Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG EU THÁNG 7/2022
17 | 08 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố lạm phát tháng 7 của khu vực đồng euro lập kỷ lục mới với 8,9%. Lạm phát của eurozone gần đây liên tục lập đỉnh do tác động từ xung đột Nga - Ukraine và các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đợt phong tỏa vì Covid-19. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của eurozone tháng 6 tăng 8,6% và tháng 5 tăng 8,1%. Tại Đức, lạm phát là 7,5% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Còn ở Tây Ban Nha, lạm phát lên cao nhất 38 năm, với 10,8%. Để đối phó lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) lần đầu tiên kể từ năm 2011. Sau khi nâng 0,5%, lãi suất tham chiếu tại Liên minh châu Âu (EU) đã quay về 0%. Lãi suất tại khu vực này đã được duy trì ở mức âm từ năm 2014. Động thái này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/7. ECB trước đó cho biết sẽ chỉ nâng lãi thêm rất ít, nhưng sau đó đã quyết định mạnh tay hơn do đánh giá lại rủi ro lạm phát. ECB cũng thông báo công cụ mới nhằm giới hạn chi phí đi vay tại các quốc gia nặng nợ của Eurozone, như Italy hay Hy Lạp. Động thái này nhằm giải quyết tình trạng chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ các nước thành viên, đảm bảo tính thống nhất về tài chính trong khu vực.

Eurostat cũng công bố GDP quý II của khu vực đồng euro. Theo đó, nền kinh tế các nước eurozone tăng 0,7%, cao hơn nhiều so với dự báo chỉ 0,2% của giới phân tích. Trong quý I, mức tăng là 0,5% mặc dù bối cảnh giá năng lượng và thực phẩm tại châu Âu tăng vọt. Theo báo cáo của các quốc gia thành viên, du lịch hồi phục đã thúc đẩy kinh tế Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Đức có xu hướng chững lại xuất khẩu. Nhìn chung, Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến sự tại Ukraine đã phản ánh lên diễn biến kinh tế trong ngắn hạn.

Theo số liệu tổng hợp từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) được công bố vào tháng 7/2022, chỉ số phụ nhóm giao thông vận tải trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI ở EU trong tháng 6/2022 tiếp tục tăng và đạt 127,8, như vậy đây là tháng có chỉ số cao nhất trong 6 tháng đầu năm nay. Hoạt động logistics hàng không tại châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng do không phận Nga bị đóng cửa và các biện pháp phong tỏa, phòng chống dịch ở Thượng Hải dẫn đến việc lập tức đổi lịch và chuyển hướng nhiều tuyến bay. Xung đột địa chính trị làm trầm trọng hơn những khó khăn trong vận tải biển tuyến Á-Âu. Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Trung Quốc đến Châu Âu đã tăng hơn sáu lần trong một năm vì dịch bệnh, trước khi điều chỉnh giảm nhẹ vào tháng 7/2022. Hội đồng Châu Âu đã quyết định vào ngày 26 tháng 7 năm 2022 gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế hiện có đối với Nga thêm 6 tháng cho đến ngày 31 tháng 01 năm 2023. Việc gia hạn 6 tháng này có thể kéo dài hơn nữa nếu tình hình không được cải thiện và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động logistics thương mại hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng.

Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 2,5 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu 535,1 triệu USD, tăng 31,1% về xuất khẩu và 7,9% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 73,7%), cao su (giảm 17,8%), chè (giảm 48,2%), gạo (tăng 96,1%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 2,7%), hàng rau quả (tăng 10,5%), hàng thủy sản (tăng 41,2%), hạt điều (giảm 11,9%), hạt tiêu (tăng 27,5%), mây, tre, cói và thảm (tăng 7,8%), và sản phẩm từ cao su (giảm 28,1%). 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường