm giúp các hộ, doanh nghiệp giảm bớt tác hại của rủi ro. Phát triển hệ thống an sinh xã hội, cứu trợ kịp thời khi cần thiết.

  1. Nâng cao năng lực của các chuỗi cung ứng

Phát triển hệ thống giao thông đa tuyến đồng thời với phát triển các chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt trước sự thay đổi của nhu cầu, nhất là đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tăng năng lực dự trữ, bảo quản trong nước; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp.

  1. Nâng cao năng lực của hệ thống nông lương quốc gia

Các giải pháp chính gồm: điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi có tính đến rủi ro thiên tai, dịch bệnh và thị trường theo hướng né tránh thiên tai, đề phòng dịch bệnh, đa dạng thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống dịch vụ công chuyên nghiệp kết hợp phát huy sự tham gia của tư nhân; xây dựng hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách minh bạch; xây dựng bộ máy quản lý nhà nước thống nhất, phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng; chuẩn bị đủ dự trữ lương thực, vật tư thiết yếu và dự phòng tài chính; nâng cao năng lực truyền thông và chuyển đổi số trong quản lý phát triển; nâng cao năng lực của hệ thống nghiên cứu, khuyến nông các cấp để tư vấn, đào tạo, chuyển giao tới nông dân các kiến thức và kỹ năng nhận thức và quản lý rủi ro trong nông nghiệp.

  1. Nâng cao năng lực truyền thông và chuyển đổi số trong quản lý phát triển

Phát triển các hệ thống truyền thông đa kênh phù hợp với từng vấn đề và từng nhóm đối tượng để tiếp cận và truyền tải thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất để người sản xuất, doanh nghiệp và cộng đồng nắm được thông tin về thị trường, các rủi ro và cú sốc một cách chính thống. Đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng cường năng lực quản lý và nâng cao hiệu quả phát triển ngành nông nghiệp - nông thôn.

  1. KIẾN NGHỊ

Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng trước tác động của các cú sốc và căng thẳng bất lợi là yêu cầu thực tế, khách quan có ý nghĩa thiết thực giúp các quốc gia, cộng đồng và nguời dân giảm thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất, đời sống, ổn định chính trị, xã hội.

Việt Nam là nước thường xuyên có nhiều có nhiều cú sốc và căng thẳng bất lợi. Biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và cường độ của thiên tai. Để chủ động đối phó với các vấn đề nêu trên Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chủ trương, kế hoạch, chính sách và bố trí nguồn lực tương xứng để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng tới tất cả các mặt đời sống xã hội ở nước ta và trên khắp thế giới, trong đó có ngành nông nghiệp. Để đối phó với các tình huống tương tự trong tương lai, đối với quốc gia cần tiếp tục chú trọng phát triển nền nông nghiệp vững mạnh; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Để nâng cao khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ nâng cao nhanh năng lực bảo quản nông sản, nhất là các phương tiện bảo quản hàng tươi sống, bảo quản lạnh; tiếp tục nâng cao năng lực chế biến trong nước; phát triển đa dạng các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn để tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội; phát triển bảo hiểm nông nghiệp; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp; nhanh chóng chuyển buôn bán tiểu ngạch sang hình thức chính ngạch; phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh nông sản trong và ngoài nước.

Nghiên cứu khoa học và phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ giúp nông nghiệp thích ứng với các cú sốc và căng thẳng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đến thăm gian trưng bày các sản phẩm khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nghiên cứu khoa học và phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ giúp nông nghiệp thích ứng với các cú sốc và căng thẳng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đến thăm gian trưng bày các sản phẩm khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Chi tiết báo cáo xem tại đây.



Học viện Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường