Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chống gian lận mã vùng trồng sầu riêng: Cần có khung pháp lý mạnh hơn
12 | 09 | 2022
Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho rằng cần có khung pháp lý mạnh mẽ để xử lý việc giả mạo thông tin mã vùng trồng sầu riêng.

Nguồn nongnghiep.vn

Mã vùng trồng sầu riêng bị mạo danh

Ít nhất có 2 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã đã có công văn gửi các cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn về việc mã vùng trồng sầu riêng và mã cơ sở đóng gói của họ bị mạo danh, “tự ý lấy mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói của đơn vị chúng tôi để làm thủ tục, hồ sơ nhằm xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc”.

Đó là Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc, Công ty TNHH TM Nông sản Việt Tâm, Công ty CP TM XNK Dũng Thái Sơn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành VIDA, cho biết: “Cần đưa việc giả mạo thông tin xuất xứ hàng hóa vào khung pháp lý. Có như vậy thì người dân và doanh nghiệp mới tự giác xây dựng mã vùng, mã xưởng. Việc này tôi đã đề xuất cách đây 3 năm trong nhiều hội nghị xuất khẩu nông sản”.

Với kinh nghiệm hàng chục năm ở thị trường Trung Quốc, bà Thực cho biết nếu các doanh nghiệp Việt Nam bị giả mạo gửi công văn thông báo với Hải quan, đối tác Trung Quốc, thì việc ngừng cho lưu thông các lô hàng giả mạo không khó, song sẽ làm “mất thể diện quốc gia”.

Mặt khác, các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, đổ mồ hôi nước mắt vào việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số đóng gói, có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng bởi việc “giả mạo xuất xứ” của một số đơn vị làm ăn kiểu chụp giật.

Bà Thực cho rằng cần cảnh báo điều này, và có chế tài xử lý mạnh tay. Bởi lẽ, việc chuyển đổi số ở Trung Quốc đã thực hiện được nhiều năm, các cơ quan như hải quan, thuế, kiểm dịch, doanh nghiệp, ngân hàng, đều liên thông được số liệu với nhau. Bất cứ khâu nào cũng có thể phát hiện gian lận.

“Tôi lấy ví dụ một vườn sầu riêng 10ha, sản lượng 300 tấn. Nhưng khi kiểm tra, phía Trung Quốc phát hiện có tới 600 tấn sầu riêng dùng mã vùng trồng của vườn này vào thị trường họ, thì mã đó sẽ bị ngừng để điều tra. Thiệt hại là rất lớn, không chỉ riêng doanh nghiệp, mà còn là uy tín của các cơ sở trồng sầu riêng của Việt Nam”, bà Thực nói.

Cần tránh bài học như xoài Đồng Tháp

“Việc kiểm tra ở phía Trung Quốc là rất dễ bởi chuyển đổi số liên thông nhiều ngành. Muốn xử lý là xử lý được ngay. Thậm chí vài tháng sau, họ dò lại, sẽ biết ngay chuyện gian lận”, bà Thực cho biết.

Ủy viên Ban chấp hành VIDA nhắc lại bài học về xoài Đồng Tháp cách đây 2 năm. Khi đó, HTX Mỹ Xương - Cao Lãnh đã rất bức xúc vì bị phía Trung quốc thông báo tạm ngừng nhập khẩu xoài từ mã của họ, việc này ảnh hưởng rất lớn đến chủ thể bị vi phạm và ảnh hưởng đến thương hiệu địa phương.

Bà Thực đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT, Hải quan các cửa khẩu, chính quyền địa phương, đơn vị kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế, cần có giải pháp trong việc phối hợp, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nông sản lưu thông.

“Nếu các cơ quan quản lý ở ngay địa phương có biện pháp quản lý tốt việc này, thì hàng giả mạo mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sẽ khó có thể thực hiện được. Nếu cơ quan kiểm dịch thực vật khi cấp giấy chứng nhận cho lô hàng xuất khẩu có kiểm tra hoặc theo dõi trên hệ thống đăng ký thông tin, sản lượng và thông báo bằng văn bản của các chủ sở hữu mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói ủy quyền cho đơn vị xuất khẩu thì sẽ giúp ngăn chặn việc giả mạo”.

Các chủ vườn cũng cần chủ động xây dựng mã số vùng trồng. Việc này không chỉ là chịu trách nhiệm trực tiếp với sản phẩm của mình, mà còn hưởng lợi từ việc đó. Doanh nghiệp xuất khẩu khi muốn mua cũng thuận tiện hơn.

Việc chuyển đổi phương thức làm việc theo lối mòn hàng chục năm và quan niệm “BÁN TẠI NHÀ” đã tạo thói quen khiến nhiều người NGẠI THAY ĐỔI. Tuy nhiên nếu không thay đổi để bắt nhịp cuộc chơi toàn cầu thì với năng lực cung cấp nông sản của Việt Nam gấp nhiều lần nhu cầu tiêu thụ trong nước, chúng ta sẽ khó chủ động được thị trường.

Để giải quyết rốt ráo câu chuyện mã số, đảm bảo quyền lợi cho nông dân, bà Thực khẳng định các địa phương cùng các cơ quan liên quan cần sớm phối hợp để có biện pháp vừa tuyên truyền, giáo dục vừa có chế tài đủ mạnh để giúp cho việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Các nhà vườn, cơ sở đóng gói cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu cần hiểu và liên kết chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng và quản lý tốt mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói thì mới mở rộng thị trường và tạo dựng uy tín cho nông sản Việt Nam.

Việc tích cực đàm phán của Bộ NN-PTNT và các cơ quan để ngày càng có nhiều nông sản Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào các nước, đặc biệt là Trung Quốc, giúp cho việc tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn. Nhưng chính người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ các qui định của pháp luật Việt Nam và qui định của nước nhập khẩu mới là căn cơ để phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp.

 



Báo cáo phân tích thị trường